Hôm nay, VAMC đi vào hoạt động: Cần cơ chế đủ mạnh, linh hoạt để xử lý nợ xấu

Hôm nay, VAMC đi vào hoạt động: Cần cơ chế đủ mạnh, linh hoạt để xử lý nợ xấu

Hôm nay 26-7, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) sẽ chính thức khai trương. Là doanh nghiệp đặc thù của nhà nước, được thành lập để xử lý nợ xấu, khơi dòng vốn tín dụng cho nền kinh tế, việc VAMC chính thức hoạt động thu hút được sự quan tâm rất lớn của dư luận. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Thủy, Tổng Giám đốc VAMC.

Ông Nguyễn Hữu Thủy

Ông Nguyễn Hữu Thủy

- PV: Thưa ông, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 53 thành lập VAMC, nhiều chuyên gia nhận định không nên quá kỳ vọng vào VAMC trong việc xử lý nợ xấu, bởi VAMC không phải là “cây đũa thần” có thể giải quyết mọi việc. Là người được giao nhiệm vụ điều hành VAMC, ông đánh giá thế nào về ý kiến trên?

>> Ông NGUYỄN HỮU THỦY: Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm trên. Không nên quá kỳ vọng vào việc VAMC là “cây đũa thần” có thể giải quyết mọi việc cho dù theo Nghị định 53 của Chính phủ, VAMC là doanh nghiệp đặc thù, được thành lập để xử lý nợ xấu, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế. Tuy nhiên, một mình VAMC không thể đảm nhiệm trọng trách xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) mà cần có sự hỗ trợ rất lớn từ các cơ quan hữu quan với các giải pháp đồng bộ đi kèm, như:  ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và TCTD. Nghị định 53 quy định VAMC thực hiện mua nợ xấu của TCTD bằng trái phiếu đặc biệt do chính VAMC phát hành; mua nợ xấu của TCTD theo giá trị thị trường bằng nguồn vốn không phải trái phiếu đặc biệt. Sau khi mua nợ, VAMC sẽ kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ liên quan đến khoản nợ. Công ty được thực hiện thu hồi nợ, đòi nợ và xử lý, bán nợ, tài sản bảo đảm, hỗ trợ khách hàng, cơ cấu lại khoản nợ, chuyển nợ thành vốn góp...

Như vậy, với cơ chế trên, nợ xấu của TCTD sẽ được VAMC mua lại, nhưng để xử lý được các khoản nợ này cần có sự phối hợp đồng bộ của nhiều cơ quan, bộ ngành liên quan. Nền tảng của việc xử lý nợ xấu thành công là điều kiện kinh tế vĩ mô phải tốt lên. Việc VAMC mua lại nợ xấu sẽ giúp các TCTD và doanh nghiệp tháo gỡ được khó khăn trước mắt, nhưng về lâu dài hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế có phục hồi và tăng trưởng trở lại hay không còn tùy thuộc vào nhiều điều kiện vĩ mô khác. Để thực hiện được mục tiêu xử lý nợ xấu, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế, ngoài sự nỗ lực của VAMC, chúng tôi rất cần sự ủng hộ của các bộ, ngành, cơ quan liên quan.

- Theo ông, để hoàn thành được nhiệm vụ xử lý nợ xấu trong thời gian tới, VAMC phải vượt qua những thách thức nào?

Khi nói đến thách thức là nói đến những khó khăn VAMC sẽ gặp phải trong quá trình xử lý nợ xấu, đặc biệt trong giai đoạn đầu khi công ty mới đi vào hoạt động. Chẳng hạn như hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh về vấn đề này hiện mới có Nghị định 53 của Chính phủ. Tuy nhiên để có thể vận hành và thực hiện được mục tiêu xử lý nợ thì sự phối hợp và hỗ trợ của các bộ, ngành và TCTD là rất cần thiết. Ví dụ như cơ chế cho việc bán nợ, việc bán tài sản bảo đảm để thu hồi nợ khi không có sự hợp tác của khách hàng/bên bảo đảm là vướng mắc cơ bản cho quá trình xử lý nợ. Khi đó, rất cần có cơ chế cho việc thu giữ tài sản bảo đảm để bán, thu hồi nợ. Hoặc những khó khăn của cơ chế tài chính, tiền lương cho hoạt động của VAMC vì xử lý nợ xấu đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ dày dạn kinh nghiệm, linh hoạt, chủ động trong công tác. Để VAMC hoạt động hiệu quả, cơ chế tiền lương cũng phải tương thích đối với hoạt động đặc thù và khó khăn này.

- Một số chuyên gia cho rằng, muốn xử lý dứt điểm được nợ xấu, cần có cơ chế đặc thù đủ mạnh để VAMC hoạt động hiệu quả. Theo ông, các cơ chế của nhà nước dành cho VAMC đã đáp ứng được yêu cầu?

Cơ chế cho hoạt động xử lý nợ hiện đang được Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành rất quan tâm, một số dự thảo thông tư điều chỉnh hoạt động mua bán, xử lý nợ xấu đang hoàn thiện. Các cơ chế này sẽ tạo điều kiện cho VAMC đi vào hoạt động. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu xử lý nợ thì thực tế trong quá trình hoạt động sau này của VAMC chắc chắn sẽ nảy sinh nhiều vấn đề, nên cần sự linh hoạt về cơ chế, chính sách mới có thể giúp VAMC hoạt động hiệu quả nhất và hoàn thành mục tiêu đề ra.

- Xin ông cho biết kế hoạch và định hướng hoạt động của VAMC từ nay đến cuối năm 2013?

Dự kiến đến hết năm 2013, VAMC sẽ mua một khối lượng lớn nợ xấu theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, cùng với đó sẽ triển khai ngay các hoạt động xử lý nợ. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách cho quản trị nội bộ VAMC, đảm bảo công ty hoạt động an toàn, hiệu quả, công khai và minh bạch.

BẢO MINH thực hiện

Tin cùng chuyên mục