Bài 1: Tăng tốc, khốc liệt

Bất chấp việc rơi khỏi tốp 30 nước hấp dẫn kinh doanh bán lẻ cũng như bị ảnh hưởng do kinh tế khó khăn, khiến doanh thu bán lẻ chỉ tăng nhẹ trong 7 tháng đầu năm 2013, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn được coi là địa điểm tiềm năng để các nhà đầu tư khai thác. Thời gian qua, việc cho thuê bất động sản để kinh doanh bán lẻ diễn ra sôi động. Các loại hình kinh doanh như siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM), cửa hàng tiện lợi... được đầu tư từ nhiều nguồn vốn khác nhau không ngừng được khai trương để đón đầu cơ hội.
Bài 1: Tăng tốc, khốc liệt

Thị trường bán lẻ: Giàu tiềm năng, nhiều thách thức

Bất chấp việc rơi khỏi tốp 30 nước hấp dẫn kinh doanh bán lẻ cũng như bị ảnh hưởng do kinh tế khó khăn, khiến doanh thu bán lẻ chỉ tăng nhẹ trong 7 tháng đầu năm 2013, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn được coi là địa điểm tiềm năng để các nhà đầu tư khai thác. Thời gian qua, việc cho thuê bất động sản để kinh doanh bán lẻ diễn ra sôi động. Các loại hình kinh doanh như siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM), cửa hàng tiện lợi... được đầu tư từ nhiều nguồn vốn khác nhau không ngừng được khai trương để đón đầu cơ hội.

        Phát triển nhanh

Ngày 4-5-2013, UBND TPHCM đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Liên doanh Saigon Co.op - FairPrice (trực thuộc Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM Saigon Co.op và Tập đoàn NTUC FairPrice - Singapore) về việc phát triển mô hình kinh doanh đại siêu thị và đại siêu thị kết hợp phân phối số lượng Co.opXtra và Co.opXtraplus. Đây cũng là một trong những dự án liên doanh đầu tiên của Saigon Co.op với các đối tác nước ngoài để phát triển loại hình kinh doanh mới, lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Saigon Co.op - FairPrice có vốn điều lệ ban đầu 6 triệu USD. Hơn 10 ngày kể từ khi nhận được giấy chứng nhận, công ty đã khai trương, đưa vào hoạt động Co.opXtraplus đầu tiên tại quận Thủ Đức với tổng vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng.

Mua hàng tại siêu thị đã trở thành thói quen của nhiều người. Ảnh: KIM NGÂN

Mua hàng tại siêu thị đã trở thành thói quen của nhiều người. Ảnh: KIM NGÂN

Tính đến nay, Saigon Co.op đang sở hữu 63 siêu thị Co.opMart, 1 đại siêu thị Co.opXtraplus, 61 cửa hàng Co.op Food và hơn 100 cửa hàng Co.op. Song song đó, Saigon Co.op đang xây dựng thêm 10 siêu thị tại TPHCM và các tỉnh, thành khác. Bà Nguyễn Thị Tranh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Saigon Co.op cho biết, kế hoạch phát triển đến năm 2015 có thể sẽ không đạt 100 siêu thị vì nhiều lý do, bù lại Saigon Co.op sẽ tăng cường đầu tư, đa dạng hóa các loại hình kinh doanh khác, trong đó riêng chuỗi cửa hàng tiện lợi có thể chạm mốc 150 cửa hàng.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Chủ tịch HĐQT Công ty Đông Hưng, chủ đầu tư hệ thống siêu thị Citimart cũng cho rằng, trong năm 2013, Đông Hưng đang khởi động lại kế hoạch phát triển thêm các điểm bán mới. Với những siêu thị lớn, hơi khó tìm mặt bằng có thể chậm hơn một chút nhưng với hệ thống B&B (Best & Buy, diện tích khoảng 250m2), công ty sẽ đẩy nhanh số lượng. Hiện tại, Đông Hưng có 1 TTTM, 12 siêu thị lớn, 6 siêu thị trong Parkson và 8 cửa hàng tiện lợi B&B. Với đà này, việc thực hiện kế hoạch 100 siêu thị Citimart đến năm 2017 là khả thi.

Tương tự, hệ thống Vinatex đến nay cũng đã phát triển được mạng lưới với khoảng 80 siêu thị, kinh doanh đa ngành. Là đơn vị đi sau, nhưng Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) cũng kịp ra mắt chuỗi gần 30 cửa hàng tiện lợi SatraFoods, kinh doanh khá hiệu quả.

Tại khu vực phía Bắc, hàng loạt hệ thống siêu thị như Hapromart, Haprofood, Fivimart, Intimex… cũng đã tìm được vị thế của mình trên thị trường.

        Cạnh tranh khốc liệt

Bên cạnh các DN trong nước, từ sau năm 2007 đến nay, các DN có vốn đầu tư nước ngoài tham gia thị trường bán lẻ VN cũng không ngừng mở rộng các điểm bán. Dẫn đầu trong số này, có thể kể đến Big C (Pháp). Ngày 20-8 vừa qua, Big C đã đưa vào hoạt động đại siêu thị, TTTM thứ 25 tại VN, đặt tại Đà Lạt, Lâm Đồng. Kế đến là Metro với chuỗi gần 20 đại siêu thị phủ rộng trên địa bàn cả nước.

Thị trường bán lẻ tại Việt Nam rất sôi động. Ảnh: CAO THĂNG

Thị trường bán lẻ tại Việt Nam rất sôi động. Ảnh: CAO THĂNG

Với hệ thống Lotte Mart, ngoài các siêu thị đặt tại TPHCM và một số tỉnh, thành lân cận, DN này đang triển khai hàng loạt các dự án mới tại Bình Dương và Phan Thiết, Hà Nội cùng nhiều hợp đồng đã được ký kết để xây dựng các đại siêu thị tại VN. Ông Hong Pyong Gyu, Tổng Giám đốc Công ty Lotte Mart Việt Nam, không giấu tham vọng đến năm 2020 sẽ phát triển 60 đại siêu thị kinh doanh đa ngành. Theo đó, Lotte cũng đẩy mạnh việc mua lại các khách sạn, TTTM sẵn có tại VN vừa để cụ thể hóa con số này, vừa xây dựng và phát triển theo hướng đa phong cách, mua sắm kết hợp vui chơi giải trí, quyết tâm chinh phục người tiêu dùng VN.

Trên thực tế, việc chạy đua mở siêu thị, TTTM tại thời điểm này chỉ là bề nổi, việc cạnh tranh khốc liệt để giành thị phần, khách hàng trong lĩnh vực bán lẻ mới là điều đáng lưu ý. Có thể dễ dàng nhận thấy, chưa có năm nào, cứ siêu thị này tung ra một chương trình khuyến mãi, ngay lập tức siêu thị khác cũng phải chạy theo. Cũng chưa có mùa Trung thu nào, các siêu thị lại đua nhau khuyến mãi, giảm giá “khủng” cho khách hàng thành viên.

Ngoài việc khuyến mãi, các nhà phân phối cũng không ngừng làm mới mình, bằng cách thay đổi bộ nhận diện thương hiệu, nâng cấp các siêu thị theo hướng ngày càng đẹp về hình thức, hàng hóa đa dạng và phong phú, đầu tư nhiều hơn cho các chương trình chăm sóc khách hàng,…

Giám đốc một chuỗi siêu thị có tiếng tại TPHCM thừa nhận, kinh doanh bán lẻ ngày càng khốc liệt. Nếu trước đây, các chương trình khuyến mãi chủ yếu do các nhà cung cấp tự làm thì nay chính các chủ siêu thị phải hy sinh một phần đáng kể lợi nhuận để thực hiện chương trình xuyên suốt năm. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại thời điểm này, lãi gộp của nhiều ngành hàng chỉ dừng ở mức từ 1% - 3%, thấp hơn rất nhiều mức 5% - 7% so trước đây. Thậm chí tại một số siêu thị còn công khai việc bán hàng giá gốc cho khách hàng.

Hệ lụy từ “cuộc chiến” giảm giá không chỉ làm cho các nhà kinh doanh bán lẻ bớt giàu mà còn góp phần đẩy các DN sản xuất ngày càng khó khăn do phải chịu mức chiết khấu ngày càng cao. Nếu trước đây chiết khấu cho các siêu thị đối với mặt hàng đông lạnh chỉ dừng ở mức 15% - 17% thì nay đã vượt mức 20% và ở những siêu thị có yếu tố đầu tư nước ngoài thì đòi hỏi mức chiết khấu càng cao. Thực trạng này rất đáng lo ngại!

Cùng với “người cũ” trong năm 2011 và 2012, thị trường VN có thêm hàng loạt các tên tuổi nổi tiếng thế giới “đổ bộ” vào VN như Aeon, Auchan… Cho dù chưa công bố chính thức, nhưng một số nguồn tin cho rằng nhà bán lẻ số 1 thế giới là Wall Mart đã chuẩn bị kế hoạch khá kỹ để đặt cơ sở kinh doanh đầu tiên tại VN.

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục