Cao ốc Thuận Kiều Plaza gần 20 năm bỏ trống

Trong khi nhiều người dân ở TPHCM không có nơi tá túc thì cao ốc Thuận Kiều Plaza (190 Hồng Bàng, quận 5) lại bỏ trống gần 20 năm qua, không chỉ thiệt hại cho chủ đầu tư, mà còn gây lãng phí rất lớn đối với xã hội.
Cao ốc Thuận Kiều Plaza gần 20 năm bỏ trống

Trong khi nhiều người dân ở TPHCM không có nơi tá túc thì cao ốc Thuận Kiều Plaza (190 Hồng Bàng, quận 5) lại bỏ trống gần 20 năm qua, không chỉ thiệt hại cho chủ đầu tư, mà còn gây lãng phí rất lớn đối với xã hội.

Đất vàng bỏ trống

Theo thông tin từ chủ đầu tư, thực hiện giấy phép đầu tư số 758/GPĐT của Bộ KH-ĐT, năm 1994 Công ty TNHH MTV Xây dựng thương mại Sài Gòn 5 (trực thuộc Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn TNHH MTV) và Kings Harmony Int MTV liên doanh xây dựng cao ốc thương mại trên khu đất có diện tích 9.971m², với tổng kinh phí hơn 55 triệu USD. Công trình gồm 3 tháp, mỗi tháp có 33 tầng, trong đó có khu trung tâm thương mại, 648 căn hộ và các công trình tiện ích khác như hồ bơi, khu giải trí, nhà xe… Năm 1998 công trình này hoàn thành, nhưng không đưa vào khai thác sử dụng từ đó đến nay.

Khu cao ốc thương mại Thuận Kiều Plaza vắng bóng người ở, đang xuống cấp. Ảnh: MINH THANH

Qua khảo sát cho thấy, trong tổng số 648 căn hộ trong cao ốc này chỉ gần 20 căn hộ đã bán cho người trực tiếp sử dụng. Do số người mua nhà để ở quá ít nên việc tổ chức dịch vụ phục vụ sinh hoạt cho cư dân tại đây gặp nhiều khó khăn. Vì thế, một số gia đình đã dọn đến ở, rồi phải chuyển đi. Trong khi đó, Trung tâm Thương mại Thuận Kiều Plaza cũng rất ế ẩm, hoạt động kinh doanh teo tóp dần. Khi mới đưa vào khai thác, trung tâm thương mại sôi động, với nhiều hoạt động kinh doanh, dịch vụ, nhưng nay chỉ một số quầy kinh doanh ở tầng trệt hoạt động, còn phần lớn đã đóng cửa.

Khu đất vàng gần 10.000m² với trên 55 triệu USD đầu tư, nhưng suốt gần 20 năm qua hầu như không mang lại lợi ích nào cho xã hội. Dự án không tạo thêm được việc làm nào, cũng không đem lại nguồn thu cho Nhà nước.

Cần biện pháp chế tài

Bất luận vì nguyên nhân gì, do không phù hợp về phong thủy hay thời hạn cho thuê đất ngắn, nhưng trên 600 căn hộ bị bỏ hoang trong suốt thời gian dài là điều không thể chấp nhận. Nhà đất là loại tài sản hàng hóa đặc biệt đối với một quốc gia. Nhà ở là nhu cầu thiết yếu của con người, mà hầu như quốc gia nào cũng phải hiến định. Đây là loại hàng hóa đặc biệt do doanh nghiệp tạo ra, nhưng phải chịu sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Nhà đất phải được sử dụng và sử dụng có kế hoạch mới phát huy chức năng đặc biệt của nó. Chính vì thế, để tránh lãng phí cho xã hội đối với đất đai, Nhà nước đã ban hành văn bản pháp quy để chế tài đối với việc bỏ hoang đất đai. Luật Đất đai đã quy định đất nông nghiệp trồng lúa, hoa màu chỉ để hoang vài tháng sẽ bị thu hồi, đối với đất ở khi làm dự án, sau 24 tháng không thực hiện cũng bị xem xét thu hồi. Thế nhưng biện pháp chế tài đối với việc sử dụng căn hộ, trung tâm thương mại lại chưa được pháp luật quy định, điều chỉnh. Thực tế hàng trăm căn hộ ở cao ốc Thuận Kiều đã xây dựng xong, bỏ trống gần 20 năm vẫn không có biện pháp xử lý.

Theo Luật gia Trần Đình Dũng (Trung tâm Tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia Việt Nam), Nhà nước cần ban hành quy định về quy chế quản lý, sử dụng căn hộ, trung tâm thương mại tại các cao ốc, cũng như khu dự án nhà ở tập trung. Theo Luật Nhà ở trước đây, cũng như dự thảo luật đang được Quốc hội thảo luận vẫn chưa đề cập đến biện pháp chế tài đối với trường hợp chủ sở hữu căn nhà không sử dụng. Dự thảo luật cũng đang bàn, không chỉ người dân trong nước mà người nước ngoài cũng được mua, sở hữu nhà ở Việt Nam. Nếu không có những quy định cụ thể về biện pháp chế tài, sẽ có nhiều khu cao ốc bỏ hoang như Thuận Kiều Plaza trong tương lai. Đây là lỗ hổng trong quy định pháp luật cần được quy định chặt chẽ.

Việc cao ốc Thuận Kiều Plaza bỏ hoang trong nhiều năm là bài học lớn về quản lý. Đất đai, nhà ở là hàng hóa đặc biệt. Vừa là tài sản riêng, sử dụng để ở của chủ sở hữu, nhưng đồng thời là công sản quốc gia, phương tiện để phát triển đất nước, bình ổn xã hội. Việc thiếu hành lang pháp lý trong công tác quản lý đầu tư, sử dụng khai thác các cao ốc thương mại, chung cư, dự án nhà ở tập trung sẽ dẫn đến tình trạng xây dựng xong không sử dụng hoặc đầu cơ, mua xong rồi bỏ trống gây lãng phí lớn cho xã hội.

TRẦN YÊN

Tin cùng chuyên mục