Trùm “xã hội đen” dưới vỏ bọc doanh nhân

Xuất thân từ những làng nghề truyền thống của vùng đất Kinh Bắc nhưng với Nguyễn Ngọc Minh (tức Minh "sâm" Giám đốc Công ty TNHH Đại An, Từ Sơn, Bắc Ninh) và Nguyễn Thành Hưng (tức Hưng "sóc", Giám đốc Công ty TNHH Thành Hưng Bắc Ninh, Từ Sơn, Bắc Ninh) suốt quãng đời thanh niên trai trẻ lại là những năm tháng ăn cơm tù. Ngỡ ràng khi ra tù, cả Minh "sâm" và Hưng "sóc" sẽ làm lại cuộc đời nhưng thực ra bản chất tội phạm, giang hồ vẫn không thay đổi nhưng lại được che đậy dưới một vỏ bọc tinh vi hơn khi cả hai đều là những... doanh nhân thành đạt. Nhưng cuối cùng, sự thật cũng đã được phơi bày.
Trùm “xã hội đen” dưới vỏ bọc doanh nhân

Xuất thân từ những làng nghề truyền thống của vùng đất Kinh Bắc nhưng với Nguyễn Ngọc Minh (tức Minh "sâm" Giám đốc Công ty TNHH Đại An, Từ Sơn, Bắc Ninh) và Nguyễn Thành Hưng (tức Hưng "sóc", Giám đốc Công ty TNHH Thành Hưng Bắc Ninh, Từ Sơn, Bắc Ninh) suốt quãng đời thanh niên trai trẻ lại là những năm tháng ăn cơm tù. Ngỡ ràng khi ra tù, cả Minh "sâm" và Hưng "sóc" sẽ làm lại cuộc đời nhưng thực ra bản chất tội phạm, giang hồ vẫn không thay đổi nhưng lại được che đậy dưới một vỏ bọc tinh vi hơn khi cả hai đều là những... doanh nhân thành đạt. Nhưng cuối cùng, sự thật cũng đã được phơi bày.

Quá khứ bất hảo của hai doanh nhân

 Phù Khê (Từ Sơn, Bắc Ninh) một trong những làng nghề cổ ở vùng đất Kinh Bắc. Trải qua hàng trăm năm, nghề mộc và chạm khắc gỗ mỹ nghệ nơi đây vẫn được người dân gìn giữ và phát triển. Làng nghề hiện có gần 30 doanh nghiệp và trên 500 cơ sở sản xuất và kinh doanh gỗ và các mặt hàng gỗ mỹ nghệ. Giữa những ngày tháng 8, chúng tôi trở lại Phù Khê sau sự việc vị trưởng thôn "uy tín" Hưng "sóc" và giám đốc Minh "sâm" bị bắt, bà con nơi đây bàn tán xôn xao khắp thôn trên xóm dưới. Thế nhưng hoạt động của làng nghề vẫn diễn ra sôi động, các cơ sở sản xuất đồ gỗ với hàng chục lao động, tiếng đục, tiếng cưa  đều đều từ sáng sớm tới tận tối mịt. Không ít hộ kinh doanh, sản xuất gỗ ở Phù Khê và Đồng Kỵ đã nói thẳng với chúng tôi: Bản chất tội phạm của Hưng "sóc" và Minh "sâm" đâu có thể che đậy được mãi  mà không bị phát hiện phát hiện, không bị pháp luật xử lý.

“Nhiều hộ kinh doanh gỗ đều bị ổ nhóm Minh “sâm” và Hưng "sóc" bắt làm luật nhưng chúng tôi không dám chống lại vì bọn chúng tụ tập toàn giang hồ, lại có nhiều tiền, quan hệ rộng ở địa phương nên có tố giác cũng chưa chắc đã làm nổi được gì. Nhưng rất may Bộ Công an đã bắt hết chúng... "- chủ một cửa hàng gỗ ở chợ Phù Khê tâm sự.

Quả thực sau những hình ảnh đầy hào nhoáng của Hưng “sóc” và Minh “sâm”, ít ai nghĩ rằng hai vị "doanh nhân" thành đạt này lại có quá khứ bất hảo. Sinh năm Nhâm Thìn (1952) cầm tinh con Rồng nhưng chưa đầy 20 tuổi khi đang còn là sinh viên trường Trung cấp Sư phạm Hà Bắc, Hưng "sóc" đã phải vào tù 18 tháng vì tội trộm cắp tài sản. Ra tù chưa đầy 2 năm, "ngựa quen đường cũ", Hưng sóc lại tái phạm và phải ăn cơm tù cho đến năm 1984 mới được thả. Thế nhưng chỉ một năm sau, Hưng "sóc" lại trộm cắp và phải ngồi tù thêm 10 năm nữa.  Trong khi đó là bậc đàn em, trẻ hơn, Minh "sâm" sinh năm 1960 cầm tinh con chuột nhưng lại một kẻ hung hãn khi mới 20 tuổi, Minh đã nhúng chàm trong một vụ án dùng vũ khí quân dụng giết người và phải trả giá những tháng ngày trai trẻ trong trại giam. Khi vào trại, Minh chỉ là đối tượng nhãi nhép và thường bị bạn tù bắt nạt theo luật rừng trong trại. Thế nhưng, thật may mắn cho Minh “sâm” khi gặp được Hưng "sóc" lúc đó đã là "đại ca" trong nhà giam. Vì cùng là đồng hương Từ Sơn nên Minh "sâm" đã được Hưng "sóc" che chở, bảo vệ tránh những trận đòn tù và sau đó được đưa lên dần trở thành một kẻ có số má trong trại giam.

Đánh bóng  tên tuổi...bằng tiền

Sau những năm tháng bóc lịch trại giam, Minh "sâm", rồi tới Hưng "sóc" lần lượt được thả. Trở về với đời thường, Nguyễn Ngọc Minh đã "làm lại" cuộc đời bằng con đường kinh doanh. Năm 2000, Minh "sâm" lập Công ty TNHH Đại An (ở Khu công nghiệp Dốc Sặt, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) chuyên kinh doanh gỗ với số vốn ban đầu chỉ có 400 triệu đồng. Trong quá trình kinh doanh, công ty Đại An gặp không ít thật bại nhưng thật tài tình dưới sự chèo lái của Minh "sâm", Đại An vượt qua hết khó khăn và trở thành một doanh nghiệp lớn ở Bắc Ninh. Chỉ sau 10 năm hoạt động, Đại An đã có số vốn tăng hơn 500 tỷ đồng, trở thành doanh nghiệp hàng đầu kinh doanh đồ gỗ cao cấp và cung cấp gỗ nguyên liệu chính cho Đồng Kỵ và Phù Khê. Mỗi năm, doanh nghiệp Đại An khẩu hàng chục nghìn mét khối gỗ, trong đó có nhiều gỗ quý từ Lào và Campuchia về kinh doanh.

Không dừng lại ở đó, doanh nghiệp của Minh "sâm" còn vươn tới việc kinh doanh bất động sản và xây dựng. Nổi tiếng nhất là việc làm con đường dài hơn 2 cây số trên tỉnh lộ 277 đoạn từ cầu Tấn Bào đến khu lưu niệm ở xã Phù Khê vào năm 2011. Công trình này phải đi qua khu dân cư mà ở đó giá đất lúc đó được ví là “tấc đất- tấc vàng” nhưng chỉ trong 2 ngày, dưới sự chỉ huy của Minh "sâm", tất cả các hộ dân đều "tự nguyện" tháo dỡ nhà cửa, giải tỏa bàn giao mặt bằng cho doanh nghiệp của Minh "sâm" để thi công con đường.

Chưa dừng lại ở đó, sau khi sang Nhật tham quan và học hỏi võ học Aikido, võ sư Nguyễn Ngọc Minh đã quyết định mở võ đường Đại An ngay tại bản doanh của công ty, rồi tự mình đứng ra truyền dạy nên thu hút rất nhiều học viên tham gia nhất là người lao động trong công ty Đại An.
 
Có tiền, Minh "sâm" cũng rất khôn khéo để không ngừng củng cố vị trí và đánh bóng vẻ bề ngoài khi bỏ ra rất nhiều tiền để đầu tư các công trình xã hội ở địa phương và làm từ thiện. Vì thế doanh nghiệp Đại An, cũng như bản thân Minh "sâm" đã nhận được rất nhiều bằng khen, giấy khen. Đặc biệt, cá nhân Nguyễn Ngọc Minh cũng được vinh danh là một trong 1.000 doanh nhân tiêu biểu của cả nước trong dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Cùng với đó, Minh "sâm" cũng rất chịu chơi khi bỏ ra hàng triệu đô la để mua nhiều xế hộp sang trọng phục vụ việc đi lại, giao dịch, trong đó cả xe Maybach 57S và Rolls-Royce Phantom biển số độc 99K-9999 là những siêu xe đếm trên đầu ngón tay ở Việt Nam.

Đối với Hưng "sóc" được đàn em Minh "sâm" báo đáp sau khi ra tù cũng đã nhanh chóng thành lập Công ty TNHH Thành Hưng Bắc Ninh, một trong những công ty con của Đại An. Thế nhưng khác với đàn em tập trung vào việc kinh doanh nhiều lĩnh vực, Hưng "sóc" lại dường như gắn bó nhiều hơn với các công việc của địa phương và làng nghề. Năm 2004, Nguyễn Thành Hưng được bầu làm Trưởng thôn Phù Khê Thượng và giữ mãi chức trưởng thôn cho tới khi bị bắt. Đầu tháng 3-2012 được chính quyền xã Phù Khê “bật đèn xanh”, chợ gỗ Phù Khê được thành lập trên diện tích hơn 10.000m² ở vị trí đắc địa ngay đầu làng Phù Khê Thượng liền kề đường Nguyễn Văn Cừ nên khu chợ gỗ này đã thu hút được hàng trăm hộ tới đây kinh doanh buôn bán chỉ độc mặt hàng là gỗ và gỗ quý.

Doanh nghiệp Đại An của Minh Sâm trở nên vắng lặng sau khi ông chủ bị bắt.

Đặc biệt hơn, Hưng "sóc" khi được giao nhiệm vụ quản lý chợ gỗ này đã từng tuyên bố: Việc xây dựng chợ gỗ được xem là một “chiến lược lâu dài” phù hợp với lộ trình phát triển của làng nghề và tạo kiện kiện thuận lợi cho các hộ sản xuất, kinh doanh đồ gỗ của địa phương. Sau đó, Hưng "sóc" đã quy tụ một đội ngũ bảo vệ chợ đều là đàn em thời giang hồ trước đây và đề ra những quy định riêng để quản lý các hộ kinh doanh ở chợ.

Với việc được giao nhiệm vụ quản lý chợ gỗ và sự hẫu thuẫn của Minh "sâm", công việc làm ăn của Hưng "sóc" cũng ngày càng phát triển. Và khi có được rất nhiều tiền, Hưng "sóc" cũng củng cố vị trí bằng cách bỏ ra không ít tiền để làm từ thiện, đóng góp xây dựng các công trình xã hội ở địa phương.

Bộ mặt thật của những “doanh nhân đen”

Là những "doanh nhân" thành đạt nhưng thực tế cả Hưng "sóc" và Minh "sâm" đều có trong tay một đội quân xã hội đen, giang hồ được quy tụ từ khắp nơi để phục vụ cho hoạt động kinh doanh và điều hành chợ gỗ. Tại chợ gỗ Phù Khê, không ít tiểu thương cho biết, các xe gỗ đến giao thương tại chợ gỗ đều phải làm luật với ổ nhóm của Hưng "sóc" và Minh "sâm". Các hoạt động mua bán ở đây đều bị thâu tóm, nếu chủ gỗ nào qua mặt đều bị xử lý theo luật giang hồ. “Chúng tôi muốn mua bán gỗ đều phải qua tay ông Minh và ông Hưng nếu không đi đường kiểu gì cũng bị bắt đàn em của ông ấy chặn lại...”- một chủ gỗ tại Phù Khê nói.

Không chỉ có vậy, Minh "sâm" còn thao túng toàn bộ gỗ từ các thị trường trong và ngoài nước khi đưa về Phù Khê, Đồng Kỵ để chế tác đồ gỗ mỹ nghệ hoặc xuất đi nước ngoài. Nếu không muốn bị rắc rối, các doanh nghiệp phải "biết điều" thông qua Minh Sâm để làm giấy tờ, thủ tục vận chuyển

.

Đáng chú ý,  qua điều tra của cơ quan công an, Minh “sâm”, Hưng “sóc” luôn cắt cử 2 đối tượng ngồi chặn ở khu vực cầu Tấn Bào để kiểm soát các xe đi qua. Nếu là xe chở gỗ quen đã đóng phí tháng thì bọn chúng cho đi qua luôn, còn nếu xe chở gỗ lạ thì chúng ép, đưa về kho riêng trong khu vực chợ. Sau đó, ép buộc các tài xế hoặc chủ hàng nộp tiền lệ phí từ 1-2 triệu đồng/xe. Nếu lái xe hay chủ hàng không tuân thủ, lập tức bị đe dọa, thậm chí hành hung. Bọn chúng còn ngang nhiên lập cả trạm cân để ép các lái xe chở gỗ phải đưa xe lên cân tải trọng. Nếu vượt quá tải trọng cho phép, chúng cũng tự cho quyền mình được phạt tiền chủ hàng.

Công an đang tiến hành khám xét cơ sở của Minh Sâm.

Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47) là người trực tiếp chỉ huy lực lượng đánh án bắt giữ Minh "sâm", Hưng "sóc" cho biết, đã có nhiều cá nhân, doanh nghiệp gửi đơn tố cáo hành vi của băng nhóm này đến cơ quan CSĐT, Bộ Công an. Nội dung của các lá đơn tố cáo chủ yếu việc băng nhóm của Minh “sâm” có hành vi cưỡng đoạt tài sản của họ liên quan đến việc kinh doanh, vận chuyển gỗ vào chợ gỗ Phù Khê.

Hiện cơ quan CSĐT đang tiến hành xác minh cụ thể từng đơn tố cáo để có căn cứ điều tra, xử lý đối với băng nhóm này theo quy định của pháp luật. Mặc dù chỉ bị bắt với tội danh ban đầu là cưỡng đoạt tài sản và tàng trữ  vũ khí nhưng tới đây rất có thể nhiều hành vi phạm pháp của ổ nhóm xã hội đen do Minh "sâm" và Hưng "sóc" cầm đầu sẽ được cơ quan điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh.

NGUYỄN QUỐC

Tin cùng chuyên mục