Tăng cường kết nối để phát triển vùng TPHCM

Đây là vùng đô thị lớn, động lực phát triển kinh tế hàng đầu của quốc gia cũng là đầu mối giao thông quốc tế.
Nhiều khu dân cư và cao ốc mọc lên tại TPHCM. Ảnh: Cao Thăng
Nhiều khu dân cư và cao ốc mọc lên tại TPHCM. Ảnh: Cao Thăng

TPHCM là hạt nhân vùng

Vùng TPHCM gồm 7 tỉnh, thành phố:  Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang và TPHCM. Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xác định đây là vùng đô thị lớn, động lực phát triển kinh tế hàng đầu của quốc gia cũng là đầu mối giao thông quốc tế, có khả năng thích ứng cao, hướng tới phát triển cân bằng và bền vững, đồng thời là trung tâm tri thức, dịch vụ hiện đại, trung tâm văn hóa đặc sắc. Trong đó, TPHCM là đô thị hạt nhân vùng, trung tâm kinh tế tổng hợp đa chức năng với kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại ngang tầm với các đô thị hiện đại trong khu vực.

Theo Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam, so với quy hoạch vùng đã được duyệt năm 2008, quy hoạch lần này sẽ được điều chỉnh theo 4 nguyên tắc: phát triển cân bằng (thông qua việc thay đổi cơ cấu kinh tế để tăng thu nhập cho khu vực ngoại vi, tập trung hóa nền công nghiệp địa phương, cân bằng các cung cấp dịch vụ xã hội - hạ tầng), thích ứng cao (vùng co giãn và gắn kết chặt chẽ các cộng đồng địa phương), hệ thống kết nối (hệ thống giao thông giữa TPHCM và các tỉnh, nâng cao hiệu quả thông tin liên lạc, có thông tin và quản trị chung cả vùng) và các nơi chốn bền vững (tăng cường an ninh lương thực địa phương, đảm bảo tự cung cấp các dịch vụ đa dạng).

Vùng phát triển theo mô hình tập trung đa cực, với 4 tiểu vùng theo hướng phát triển có giới hạn đối với vùng, mở rộng đô thị trung tâm về phía Đông và Bắc (tiếp giáp các rừng cảnh quan Cần Giờ, Cát Tiên…), đồng thời phát triển thích nghi ở các khu vực dễ bị ngập lụt và phát triển nén ở các khu vực có địa hình cao.

Theo đơn vị tư vấn, sở dĩ phát triển theo hướng này là để giải quyết một vấn đề vô cùng quan trọng đối với vùng TPHCM hiện nay, đó là tác động của biến đổi khí hậu đã làm cho tình hình ngập lụt trở nên nghiêm trọng, mà quy hoạch năm 2008 chưa đề cập đầy đủ. 

Hợp tác quản lý chung giao thông, nguồn nước

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng cần có chính sách điều phối và tăng cường sự phối hợp giữa các tỉnh, thành, nếu không sẽ xung đột trong kêu gọi đầu tư và hạn chế trong phát huy nguồn lực giữa các tỉnh, thành. Đồng thời, cũng cần tăng cường kết nối giao thông, ưu tiên phát triển hệ thống giao thông công cộng của các địa phương để gắn kết chặt chẽ với các địa phương trong vùng.

Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho hay, tỉnh này có 14.000ha đất công nghiệp, đến nay tỷ lệ lấp đầy đạt 60%, tuy nhiên hiện do chưa có đường lớn ra Tân Cảng nên tầm 4-5 giờ chiều là kẹt xe nghiêm trọng.

Tương tự, ông Huỳnh Anh Minh, Phó Chủ tịch tỉnh Bình Phước bày tỏ sự quan tâm của tỉnh này đến giao thông ở Bình Dương và TPHCM, vì đường ở hai địa phương này tắc thì hàng hóa từ Bình Phước về các cảng cũng tắc theo. Do đó, đề xuất Chính phủ sớm thực hiện các tuyến đường vành đai của TPHCM và đường nối cảng biển, cảng sông để đồng bộ hệ thống giao thông vùng.

Ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đề xuất Chính phủ xem xét tháo gỡ một số vướng mắc về cơ chế, thủ tục để đẩy nhanh một số dự án giao thông trọng điểm như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu…

Đồng tình với các địa phương về vấn đề giao thông là yếu tố quan trọng để tăng tính liên kết vùng, nhưng Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Đặng Huy Đông khuyến nghị thêm một yếu tố khác quan trọng không kém là nguồn nước. Trong quy hoạch vùng cần tính toán thật kỹ lưỡng các vấn đề nguồn nước, dòng chảy, xâm nhập mặn… với các tác động của biến đổi khí hậu, từ đó mới quy hoạch hạ tầng một cách phù hợp.

Chung quan điểm, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa đề nghị đơn vị tư vấn nên quan tâm đến vấn đề quản lý và xử lý chất thải của các tỉnh đầu nguồn để không gây ô nhiễm vùng hạ lưu.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa chuyển giao số liệu về quan trắc lún cho các tỉnh, thành, đề nghị đơn vị tư vấn bổ sung vào quy hoạch vì mức độ lún của các khu vực không giống nhau.

Làm rõ tính khả thi

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM, đề nghị đơn vị tư vấn khi điều chỉnh quy hoạch cần phân tích sâu hơn nguyên nhân một số quy hoạch, chẳng hạn như giao thông, vừa qua thực hiện quá chậm. Từ đó đề xuất giải pháp để tránh tình trạng quy hoạch mới lại chậm thực hiện.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, 7 tỉnh của vùng chỉ chiếm 9,2% diện tích và 21% dân số cả nước nhưng tạo ra 44% GDP cả nước, ngân sách năm nay được giao chỉ tiêu đóng góp 40% cả nước… Thế nhưng, đầu tư của Trung ương cho vùng chưa tương xứng, nhất là hạ tầng. Vì thế, cũng cần đánh giá lại mức độ đầu tư phát triển hạ tầng cho vùng trong 15 năm qua chiếm bao nhiêu phần trăm cả nước để có cái nhìn tổng thể hơn.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu nhấn mạnh thêm tầm quan trọng và cơ hội phát triển vùng phía Đông và trục phát triển phía Bắc, bởi đây là cửa ngõ quan trọng về cảng biển và hàng không, giao lưu quốc tế, song song đó cũng nêu rõ các vùng hạn chế phát triển (chẳng hạn vùng phía Nam TPHCM).

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định, đây là đề án rất quan trọng đối với toàn vùng trọng điểm kinh tế phía Nam, đặc biệt TPHCM, và đây là buổi họp cuối cùng để hoàn thiện điều chỉnh quy hoạch; sau đó sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch, vùng TPHCM có 4 tiểu vùng:

Tiểu vùng đô thị trung tâm bao gồm TPHCM và vùng phụ cận với các huyện, thành phố, thị xã như Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức (Long An); Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, Bến Cát, Tân Uyên (Bình Dương); Biên Hòa, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Long Thành và một phần huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai). Trong đó, TPHCM là đô thị hạt nhân trung tâm của vùng; TP mới Bình Dương là đô thị động lực phía Bắc; TP Biên Hòa - Long Thành - Nhơn Trạch là vùng đô thị động lực phía Đông; đô thị Củ Chi - Hậu Nghĩa - Đức Hòa là các đô thị động lực vùng phía Tây Bắc; Bến Lức - Cần Giuộc - Hiệp Phước là các đô thị sinh thái phía Tây Nam. Tiểu vùng có diện tích khoảng 5.163,92km2, dân số dự báo đến năm 2030 khoảng 15.700.000 người, tỷ lệ đô thị hóa năm 2030 khoảng 85%-90%.

Tiểu vùng phía Bắc - Tây Bắc gồm các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh và Bắc Bình Dương.

Tiểu vùng phía Đông gồm tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. 

Tiểu vùng Tây Nam gồm Tiền Giang và Long An.

Tin cùng chuyên mục