Hợp tác chống các “thiên đường trốn thuế”

Cuộc chiến loại bỏ các “thiên đường trốn thuế” tại châu Âu đã đạt được một bước tiến quan trọng khi 6 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) là Đức, Pháp, Anh, Italia, Tây Ban Nha và Ba Lan đã thống nhất về kế hoạch buộc ngân hàng tại các nước này phải minh bạch hóa hơn hoạt động của mình.
Hợp tác chống các “thiên đường trốn thuế”

Cuộc chiến loại bỏ các “thiên đường trốn thuế” tại châu Âu đã đạt được một bước tiến quan trọng khi 6 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) là Đức, Pháp, Anh, Italia, Tây Ban Nha và Ba Lan đã thống nhất về kế hoạch buộc ngân hàng tại các nước này phải minh bạch hóa hơn hoạt động của mình.

  • Trao đổi tự động dữ liệu khách hàng

Các biện pháp tăng cường tính minh bạch bao gồm yêu cầu ngân hàng của 6 nước này phải cung cấp thông tin người gửi cho cơ quan thuế vụ của các nước này; trao đổi dữ liệu giữa các ngân hàng và tạo ra hệ thống tự động trao đổi dữ liệu về thuế…

Chính phủ 6 nước châu Âu hy vọng việc trao đổi thông tin có thể không giúp tóm và ngăn chặn được ngay những người trốn thuế nhưng sẽ tạo ra một khuôn mẫu cho tương lai gần, tiến tới một thỏa thuận chống trốn thuế rộng rãi hơn trên thế giới. Trước đó, trong một lá thư được Đức, Pháp, Anh, Italia, Tây Ban Nha ký chung gửi Ủy viên về thuế vụ của EU Algirdas Semeta, 5 nước trên đã thúc giục ông Semeta thảo luận với 27 quốc gia thành viên EU để ký vào thỏa thuận minh bạch hóa các ngân hàng.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Pierre Moscovici cho rằng chính sách bảo mật ngân hàng giờ đây đã lỗi thời, cần phải có một hệ thống hiệu quả ngăn chặn các chiêu trò trốn thuế. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne cam kết Chính phủ Anh sẽ đẩy mạnh việc thực hiện chính sách minh bạch hóa ngân hàng tại các vùng lãnh thổ của nước này như quần đảo Cayman hay British Virgin, 2 địa điểm được liệt vào danh sách thiên đường trốn thuế nổi tiếng trên thế giới.

Châu Âu mất 1.000 tỷ EUR mỗi năm vì trốn thuế.

Châu Âu mất 1.000 tỷ EUR mỗi năm vì trốn thuế.

Động thái mạnh mẽ của một số quốc gia châu Âu đưa ra sau khi Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế có trụ sở tại Washington (Mỹ) tuyên bố họ thu được thông tin hết sức tin cậy liên quan đến hàng chục ngàn tài khoản ngân hàng “có vấn đề” ở nước ngoài, tập trung ở Cayman và British Virgin. Vụ tiết lộ động trời làm rất nhiều chính phủ ở châu Âu bối rối khi mà các thông tin đã nói rõ về những công dân giàu có tại lục địa già tìm mọi cách che giấu tài sản hợp pháp cũng như bất hợp pháp, tránh không bị đánh thuế bằng cách lập công ty ở nước ngoài…

  • Điểm nóng

Trước khi 6 nước EU bắt tay với nhau, một điểm nóng về trốn thuế tại châu Âu là Luxembourg đã chấp thuận sẽ chia sẻ thông tin chi tiết tài khoản của người nước ngoài gửi tiền tại các ngân hàng ở Luxembourg cho chính phủ thành viên EU từ năm 2015. Động thái mới này đã đặt Áo, quốc gia đang bị EU thúc giục phải ký cam kết trao đổi tự động thông tin của người gửi tiền, trước nhiều sức ép.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Áo Maria Fekter vẫn cương quyết bác bỏ khả năng trao đổi thông tin, coi đó là hành động xâm phạm vào quyền riêng tư, đồng thời chỉ trích các quốc gia mà bà Fekter gọi là các “điểm nóng”, đã thất bại trong việc chống rửa tiền. Trước ý kiến của bà Fekter, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble đã phản đối gay gắt rằng mỗi nước có một chính sách thuế riêng nhưng không thể ngăn cản các nước khác đánh thuế công dân của họ khi có tài khoản ở nước ngoài. Mặc dù vậy, một số chuyên gia cho rằng có thể Vienna sẽ có cách tiếp cận ôn hòa hơn về vấn đề bất hợp pháp trên khi Thủ tướng nước này, Werner Faymann, từng đề cập đến chuyện chia sẻ thông tin các khách hàng nước ngoài mà không vi phạm đến chính sách bảo mật ngân hàng.

Có thể nói, vấn đề về trốn thuế đang gây nhức nhối EU. Ước tính mỗi năm, chính phủ các nước thành viên EU mất khoảng 1.000 tỷ EUR tiền trốn thuế. Vì vậy, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Herman Van Rompuy, đã quyết định hội nghị thượng đỉnh EU tháng tới sẽ tập trung thảo luận về cuộc chiến chống lại các “thiên đường trốn thuế”. 

ĐỖ VĂN (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục