Mỹ tăng cường an ninh sau các vụ đánh bom liên hoàn tại Boston

Mỹ tăng cường an ninh sau các vụ đánh bom liên hoàn tại Boston

(SGGPO).- Vài giờ sau khi xảy ra vụ đánh bom liên hoàn tại thành phố Boston, bang Massachusetts, khiến hơn 100 người thương vong, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã yêu cầu tăng cường an ninh trên phạm vi toàn liên bang và các cơ quan chức năng nước này nhanh chóng điều tra vụ việc.

Thắt chặt an ninh

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, phát biểu tại một buổi họp báo khẩn cấp tại Nhà Trắng, Tổng thống Obama tuyên bố sẽ "huy động mọi nguồn lực" để "điều tra đến cùng" và đưa thủ phạm ra trước công lý. Ông đã chỉ thị cho các cơ quan liên bang hỗ trợ giới chức và cảnh sát địa phương ngăn chặn nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công tương tự cũng như bắt giữ mọi đối tượng tình nghi đang âm mưu tiến hành khủng bố. Tổng thống Mỹ cũng cam kết cung cấp tất cả những nguồn lực cần thiết để chính quyền thành phố Boston và bang Massachusetts khắc phục hậu quả của các vụ nổ trên.

Trong khi đó, an ninh đã được tăng cường trên phạm vi toàn liên bang sau các vụ nổ. Cơ quan Hàng không liên bang Mỹ đã thiết lập một vùng cấm bay trong phạm vi 10 km xung quanh nơi xảy ra các vụ đánh bom. Cảnh sát Washington và nhiều thành phố lớn của Mỹ như New York , San Francisco , Chicago ... đã được đặt trong tình trạng báo động cao. Những địa điểm có khả năng trở thành mục tiêu tấn công như các bến cảng, sân bay, các tuyến đường sắt, địa điểm thi đấu thể thao, cơ quan chính phủ và những vị trí trọng yếu khác cũng đã được tăng cường an ninh. 

Trả lời hãng tin Pháp AFP về vụ việc, Chủ tịch Ủy ban Tình báo của Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sỹ Dianne Feinstein, cho biết bà tin rằng các vụ nổ là nhằm mục đích tấn công và "có vẻ như" là một vụ khủng bố, song bà không rõ thủ phạm là người Mỹ hay người nước ngoài.  

Cùng ngày, phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 19 năm thảm họa diệt chủng ở Rwanda tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ), Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã lên án vụ đánh bom, đồng thời bày tỏ chia buồn tới gia đình các nạn nhân. Từ Australia , Thủ tướng nước này Julia Gillard cũng đã gửi lời chia buồn tới nước Mỹ và gia đình các nạn nhân trong vụ tấn công khủng bố này. Phóng viên TTXVN tại Australia dẫn tuyên bố cùng ngày của Thủ tướng Gillard nhấn mạnh các vụ đánh bom này đã phủ bóng đen lên một trong những sự kiện thể thao lớn nhất thế giới. 

Vụ đánh bom liên hoàn này cũng đã khiến nhiều chỉ số trên thị trường chứng khoán Mỹ đồng loạt rớt giá mạnh. Chốt phiên giao dịch ngày 15-4, chỉ số Standart & Poor's 500 đã giảm 2,3%, trong khi các chỉ số lớn khác là chỉ số Công nghiệp Dow Jones và Nasdaq Composite cũng giảm lần lượt 1,8% và gần 2%.  

Sơ đồ vụ nổ bom. Nguồn Vietnam+

Sơ đồ vụ nổ bom. Nguồn Vietnam+ 

Trước đó, vào sáng sớm nay 16-4 theo giờ Việt Nam (tức chiều 15-4 giờ địa phương), 2 quả bom phát nổ tại gần vạch về đích trong cuộc chạy đua marathon ở Boston, bang Massachusetts làm 3 người thiệt mạng và ít nhất 130 người bị thương.

Nhân viên y tế cấp cứu người bị nạn

Nhân viên y tế cấp cứu người bị nạn

Cảnh sát trưởng Boston, Ed Davis, cho biết hiện chưa phát hiện được bất cứ nghi phạm nào. Trong khi đó, theo tờ Wall Street Journal, sau khi vụ nổ xảy ra, lực lượng an ninh đã phát hiện và vô hiệu hóa 5 thiết bị phát nổ khác tại hiện trường. Theo ông Davis, lực lượng cảnh sát Boston không nhận thấy bất kỳ một mối đe dọa nào trước khi cuộc chạy marathon diễn ra. 
 
Nạn nhân bị thương được đưa đi cấp cứu

Nạn nhân bị thương được đưa đi cấp cứu 

Thống đốc bang Massachusetts Deval Patrick đã cảnh báo người dân thận trọng trong ngày 16-4 và yêu cầu cảnh sát kiểm tra bất kỳ túi xách nào khả nghi. Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã điều tra theo hướng nhiều khả năng đây là một vụ khủng bố. 

Hiện trường vụ nổ

Hiện trường vụ nổ

Tổng thống Barack Obama đã có bài phát biểu trấn an dư luận, cam kết bằng mọi giá sẽ tìm ra hung thủ đứng đằng sau hành động được xem là khủng bố này.

Chạy đua tìm kiếm người thân

Trong lúc Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đang khẩn trương tìm kiếm thủ phạm đứng đằng sau vụ đánh bom đẫm máu tại giải marathon Boston, rất nhiều người dân Mỹ cũng đang tham gia vào một “cuộc đua” khác: tìm kiếm thông tin người thân của mình, những người đã có mặt trong thời khắc định mệnh tại Boston.

Điện thoại di động, mạng xã hội, thậm chí cả những website tìm người đã được huy động tối đa cho mục đích kiếm tìm những người đã tham gia hoặc dự khán giải marathon Boston. Việc tìm kiếm hết qua điện thoại di động hết sức khó khăn khi lượng người sử dụng quá lớn dẫn đến nghẽn mạng.

Bà Julie Jeske, 51 tuổi, ở Bismarck (bang North Dakota), người về đích trước khi vụ đánh bom xảy ra 15 phút, đã cố liên lạc với người thân nhưng không thể thực hiện được cuộc gọi. Trong khi đó, tại Seattle, Lisa Cliggett như ngồi trên đống lửa, từng giây, từng phút trông ngóng thông tin của anh và chị dâu. Anh trai của Lisa, Mark Cliggett, 51 tuổi và vợ là chị Janet Vogelzang, 54 tuổi, là 2 vận động viên tham gia giải chạy marathon Boston. Lisa không thể liên lạc với họ qua điện thoại ngay sau khi biết thông tin về vụ nổ. “Có chuyện gì đã xảy ra ở vạch đích vậy, đánh bom ư”, Lisa lo lắng tự hỏi.

Lisa lên máy tính, truy cập vào trang web chính thức của cuộc đua marathon, cố gắng tra cứu xem vị trí cuối cùng anh và chị dâu của cô xuất hiện. Sau khi tính toán, cô cho rằng họ đã về đích trước khi vụ nổ diễn ra. 3 giờ sau vụ đánh bom, vợ chồng Mark đã điện về cho các con của họ thông báo họ vẫn ổn, rằng họ đứng cách chỗ quả bom thứ 2 phát nổ hơn 90m. Vẫn còn rất nhiều người dân Mỹ đang thấp thỏm chờ thông tin từ người thân của mình.

Một người giơ cao tờ bìa ghi thông tin tìm người thân tại Quảng trường Copley ở Boston.

Một người giơ cao tờ bìa ghi thông tin tìm người thân tại Quảng trường Copley ở Boston.

Tờ Daily Mail của Anh cho biết số người bị thương hiện đã tăng lên 141 người, trong 3 nạn nhân xấu số đã thiệt mạng có một bé trai 8 tuổi. Tờ báo cũng cảnh báo lực lượng an ninh Anh hãy xem vụ đánh bom Boston là bài học để cảnh giác khi giải chạy marathon quốc tế sẽ diễn ra tại London, Anh vào cuối tuần này.


Một số vụ tấn công trong ngày hội thể thao gần đây  

* Sáng 5-9-1972: Tại Thế vận hội Olympic ở Munich (Đức), 8 tay súng vũ trang thuộc nhóm Tháng 9 đen của Palestine đột nhập vào làng Olympic, bắt cóc nhiều thành viên trong đoàn thể thao Israel làm con tin với yêu cầu trao đổi tù binh Palestine đang bị Israel giam giữ. Cảnh sát Đức tối đó đã quyết định nổ súng. Trước khi bị hạ gục (5 tay súng bị bắn chết, 3 bị bắt), các tay súng này đã hành quyết 11 con tin và 1 cảnh sát thiệt mạng. Mọi cuộc thi đấu tạm dừng trong vòng 34 giờ.

* 15-6-1996: Quân đội Cộng hòa Ireland (IRA) kích hoạt một xe tải chứa đầy chất nổ tại một trung tâm thương mại ở Manchester trong lúc đang diễn ra Cúp bóng đá châu Âu. Trước đó, cảnh sát Manchester đã nhận được tin nhắn mã hóa từ IRA và chỉ kịp sơ tán mọi người khỏi trung tâm thương mại Arnadale. Vụ nổ khiến 206 người bị thương.

* 27-7-1996: Một quả bom phát nổ ở công viên Thiên niên kỷ ở trung tâm Làng Olympic Atlanta, bang Georgia (Mỹ) làm 2 người chết, 111 người bị thương. Thủ phạm Eric Rudolph bị bắt 7 năm sau, ngày 31-5-2003. Y bị kết án chung thân năm 2005.

* 8-1-2010: Quân nổi dậy Cabinda (Angola) chặn xe buýt chở đội bóng đá của Togo đang trên đường tới tham dự Cúp các quốc gia châu Phi. 2 quan chức chết, nhiều người khác bị thương, trong đó có 2 cầu thủ.

VIỆT KHUÊ (Theo Le Monde)

>> Video vụ nổ bom thứ nhất

>> Video vụ nổ bom thứ hai

Anh Văn

Tin cùng chuyên mục