Trách nhiệm pháp lý khi được chuyển tiền nhầm

Đã xảy ra nhiều trường hợp do sơ suất khi nhập lệnh chuyển khoản, người chuyển khoản có thể chuyển nhầm tiền vào số tài khoản của người khác. Vậy người chuyển khoản nhầm cần làm gì để lấy lại tiền? Và người được chuyển tiền nhầm, nếu không trả lại tiền sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý như thế nào?

- Việc chuyển nhầm tiền vào tài khoản của người khác là do lỗi của người chuyển khoản, nhưng không vì thế mà người nhận số tiền do chuyển nhầm lại được phép chiếm giữ và sử dụng số tiền này. Việc chiếm giữ tiền chuyển nhầm là chiếm giữ tài sản của người khác không có căn cứ pháp luật.

Điều 579 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định nghĩa vụ hoàn trả đối với tài sản chiếm giữ không có căn cứ pháp luật như sau: “Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản, thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 của bộ luật này”. Do đó, người được chuyển tiền nhầm có nghĩa vụ hoàn trả cho chủ sở hữu của số tiền đó.

Việc cố ý chiếm giữ tiền do chuyển nhầm là hành vi vi phạm pháp luật và tùy vào tính chất của hành vi mà người được chuyển tiền nhầm sẽ bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.

Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định: “Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng giao nhầm, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Trường hợp chiếm giữ tài sản trị giá 200 triệu đồng trở lên, thì mức phạt tù 1 - 5 năm. Trường hợp số tiền nhận nhầm nhỏ hơn 10 triệu đồng mà người được chuyển tiền nhầm cố tình không trả lại, sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm e Khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức xử phạt từ 2 - 5 triệu đồng. Trường hợp người được chuyển tiền nhầm là tổ chức, thì mức xử phạt vi phạm hành chính lên tới 10 triệu đồng”.

Khi phát hiện chuyển tiền nhầm, chủ sở hữu cần báo ngay với ngân hàng. Ngay sau đó, phía ngân hàng sẽ liên hệ, thông báo với người được chuyển tiền nhầm và đề nghị trả lại số tiền cho người chuyển nhầm.

Pháp luật hiện hành chưa có quy định về việc ngân hàng được phép phong tỏa hoặc chủ động trích (ghi nợ) tài khoản thanh toán của người thụ hưởng, khi người chuyển tiền nhập lệnh chuyển tiền sai, nhầm người thụ hưởng mà không được sự chấp thuận của người thụ hưởng.

Trường hợp “người thụ hưởng nhầm” không hợp tác thì người chuyển khoản có thể làm đơn trình báo tới cơ quan công an để được hỗ trợ hoặc khởi kiện ra tòa án yêu cầu hoàn trả tiền.

Người được tiền chuyển nhầm nên chủ động thông báo với ngân hàng về việc nhầm lẫn này và phối hợp với ngân hàng hoặc bên chuyển khoản để chuyển trả số tiền được chuyển nhầm, tránh những hê lụy pháp lý không đáng có.

Tin cùng chuyên mục