Nhà văn hóa Hữu Ngọc:

Tự tin tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới

Tự tin tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới

Tự tin tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới ảnh 1

Nhà văn hóa Hữu Ngọc (ảnh) có thể được coi là một trong số ít người có môi trường làm việc sâu và rộng về các vấn đề văn học - nghệ thuật cả trong và ngoài nước. Ông khẳng định VH-NT Việt Nam luôn tự tin tiếp thu văn hóa thế giới khi tham gia hội nhập.


* PV: Ông có thể đánh giá khách quan về thực trạng nền văn học-nghệ thuật Việt Nam hiện nay?

- Nhà văn hóa HỮU NGỌC: Muốn đánh giá VH-NT của một đất nước cần đặt trong những thời điểm và bối cảnh cụ thể. Theo tôi, nên đặt VH-NT vào thời điểm những năm 90 trở đi với bối cảnh toàn cầu hóa.

Thời điểm này, Việt Nam đã đổi mới từ năm 1986 và đặt ra đường lối “Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh” để giải quyết tất cả những vấn đề về kinh tế, xã hội, văn hóa. Theo tôi, điều đó rất thích hợp. Tôi đã thuyết trình cho nhiều đoàn nước ngoài về văn hóa Việt Nam. Có người Mỹ đã bảo tôi: “Đường lối của các ông áp dụng ở Mỹ cũng được chứ chẳng cứ gì nước ông!”. Tôi nói: “Nhưng nước tôi còn nghèo và lạc hậu”.

“Công bằng, dân chủ và văn minh” là cái gốc của sự phát triển VH-NT Việt Nam. Nếu nhìn về 3 tiêu chí này để xét nền VH-NT thì có thể thấy rằng trong thập kỷ gần đây ta đã có rất nhiều tiến bộ nhưng đồng thời có không ít yếu kém. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới yếu kém nhưng theo tôi quan trọng nhất vẫn là việc chạy theo con số và tính hình thức chủ nghĩa.

* Thưa ông, có nhiều người cho rằng hội nhập dễ dẫn đến hành vi “xâm lăng” văn hóa?

- “Mối lo này không chỉ của riêng nước nghèo mà cả những nước giàu cũng lo lắng nên họ đã tự đề ra nhiều biện pháp để bảo vệ văn hóa dân tộc mình. Như Hàn Quốc chẳng hạn, nước này đã phải đưa ra tỷ lệ bắt buộc về số lượng phim có nội dung về dân tộc để đổi chỗ cho phim Mỹ. Ở Bhutan, muốn ngăn chặn việc “xâm lăng” văn hóa qua con đường du lịch, chính quyền đã bắt mỗi khách nước ngoài đến nước họ ở một ngày phải đóng thêm mấy trăm đô la Mỹ (nghĩa là không khuyến khích khách nước ngoài)…

* Như vậy, phải chăng hội nhập mang lại nhiều thách thức?

- Nói chung, toàn cầu hóa chỉ có lợi cho nước giàu. Nhưng nhận xét một cách khách quan thì việc hội nhập cũng đưa tới cho người dân nhiều cơ hội về nâng cao trình độ học vấn, văn hóa cũng như thông tin. Ví dụ sự xuất hiện của truyền hình và ti vi đã giúp bà con ở những vùng xa xôi nhất cũng có thể dễ dàng tiếp nhận thông tin, hiểu biết văn hóa thế giới. Ngồi tại Việt Nam nhưng người xem có thể hiểu rất rõ kim tự tháp Ai Cập có kết cấu thế nào, hay hình dáng tháp Eiffel… Đây chính là một trong nhiều lợi ích của hội nhập đem lại.

Hơn nữa, hội nhập cũng giúp văn hóa truyền thống của Việt Nam được quảng bá ra thế giới .

* Theo ông, VH-NT Việt Nam có thuận lợi gì khi tham gia hội nhập?

- Toàn cầu hóa là một hiện tượng xã hội học không thể tránh được. WTO chỉ là một cách thể hiện của toàn cầu hóa do vậy chúng ta gia nhập càng sớm càng tốt nếu không sẽ phải đứng ngoài sân chơi của thế giới. Khái niệm toàn cầu hóa nhất là về mặt văn hóa đi đôi với khái niệm về sự gặp gỡ dẫn tới sự thay đổi trong nội tại của các nền văn hóa mà người ta có thể gọi là “diễn biến văn hóa”– acculturation.

Tuy nhiên, như lịch sử Việt Nam đã ghi nhận trong hai giai đoạn sự “tiếp biến văn hóa” diễn ra rất mạnh mẽ là thời kỳ 1.000 năm Bắc thuộc và gần 100 năm Pháp thuộc, VH-NT Việt Nam không những không bị hủy diệt mà còn tiếp nhận những tinh hoa của văn hóa ngoại quốc để đẩy mạnh văn hóa dân tộc. Những thành tựu của VH-NT thời Lý - Trần, Lê - Nguyễn là minh chứng rất rõ ràng cho điều đó.

Chắc chắn khi gia nhập WTO cũng như đối diện với toàn cầu hóa thì VH-NT Việt Nam có thể tự tin để đấu tranh, giữ cho được bản sắc dân tộc đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới để phát triển và hòa nhập. Song đó là ước vọng, còn thực tế rất khó khăn.

* Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi này.

THU HÀ thực hiện

Tin cùng chuyên mục