Nhặt sạn văn nghệ

Nông dân đường nhựa?

Một bộ phim truyền hình chiều chủ nhật 9-12-2007 có cảnh chị nông dân tuổi sồn sồn lưng mang bình xịt thuốc trừ sâu cho lúa. Điều đáng nói đóng vai nông dân mà vận bộ áo quần sạch sẽ tươm tất, cổ áo khoét rộng lòi sợi dây chuyền và đôi hoa tai vàng chóe. Tóc rẽ ngôi chải mượt, búi gọn gàng ra sau, không chút bùn bẩn áo, không giọt mồ hôi. Khuôn mặt được phấn trắng phủ đầy xuống tận cổ và bờ vai, má vẫn hồng, môi cứ đỏ.

Một cảnh xuất hiện rất ngắn, chị bước thư thái trên bờ thửa, tay phải cầm cần xịt, tay trái cầm nón phe phẩy đi đến gặp ông cán bộ nghỉ hưu đang tâm trạng tiếc nuối với ruộng lúa xanh rì chuẩn bị san lấp biến thành khu công nghiệp. Nông dân thời nay đương nhiên cũng cần đẹp như thành thị. Nhưng lao động là lao động, là chân lấm tay bùn. Nông dân này phải gọi đích thị là “nông dân đường nhựa”.

SĨ THIỆN

Tu hú có biết lộn nhào?

Tháng 2-2007, Nhà xuất bản Giáo dục cho phát hành cuốn 100 bài thơ hay thế kỷ XX (in đến 3.000 cuốn). Có ý kiến cho rằng trong đó có nhiều bài không hay hoặc không phải là bài hay nhất của một số tác giả.

Nhưng ở đây chúng tôi không nói về chuyện ấy mà chỉ nói về việc nhiều bài thơ chép sai làm hỏng bài thơ của tác giả, chẳng hạn bài “Khi con tu hú...” của Tố Hữu ở trang 97.

Sách chép:

Trời xanh càng rộng càng cao, Đôi con tu hú lộn nhào từng không (câu 5-6).

Chim tu hú mà biết lộn nhào sao? Ai đã từng sống ở thôn quê hẳn biết chim tu hú chỉ đậu một chỗ trên cành cây, kêu “tu hú” mấy tiếng rồi bay đi, chứ không hề biết lộn nhào bao giờ!

Tôi vội tìm nguyên văn trong cuốn “Thơ Tố Hữu” do NXB Văn học Hà Nội xuất bản năm 1975 thì thấy câu ấy như sau:

Đôi con diều sáo lộn nhào từng không.

Thì ra là “diều sáo” chứ không phải “tu hú” lộn nhào!

Người xưa nói một câu thơ hay chỉ cần sai một chữ đã trở thành thơ dở! Thiết tưởng khi trích thơ của các tác giả cần phải chép cho thật đúng nguyên văn để tránh sự tam sao thất bản về sau.

XUÂN HUY

Dùng từ tôn vinh chưa phù hợp

Lãnh tụ là người được tôn vinh làm người lãnh đạo một phong trào đấu tranh, một chính đảng, một nước (Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng).

Ở nước ta từ khi có Đảng Cộng sản, và đặc biệt từ khi có nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đến nay mới có Hồ Chủ tịch là người được toàn Đảng, toàn dân tôn vinh là lãnh tụ. Nhưng trên trang 1 báo An Ninh Hải Phòng (13-11-2007), có bài “Tổ chức trọng thể lễ dâng hương tưởng niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và nhà cách mạng tiền bối Hồ Ngọc Lân”.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, khi bị địch sát hại đang đảm đương trọng trách: Phụ trách Công hội Đỏ, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, có lúc trực tiếp phụ trách làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Vì vậy việc tôn vinh như trên hẳn chưa phù hợp.

TÂN PHONG

Tin cùng chuyên mục