Kịch bản phim Việt Nam: Chưa vượt nổi dốc?

* Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát (Hodafilm):
Kịch bản phim Việt Nam: Chưa vượt nổi dốc?

Câu chuyện Quan Lelan, người Mỹ gốc Việt đoạt giải thưởng lớn Cynosure của Hollywood với kịch bản “Lời nguyền của quý phi” đã tạo ấn tượng khá mạnh mẽ đối với những người làm phim Việt Nam. Theo đánh giá của ban giám khảo, kịch bản mang tính sáng tạo, chất lượng xuất sắc nhưng còn một khâu khá quan trọng là phim sẽ có cơ may được các nhà sản xuất đầu tư thực hiện hay không vẫn là chuyện “hãy đợi đấy!”.

  • Thiếu kịch bản phim hay

Chưa bao giờ các hãng phim tư nhân nở rộ như hiện nay (trong Nam hơn 30 hãng và ngoài Bắc khoảng trên dưới 10 hãng). Theo quy định, phim Việt Nam chiếu rạp và thời lượng phim Việt Nam phát sóng trên màn ảnh nhỏ chiếm tỷ lệ 50% so với phim ngoại đã là động cơ thúc đẩy các hãng phim cả nhà nước lẫn tư nhân tham gia sản xuất phim phục vụ khán giả.

Hệ quả: số hãng phim tăng nhưng lượng kịch bản vẫn chưa đủ cung ứng. Xóa dần tình trạng làm phim bao cấp nhưng với cơ chế mở, không phân biệt đối xử tư nhân hay nhà nước, các hãng phim đều có thể gửi kịch bản đến Cục Điện ảnh “ứng cử” tìm nguồn kinh phí đầu tư.

Kịch bản phim Việt Nam: Chưa vượt nổi dốc? ảnh 1

Cảnh trong phim Những cô gái chân dài

Kịch bản phim Việt Nam: Chưa vượt nổi dốc? ảnh 2

Cảnh trong phim Nghề báo

Kịch bản phim Việt Nam: Chưa vượt nổi dốc? ảnh 3

Cảnh trong phim Chạy án

Kịch bản phim Việt Nam: Chưa vượt nổi dốc? ảnh 4

Cảnh trong phim Miền đất phúc.

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, người có chân trong hội đồng duyệt phim, nhận xét mỗi năm, trại sáng tác do Cục Điện ảnh, Hội Điện ảnh tổ chức thu hoạch số lượng không ít kịch bản nhưng việc “đãi cát tìm vàng” này không phải là cách tốt nhất vì kịch bản hay thì quá hiếm mà kịch bản “làng nhàng” lại chiếm số đông! Quanh đi quẩn lại, chưa có tác giả trẻ nào nổi bật hơn các nhà biên kịch “liền anh, liền chị”: Nguyễn Khắc Phục, Nguyễn Mạnh Tuấn, Phạm Thùy Nhân, Nguyễn Quang Lập, Trịnh Thanh Nhã, Nguyễn Thị Minh Ngọc...

Cùng lúc đó, mảng kịch bản phim truyện truyền hình lại thiếu trầm trọng. Các hãng phim truyền hình giờ đây có thêm sự cạnh tranh với các hãng phim trong cả nước theo khuynh hướng xã hội hóa chương trình phát sóng truyền hình. Về xã hội hóa phim truyền hình, HTV đã đi đầu.

Lâu nay, hãng TFS với chủ trương đa dạng đề tài, đa dạng các dòng phim vừa tìm cách làm phim tăng tính hấp dẫn cạnh tranh với các hãng phim tư nhân trên chính mảnh đất nhà đài của mình như với hãng Lasta, Vifa, BHD, M&T... Hãng VFC của Đài THVN sau khi đoạt giải cao qua Liên hoan truyền hình toàn quốc 1-2007 với bộ phim Chạy án, giờ đã triển khai phần 2. Riêng bộ phim 25 tập Chàng trai đa cảm (hãng Đông A sản xuất) đang khởi quay, dự kiến phát sóng trên VTV1 vào tháng 9 tới được coi là sự “góp mặt” sớm nhất của một hãng phim tư nhân trên sóng VTV.

  • Kịch bản phim kiểu Hàn, kiểu Mỹ

Khâu kịch bản cũng là “đòn cạnh tranh đầu tiên”. Các hãng phim nhà đài mất dần thế độc quyền nhận các kịch bản từ bốn phương gửi tới. Bây giờ, kịch bản dẫu hay hay dở, một số tác giả, cộng tác viên không thể kiên nhẫn xếp hàng chờ “lên sàn” xét duyệt. Cách thức tốt nhất là mang kịch bản đến các hãng phim tư nhân. Giá thành cũng chênh lệch rõ: 4-6 triệu đồng/tập ở hãng phim nhà nước lên 6-10 triệu đồng/tập ở một hãng phim tư nhân. Đây là điều khiến các tác giả phải “cân nhắc” khi đi tìm đầu ra cho kịch bản của mình.

Kịch bản là khâu đầu tiên để sản xuất một bộ phim. Hơn ai hết, các hãng phim tư nhân đã nghĩ đến giải pháp “thủ” kịch bản trong tay cho chắc ăn. Hãng Việt phim (thuộc Công ty BHD) một mặt tìm mua tác phẩm văn học có thể chuyển thể kịch bản phim nhựa hoặc phim video, một mặt mời gọi một số nhà văn tham gia viết kịch bản riêng cho hãng và giải pháp “đánh nhanh, rút lẹ” nhất là mua kịch bản phim nước ngoài “format” (từ gọi quen thuộc khi kịch bản nước ngoài được mua về Việt Nam) để chỉnh sửa cho phù hợp không khí, không gian Việt Nam như dạng phim Bà mẹ nhí (kịch bản Tây Ban Nha), Nguyệt quán (kịch bản Ý) đã và đang phát sóng theo chương trình Văn nghệ sáng chủ nhật của HTV 7.

Theo phương cách khác, hãng phim ViFa liên kết làm phim với các nhà làm phim Hàn Quốc. Cái bắt tay đầu tiên của họ là phim Mùi ngò gai. Kịch bản phim do nhà biên kịch Hàn Quốc đi thực tế Việt Nam để tìm hiểu phần nào đời sống, con người Việt Nam. Chỉ đạo diễn xuất cũng là đạo diễn Hàn Quốc.

Phim vừa viết vừa quay với xu hướng thăm dò ý kiến khán giả để có thể tiếp tục tạo thêm “cơ hội” hoặc khép lại hướng phát triển của nhân vật được ưa thích trong phim... Phim được thực hiện theo công nghệ kịch bản Hàn Quốc (bởi vậy, không có gì khó hiểu nếu khi xem một số tình huống trong phim, khán giả đã buột miệng kêu “y chang kiểu Hàn Quốc!”). Ngoài ra hãng phim ViFa cũng năng động, lẹ tay mua kịch bản nước ngoài Vườn ảo thuật để gối đầu sản xuất.

Đi tìm những giải pháp căn cơ từ việc quá thiếu kịch bản, hãng Senafilm ra đời với nhóm tác giả Phạm Thùy Nhân, Sâm Thương, Châu Thổ, Nguyễn Thế Khanh. Hãng Sena từng bước vừa tự cung cấp kịch bản cho hãng mình khi thực hiện các phim Những chiếc lá thời gian, Duyên trần thoát tục, vừa liên kết với hãng Vigilante Films chờ duyệt sản xuất phim Sài Gòn 1975. Một hình thức mở rộng hơn, Senafilm hướng tới việc bán kịch bản cho những hãng phim đang lo dự trữ thêm cho “ngân hàng kịch bản” của hãng...

  • Giải pháp căn cơ?

Trường hợp đạo diễn kiêm biên kịch người Mỹ gốc Việt với kịch bản “Lời nguyền của quý phi” vừa đoạt giải lớn Cynosure tại Hollywood đang hé lộ nhiều thông tin mới để các nhà biên kịch nghĩ đến cách viết kịch bản, tính chuyên nghiệp và xu hướng kịch bản hiện đại vừa thuyết phục, hợp lý và thật hấp dẫn.

Hãng Senafilm đang tìm giải pháp căn cơ là đào tạo đội ngũ biên kịch kết hợp với trường Sân khấu Điện ảnh. Đây cũng chiến lược của hãng trong việc phát triển đội ngũ viết kịch bản chuyên nghiệp trong tương lai. Hãng phim HK cũng mở lớp tập huấn kỹ thuật viết kịch bản dành cho những người viết kịch bản trẻ với nhà biên kịch Hàn Quốc Kim Young Bo; hãng ViFa cũng thành lập nhóm chế tác “cây nhà, lá vườn” của hãng...

Từ những yêu cầu trước mắt này, một số nhà văn, nhà thơ trẻ, sinh viên có khả năng sáng tác đã được mời tham gia hợp tác với các hãng phim. Họ có ưu điểm về vốn sống, đề tài thanh niên đương đại và tiếp tục được bổ sung ở những cây viết giàu kinh nghiệm đi trước.

Tuy nhiên, những giải pháp trên cũng giống như cuộc leo dốc của những người viết kịch bản phim Việt Nam. Từ những hoạt động quan tâm đến việc phát triển kịch bản điện ảnh, truyền hình qua các cuộc thi quốc gia, quốc tế đã cho thấy các nhà làm phim và các nhà doanh nghiệp chưa hỗ trợ cho hoạt động đầy triển vọng của ngành điện ảnh ở Việt Nam.

Nếu tạo được sức hút qua những cuộc thi có giải thưởng lớn về kịch bản như các nước trên thế giới đã làm, kịch bản phim Việt Nam có thể phát triển nhanh hơn và chắc sẽ có nhiều phim hay hơn.

* Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát (Hodafilm): Tôi nghĩ để có kịch bản hay cũng nên có những cuộc thi giải thưởng kịch bản chuyên nghiệp; kinh phí phải xứng đáng với công sức đầu tư của người viết...

* Sâm Thương (Senafilm): Với xu thế hội nhập hiện nay, chúng ta có thể mở trại sáng tác kịch bản các nước Đông Nam Á để có thêm đầu ra trong lĩnh vực hợp tác phim ảnh, tìm hiểu văn hóa, đời sống các nước... Có thể là khó tổ chức hơn một trại sáng tác điêu khắc, mỹ thuật quốc tế, nhưng tại sao không?

* Diễn viên Ngọc Hiệp (Việt phim - BHD): Ngày nay, thế giới vẫn mua tác phẩm của nhau: Hollywood mua kịch bản các nước Hàn Quốc, Trung Quốc và ngược lại các nước châu Á lại mua những tác phẩm kịch bản từ Hollywood, từ các nước châu Âu. Tuy nhiên, “format” kịch bản chỉ là một trong những giải pháp tình thế, tránh chuyện “ăn đong” kịch bản.

KIM ỬNG

Tin cùng chuyên mục