Phiên chợ số và Sóng gió thương trường: Những người trong cuộc nói gì?

Ông Nguyễn Vũ

Sự giống nhau của hai kịch bản phim Phiên chợ số (VietBooks và TFS) và Sóng gió thương trường (FPT và HTV) đang gây rất nhiều chú ý cho những người trong nghề và cả những ai quan tâm đến phim Việt. Chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ với những người có liên quan, để mong làm sáng tỏ vấn đề và rộng đường dư luận.

Bà Ngô Hoàng Giang (người phác thảo ý tưởng và biên tập kịch bản Phiên chợ số) đã chỉ ra nhiều điểm giống nhau giữa Phiên chợ sốSóng gió thương trường như sau:

Giống về cốt truyện; tính cách và mối quan hệ của những nhân vật chính; bối cảnh và tình tiết trong hai phim. VietBooks mời nhà văn Nguyễn Thu Phương viết kịch bản Phiên chợ số, TFS mời Trần Cảnh Đôn làm đạo diễn. Chúng tôi làm việc song song cùng nhau. Thu Phương viết được tập nào đều đưa cùng lúc cho TFS và Cảnh Đôn. VietBooks đã gửi công văn chính thức cho HTV và TFS với hai câu hỏi: Có phải đạo diễn Cảnh Đôn đã sử dụng kịch bản gốc Phiên chợ số để chế tác thành kịch bản phim Sóng gió thương trường? Trong bìa kịch bản Sóng gió thương trường có ghi giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả số 2654/2007/QTG. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết đó là số chứng nhận cho kịch bản Những cuộc tình trắng đen của tác giả Lưu Thanh Nguyệt, chứ không phải cấp cho Sóng gió thương trường. Hiện chúng tôi vẫn chờ công văn trả lời chính thức từ phía HTV và TFS.

Ông Nguyễn Việt Hùng (Giám đốc TFS):

TFS và đạo diễn Cảnh Đôn đã có 5 cuộc làm việc cùng nhau về kịch bản Phiên chợ số. Đến cuộc họp thứ 5, Cảnh Đôn đưa ra kịch bản chi tiết 15 tập phim nhưng lại sai quá nhiều so với kịch bản gốc của tác giả Thu Phương làm cho bộ phim sai lệch sang hướng khác, nên chúng tôi có yêu cầu Cảnh Đôn viết lại. Anh không chịu và trước khi ra về còn nói “tôi sẽ bán lại kịch bản này”. Theo tôi, vấn đề ở đây là con người thiếu sự trung thực nên mới dẫn đến chuyện này. Từ lâu, TFS làm phim đâu có đăng ký bản quyền kịch bản. Bây giờ gặp phải tình cảnh “kẻ vô tình, người rình cố ý”, nên kịch bản của hãng bị xâm phạm.

Ông Nguyễn Vũ (đồng tác giả kịch bản Sóng gió thương trường):

Kịch bản này của tôi thật ra đã có từ lâu, trước đây có tên gọi là Maketting, nhưng ý tưởng là của anh Cảnh Đôn. Chúng tôi định để Công ty Thằng Mõ Communication (do Trần Cảnh Đôn làm giám đốc), sản xuất phim này, nhưng cả tôi và anh Cảnh Đôn còn vướng nhiều dự án khác. Tôi khẳng định, kịch bản Sóng gió thương trường có trước Phiên chợ số. Khi cùng đạo diễn Cảnh Đôn làm việc với TFS về bộ phim Phiên chợ số, đọc kịch bản của Thu Phương và khi bàn bạc chỉnh sửa màu sắc nhân vật tôi cũng thấy loáng thoáng có sự trùng hợpï, nhưng nghĩ tên tuổi của tác giả Thu Phương đã quá quen thuộc nên ngay lúc ấy không nghĩ sâu xa thêm.

Ông Đoàn Nguyễn Thanh Quang (Phó Giám đốc F Studio (thuộc FPT Media), người quản lý dự án bộ phim Sóng gió thương trường):

Tháng 9-2007, chúng tôi có tổ chức khóa học Tìm kiếm nguồn kịch bản phim truyền hình, sau đó chúng tôi có nhận được hơn 40 kịch bản gửi về, trong đó có kịch bản 30 tập Gõ cửa yêu thương (tên đầu tiên của Sóng gió thương trường khi gửi cho FPT Media). Thấy phù hợp, chúng tôi quyết định tổ chức làm phim đồng thời cùng lúc đi đăng ký sở hữu trí tuệ. Ngày 8-11-2007 phim chính thức có quyết định sản xuất và đúng ngày này chúng tôi cũng nhận được giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho bộ phim Mùi vị thương trường (tên thứ hai của Sóng gió thương trường). Nhưng sau khi trao đổi với Ban khai thác phim truyện Đài HTV (đơn vị phối hợp sản xuất phim), FPT Media đồng ý tên gọi sau cùng là Sóng gió thương trường. Dư luận hiện cứ đặt nghi vấn Nguyễn Vũ lấy ý tưởng của Thu Phương, nhưng theo tôi sao không đặt nghi vấn ngược lại?!

Nhà văn Nguyễn Thu Phương (tác giả kịch bản Phiên chợ số):

Vào thời điểm trong quá khứ, khi họ viết kịch bản Maketting không liên quan gì đến Phiên chợ số cả. Nhưng sau đó Nguyễn Vũ làm việc cho Cảnh Đôn và được tiếp xúc với Phiên chợ số ngay từ những bước đầu tiên như: ý tưởng, sơ đồ nhân vật, đề cương, lý lịch nhân vật, nội dung… và họ theo đó về viết tiếp Maketting. Tôi bỏ qua mọi chi tiết này. Tôi chỉ thắc mắc, khi họ đưa ra Sóng gió thương trường mà tôi được đọc kịch bản thì thấy giống với Phiên chợ số và tôi cần họ trả lời như thế nào về chuyện này. Nói tôi lấy ý tưởng của họ, vậy sao khi Nguyễn Vũ tiếp cận Phiên chợ số từ lúc còn trong trứng nước sao không đặt vấn đề ngay lúc đó mà lại cho qua?! Mọi việc tôi làm với Phiên chợ số đều được công khai từng khâu một.

Ông Huỳnh Văn Nam (Tổng Giám đốc HTV):
Hiện tôi chưa có ý kiến gì. Chúng tôi đang xem lại hồ sơ, giấy tờ. Nếu thấy bên nào có đầy đủ giấy phép, hoặc giấy tờ hợp lệ sẽ cho phim được phát sóng…

Vụ việc vẫn còn chưa ngã ngũ, nhưng qua đó cho thấy, HTV đã sơ suất để hai đơn vị cùng trong đài là TFS và Ban khai thác phim truyện cùng lúc hợp tác sản xuất phim mà không có khâu duyệt kịch bản chung. Mỗi nơi tự duyệt kịch bản, nên khi bị trùng lắp ý tưởng đã không phát hiện ra và đây còn là kẽ hở cho những người thiếu đạo đức nghề nghiệp qua mặt. Sau vụ này, TFS cũng lại có thêm kinh nghiệm về cách dùng người và cách bảo vệ ý tưởng trí tuệ. Nếu cứ theo cách làm cũ, chỉ nộp lưu chiểu khi phim phát sóng mà không đăng ký bản quyền kịch bản, tác giả, sẽ tạo cơ hội cho những ai cố tình biến công sức của người khác thành tài sản của mình!

NHƯ HOA

Tin cùng chuyên mục