Đề tài chiến tranh: Món nợ dài của các nhà văn

Chiến tranh là một bi kịch đối với con người, nhưng đồng thời như một thứ lửa thử vàng, nó khơi dậy và làm con người phát lộ những đức tính cao đẹp nhất, như lòng yêu nước, sự quả cảm, đức hy sinh. Nó cũng là dịp để cộng đồng gắn kết với nhau trong cuộc chiến đấu chung. Không phải ngẫu nhiên mà một số nghệ sĩ Âu - Mỹ khi sang thăm Việt Nam những năm đạn bom trước đây đã phải thốt lên “Đây là một dân tộc hạnh phúc”. Nữ thi sĩ Bulgaria Blaga Đimitrôva viết về cảm tưởng của mình khi ở Việt Nam những ngày tháng đó: “Lương tâm yên tĩnh lạ lùng / giữa trận cuồng phong bão táp”. Là vì, ở nơi bom đạn khốc liệt này, bà thêm củng cố niềm tin vào lẽ sống, vào con đường mình đã lựa chọn. Nhiều nhà văn Liên Xô trước đây, khi giao lưu với các nhà văn Việt Nam, cũng đã cho rằng nhà văn Việt Nam đang sở hữu kho tư liệu quý, đó là hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại vừa qua.

Thực tế cho thấy, đề tài chiến tranh luôn được các nhà văn nước ta quan tâm khai thác. Có thời kỳ, những “dấu mốc văn học” được ghi bởi những tác phẩm xuất sắc viết về đề tài này. Nhiều tác phẩm trong số đó đã được vinh danh bằng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Gần đây nhất, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2008 trao cho các tác phẩm văn xuôi của Đình Kính, Nguyễn Chí Trung, thì đó cũng lại là những tác phẩm viết về đề tài chiến tranh.

Tuy nhiên, công bằng mà nhìn nhận thì những gì mà các nhà văn nước ta làm được còn xa mới tương xứng với tầm vóc kỳ vĩ của hai cuộc chiến tranh vệ quốc mà dân tộc ta đã trải qua. Bản thân nhiều nhà văn từng “chung thân” với đề tài này cũng cho rằng đó là “món nợ” không biết bao giờ họ mới trả được.

Có người đã cắt nghĩa việc để xảy ra hiện tượng này là do các nhà văn đã phải sáng tác trong điều kiện hết sức eo hẹp về thời gian. Có người, như các nhà văn Nguyễn Thi, Phan Tứ... phải vừa viết vừa lo hành quân và đánh giặc. Cho nên, một số trang sách của họ mới chỉ là những bức phác thảo về cuộc chiến.

Lại có ý kiến cho rằng, vì sáng tác trong thời kỳ mà mục tiêu đặt ra là “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” nên những cuốn sách viết về đề tài chiến tranh thường bị gò bó. Chẳng hạn, nhà văn Anh Đức khi cho in tiểu thuyết “Hòn đất”, mặc dù dư luận chung là rất ngợi khen, song vẫn có ý kiến phê bình là việc tác giả cho các nhân vật của mình rút vào hang là “tự mình dồn mình vào một cái thế nguy hiểm”, là một phương án chiến đấu không đắc sách, dễ bị địch dùng hơi ngạt khống chế, rằng đó là phương án không nên nhân rộng…

Những điều trên cho thấy, ngoài giá trị sáng tạo, các tác phẩm còn được xem là một thứ “sách giáo khoa về quân sự”, cho nên phải chịu sự chi phối từ những việc ngoài văn chương, và có thể vì thế mà nó ít được tung tẩy, thăng hoa chăng?

Cũng có ý kiến cho rằng, viết về đề tài chiến tranh cần có một khoảng thời gian để người trong cuộc lắng lại, từ đó có cái nhìn chân xác hơn về những gì mình trải nghiệm. Có người đưa dẫn chứng: Văn hào Nga Lép Tônxtôi sinh sau cuộc chiến tranh xâm lược nước Nga của Napôlêông (năm 1812) tới 16 năm, song những trang ông viết về cuộc chiến tranh đó thực sự là những trang viết giàu thuyết phục và hiện vẫn được xem như một thứ “sử biên niên”... Vấn đề không phải là được “tận mắt chứng kiến” mà là có tài và có cách nhìn khoa học, biện chứng.

Nhân nói về độ lùi cần thiết để có cái nhìn toàn diện về một cuộc chiến, tôi lại nhớ tới câu chuyện nhà văn Bùi Bình Thi kể trên báo Văn nghệ: Lần ấy, Tổng Bí thư Lê Duẩn ghé thăm các nhà văn ở một trại sáng tác. Khi Tổng Bí thư hỏi một nhà văn quân đội đang viết gì, nhà văn quân đội trả lời rằng ông đang viết về Huế những ngày máu lửa Xuân Mậu Thân 1968. Trong câu chuyện, ông không quên buông câu cảm thán, đại ý, năm đó ta tổn thất nặng quá. Nghe nhà văn nói tới đó, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã hết sức ngạc nhiên. Tổng Bí thư nói: “Mỹ nó mạnh thế, nếu ta không chịu tổn thất làm sao đánh thắng được”. Có thể nói, đây là một quan điểm rất biện chứng, đáng để các nhà văn trăn trở với đề tài này phải suy ngẫm.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, trong một chân dung văn học viết về nhà văn Bảo Ninh đã nhận định rằng, cuốn “Thân phận tình yêu” của Bảo Ninh (còn có tên gọi “Nỗi buồn chiến tranh”) là “cuốn tiểu thuyết Việt Nam đầu tiên từ trước tới bây giờ được dịch và được đọc nhiều nhất trên thế giới”. Trong chuyến sang thăm Hàn Quốc năm 2004, tôi cũng ít nhiều cảm nhận được điều trên. Lý do có thể đây là một cuốn tiểu thuyết về đề tài chiến tranh Việt Nam, mà cuộc chiến này hiện vẫn thu hút sự quan tâm của nhiều độc giả trên thế giới. Mặc dù đến nay, không ai không thừa nhận giá trị nghệ thuật của cuốn tiểu thuyết, song về cách nhìn của tác giả đối với cuộc chiến, không phải ai cũng tán thành và chia sẻ.

Nhà thơ Vũ Quần Phương, một thành viên trong Ban giám khảo của Hội Nhà văn Việt Nam, năm trao giải cho cuốn tiểu thuyết đó đã có lần nói với tôi: Tác giả mang tâm thế của Rơmác (nhà văn Đức, tác giả của những cuốn tiểu thuyết xuất sắc viết về hai cuộc đại chiến thế giới) khi nhìn nhận cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhưng nước Đức của Rơmác là nước bại trận, còn ta là nước thắng trận. Nếu bộ đội ta ai cũng mang tâm thế như nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết trên thì làm sao thắng được Mỹ.

Điều đó cho thấy, để có những trang viết vừa hay vừa chân xác về hai cuộc chiến tranh thần thánh mà dân tộc ta đã trải qua, đòi hỏi các nhà văn Việt Nam phải hội tụ trong mình nhiều yếu tố: Không chỉ là tài, mà còn là một cách nhìn minh triết...

PHẠM KHẢI

Tin cùng chuyên mục