Châu Hương Viên của cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị sẽ thế nào?

Châu Hương Viên của cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị sẽ thế nào?

Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1877-1961) là một thi bá đất Thần kinh. Cụ để lại gần 2.000 bài thơ chữ Việt, Hán và vở tuồng nổi tiếng Lộ Địch (dựa theo Le Cid của nhà văn Pháp P. Corneille). Riêng vở tuồng Tào Lao được vận dụng 21 làn điệu dân ca Huế đã góp phần lưu giữ “hồn Huế”. Gần đây, dư luận trong và ngoài nước bức xúc cho rằng: sau năm 1975, Châu Hương Viên được các con cụ hiến tặng cho Nhà nước nhưng bị bỏ mặc xuống cấp và toàn bộ đất vườn đã bị các hộ dân xâm chiếm trái phép. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương – út nữ của cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị.

* PV:
Cụ Ưng Bình lần lượt đảm nhận các chức Tri huyện, Tri phủ đến Bố chánh, về hưu được thăng hàm Thượng thư, Hiệp tá Đại học sĩ. Xuất thân hoàng tộc, 24 năm là mệnh quan triều đình, có lẽ Châu Hương Viên của cụ là một khu nhà vườn rộng lớn và tráng lệ?

* Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương: “Rộng” thì có, “lớn”, “tráng lệ” thì không! Châu Hương Viên gồm ngôi nhà cổ và khu vườn rộng tọa lạc ở thôn Tây Thượng, cặp theo sông Hương. Thầy tôi có câu thơ “Đình hưu vách mảy lại ngâm nga”. Đây là “đình hưu” duy nhất – nơi thầy tôi sống trọn cuộc đời với thi ca sau khi rời quan trường.

Thầy tôi cho xây một cái cổng, trên đúc ba chữ Châu Hương Viên, hai bên có đôi câu đối: “Khoái mã trường chu Đông Tây đắc lộ/Hầu môn cự thất tả hữu vi lân” (phía Đông có đường, phía Tây có bến sông nên có thể đi đến nhà bằng ngựa hay bằng thuyền. Bên trái là nhà một đại thần, bên phải là nhà một cự phú, cả hai đều là láng giềng).

Cái cổng rất đẹp này phải phá đi khi chính quyền thời Ngô Đình Diệm mở rộng đường lên Thuận An. Ngôi nhà cổ có ba gian, hai chái, trổ rất nhiều cửa với hai lớp cửa gỗ và cửa gương nên thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Bên phải ngôi nhà cổ này còn có một căn nhà nhiều cửa hướng Đông để đón mặt trời mọc.

Châu Hương Viên hòa trong cảnh sắc u nhã của Huế, không mỹ lệ, không xây tường rào biệt lập nên trẻ nhỏ vẫn vào bẻ trộm trái cây, lượm cành khô. Thầy tôi cho xây một cái bến sông, tầng cấp vững chãi, hai bên có cây cừa xanh rợp bóng và thích ngồi ở đó trầm tư ngắm sông Hương, nhưng dần dần, nó trở thành nơi cả xóm đến lấy nước, tắm giặt... xôn xao suốt ngày!

Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương và phụ thân trước cửa ngõ Châu Hương Viên năm 1958.

Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương và phụ thân trước cửa ngõ Châu Hương Viên năm 1958.

* Châu Hương Viên không có phủ đệ nguy nga nhưng là nơi được đón tiếp rất nhiều thi nhân, nghệ sĩ lừng danh đương thời. Việc giữ gìn Châu Hương Viên sau ngày cụ Ưng Bình mất (4-4-1961) và việc anh chị em bà hiến tặng ngôi nhà vườn này cho Nhà nước, cụ thể ra sao, thưa bà?

* Cùng năm thầy tôi mất, tôi vào Sài Gòn, Châu Hương Viên do gia đình anh Cả quản lý. Năm 1968, phần đau buồn sau cái chết của trưởng nam, phần chiến tranh ác liệt nên gia đình anh Cả cũng vào Sài Gòn. 48 năm ly hương, tôi về Huế 4 lần.

Năm 1970 khi tôi về đã thấy đất vườn bị một số hộ dân xa lạ vào chiếm, ngôi nhà cổ rất quạnh quẽ. Xóm giềng chạy tới bày tỏ nỗi thương xót, tôi chỉ biết khóc.

Năm 1985, tôi về để rước bát nhang thầy tôi lên chùa. Lúc này ngôi nhà cổ bị trưng dụng làm HTX thêu may, người ta nấu ăn tùy tiện, khói ám đen các hoành phi câu đối sơn son thếp vàng; các tư liệu, thư tịch, sắc phong... đặt trong gian thờ không còn nữa. Tôi được gặp các anh lãnh đạo Đài Phát thanh và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thừa Thiên – Huế (TT-Huế), ai cũng bày tỏ lòng kính trọng cụ Ưng Bình, riêng lãnh đạo UBMTTQ TT-Huế có hứa sẽ cố gắng tranh thủ với các ngành hữu quan để lấy lại ngôi nhà cổ làm địa chỉ văn hóa.

Năm 1997, tôi về Huế dự hội thảo kỷ niệm 120 năm ngày sinh Ưng Bình Thúc Giạ Thị. Khi đến thăm điêu khắc gia Điềm Phùng Thị, tôi được gặp ông Nguyễn Văn Mễ (Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế). Ông nói: “Chị Hỷ Khương yên tâm! Chúng tôi sẽ lấy lại ngôi nhà làm nhà lưu niệm cụ!”. Trở lại Sài Gòn, tôi và anh Bửu Huyền (nguyên Trưởng ban Văn nghệ Đài truyền hình TPHCM, đã nghỉ hưu), chị Tôn Nữ Hỷ Thọ (bác sĩ, đã nghỉ hưu) đồng ký vào văn bản xin tặng ngôi nhà cho nhà nước và gởi về UBND tỉnh TT-Huế, nhưng không nhận được bất cứ ý kiến hồi đáp nào.

Năm 2001, Hội VHNT và Hội Khoa học lịch sử tỉnh TT-Huế tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày mất Ưng Bình Thúc Giạ Thị, có mời nhà hát tuồng Đào Tấn (Bình Định) về công diễn vở Lộ Địch, tôi cũng được mời. Như mọi lần, tôi chỉ biết khóc nhìn Châu Hương Viên mà thấm thía lời dạy của thầy tôi: “Ngay cái thân mình đây cũng không phải là của mình”.

Cách đây ít lâu, một người thuộc gia đình trí thức Huế, chuyên sửa chữa nhà rường đến gặp chúng tôi, nói anh ta sẽ sửa lại ngôi nhà cổ, sẽ đúc tượng cụ... làm nơi thờ tự cụ và là điểm du lịch văn hóa. Tôi, anh Bửu Huyền, chị Tôn Nữ Hỷ Thọ xiết bao vui mừng. Do ba anh chị em không thể nào về Huế chạy lo giấy tờ nổi, nên làm giấy ủy quyền, trao cả bản gốc để anh ta thay mặt chúng tôi làm sổ hồng.

* Bà có suy nghĩ gì về dư luận gần đây liên quan đến số phận Châu Hương Viên?

* Tôi muốn khẳng định rõ:

1/ Các vị lãnh đạo tỉnh TT-Huế khi hứa lấy lại Châu Hương Viên làm địa chỉ văn hóa đều xuất phát từ tấm lòng chân thành yêu quý, kính trọng thầy tôi. Tôi tin rằng họ không thực hiện được là do lực bất tòng tâm, vì giải tỏa, di dời hàng chục hộ (lấn chiếm đất vườn giai đoạn trước và sau giải phóng) đồng thời lấy lại và nâng cấp ngôi nhà cổ là rất khó khăn và tốn kém.

2/ Anh chị em chúng tôi có làm đơn hiến tặng Châu Hương Viên, nhưng chính quyền tỉnh TT-Huế không hồi đáp, nghĩa là chưa nhận. Do đó, không thể trách Nhà nước nhận rồi để ngôi nhà cổ xuống cấp và bỏ mặc đất vườn cho dân lấn chiếm trái phép.

3/ Tôi chẳng dám mong ngôi nhà cổ được trở thành Nhà lưu niệm Ưng Bình Thúc Giạ Thị, chỉ cần Nhà nước lấy ngôi nhà phục vụ cho mục đích văn hóa thì nguyện ước tha thiết của gia đình chúng tôi đã thành sự thật. 

NGUYỄN THỊ KỲ (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục