Bóng chim tăm cá

Bóng chim tăm cá

Thương em anh cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang

Thuở xa xưa, truông nhà Hồ là khu rừng dữ, từng là nơi ẩn náu của lục lâm thảo khấu trên con đường thiên lý Bắc Nam, đoạn ngang tỉnh Quảng Trị bây giờ. Còn phá Tam Giang thì mang tiếng dữ không chỉ bởi những đợt “sóng thần”, những trận bão kinh hồn, mà còn lưu truyền có những đám “rợ đầm” sống linh binh trên sông nước, chúng làm khiếp đảm cư dân sinh sống trong vùng. Đó là thời “ô châu ác địa”, người dân sống ven đầm phá còn thưa thớt…

Tôi cùng em trong chuyến điền dã dọc phá Tam Giang sưu tầm những làn điệu, thơ ca hò vè gắn với miền sông nước. Em hồ hởi lắm, bảo là để có cái lận lưng sau này “làm dâu”, tôi cười, sóng nước này liệu có hợp với em?

Cảnh đẹp phá Tam Giang.

Cảnh đẹp phá Tam Giang.

Phá Tam Giang chạy dài từ cửa sông Ô Lâu đến hạ lưu sông Hương là nơi gặp gỡ của ba dòng chảy đoạn cuối của sông Bồ, tạo thành một vùng nước lợ đặc trưng với hệ thực vật phong phú, nguồn lợi thủy sản được ví như bầu sữa “không nơi nào có được”. Đi đò dọc phá Tam Giang, ấn tượng nhất là những sân chim, ruộng chim. Chim di trú theo mùa, nổi thành đàn bập bênh đầy mặt nước, nào le le, sâm cầm, vịt trời, cò hương, diệc…

“Cua sông cá bể chim đầm / mà nghèo vẫn cứ bám thân sóng dài”, một cây bút trẻ đã viết về quê hương của mình như thế, em đọc trong buổi chiều trắc ẩn, sao quê hương vẫn nghèo thế anh? Vùng đầm phá phá Tam Giang - Cầu Hai, rộng mênh mông trên gần 25.000ha, chạy dài 70km đến đèo Hải Vân, là một kho vàng trời cho. “Ngày xưa, đời ông đời cố, nghe nói cá tôm chật sông, thò xuống là bị cua kẹp, mùa nước về, cá tôm phải đổ bớt đi chứ không thuyền bè nào chở hết, mà chợ búa cũng không mấy người mua”. Vậy mà chỉ chục năm nay, từ sự thiếu chặt chẽ trong việc quy hoạch các khu ao tôm, phá vỡ hệ sinh thái môi trường cùng với việc đánh bắt vô tội vạ của các “kỹ nghệ” đánh bắt hàng loạt như xuyệt điện áp cao, đánh lừ đánh đáy…

Em thích ngắm hoàng hôn dát vàng xuống mênh mông sóng nước, nhìn trẻ em theo bố mẹ trên chiếc xuồng con con buông câu thả lưới. Những ánh mắt hồn nhiên ấy như sáng lên khi chúng tôi đưa máy lên định ghi hình. Trên từng căn nhà chồ cao, có em say sưa lẩm nhẩm cuốn sách Tiếng Việt lớp 3 trong lúc canh chòi để cha mẹ vào bờ bán tôm cá. Đến buổi đi học là cha mẹ chèo thuyền chở em vào bờ để tới lớp, chiều đón về. Đối với học trò vùng phá, cứ đến mùa lũ là nước ngập băng, các em phải nghỉ học hàng tháng trời. Đường đến lớp là hành trình vượt phá đầy gian nan nên phần lớn trẻ em ở dọc phá phải nghỉ khi chưa xong chương trình tiểu học, có em theo phải chuyển trường, chuyển lớp thường xuyên vì cha mẹ “làm nghề theo đuôi cá”. Dân vạn đò mấy năm nay nhờ chủ trương của nhà nước đã lần lượt lên bờ, một số hòa nhập với cuộc sống nông nghiệp như chăn nuôi, trồng trọt nhưng cũng không ít người phải chạy chợ hoặc quay lại với sông.

Dòng nước Tam Giang như gắn kết đời họ, xa nơi này như “thuồng luồng lên cạn”, đêm đêm nhớ mái chèo, nhớ tiếng dầm khua cá, nhớ câu hò, “hò ….ơ, Tam Giang nước chảy đôi dòng, thương em chỉ có một lòng mà thôi”. Điệu hò khoan dai dẳng như ai vừa đưa tiễn ai về cuối chân trời.

PHẠM MINH TÂM

Tin cùng chuyên mục