Sân khấu TP Hồ Chí Minh Thiếu “lửa” hay thiếu… chuyên nghiệp?

Sân khấu TP Hồ Chí Minh Thiếu “lửa” hay thiếu… chuyên nghiệp?

Sân khấu TPHCM đang cố sức khẳng định sự năng động trong việc đi tìm khán giả và thường có những vở diễn mới ra mắt công chúng. Tuy nhiên, khi nói về “lửa” nghề trong hoạt động sân khấu bây giờ, không ít người thẳng thắn nhìn nhận: thiếu “lửa”, thiếu cả tính chuyên nghiệp.

Thiếu người chơi nghề

Mới đây, vở cải lương hài “Oọc-rơ” của Đoàn II – Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang trong quá trình tập, đã có những nghệ sĩ trễ giờ tập, hoặc không đến tập được vẫn không báo trước… Điều này khiến đạo diễn Hoàng Duẩn ngạc nhiên, trong khi nhiều nghệ sĩ giải thích là… “bình thường thôi”?! Trường hợp của “bà bầu” trẻ Ngọc Trinh, khi thực hiện vở Kẻ nói dối đa tình trên sân khấu Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần đã không ngờ đến sự “vui, buồn” bất chợt của một vài đồng nghiệp nên mới có chuyện lỡ mời báo chí, bạn bè, đồng nghiệp đi xem vở mới… rồi phải xin lỗi, dời lại vì “trục trặc” diễn viên.

NSƯT Bảo Quốc (phải) và NSƯT Hồng Vân luôn thể hiện khát vọng làm nghề.
NSƯT Bảo Quốc (phải) và NSƯT Hồng Vân luôn thể hiện khát vọng làm nghề.

Nói về những chuyện cười… ra nước mắt như thế, nghệ sĩ Vũ Thanh cho rằng, có những nghệ sĩ chẳng những thể hiện sự thiếu “lửa” mà còn bị bệnh “ngôi sao”. Anh kể, cách đây không lâu, khi nhận lời thực hiện một đĩa hài về thắng cảnh quê hương đất nước cho Hãng phim truyện Việt Nam 1, anh mời một đồng nghiệp khác cùng tham gia quay ở Đức Hòa với giá 3 triệu đồng/tiểu phẩm. Gần đến giờ quay, chẳng thấy vợ chồng anh bạn đồng nghiệp đâu hết, điện thoại liên hệ thì đầu dây bên kia trả lời ngọt xớt: “Đi gần đến rồi, nhưng nắng quá, cảm thấy mệt đã quay về nhà rồi…”.

Ngoài ra, còn có những hiện tượng mà theo đạo diễn – NSƯT Trần Minh Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM là “thiếu khát vọng, diễn cho có diễn, hời hợt”…

Nhiều người cho rằng, sở dĩ có những điều không hay này vì thời buổi kỹ thuật số hiện nay, các kênh truyền hình, show diễn kịch, đóng phim trên truyền hình quá nhiều nên nghệ sĩ tha hồ chạy show, mưu sinh kiếm sống. Cho nên, đạo diễn Đức Thịnh, Phó Giám đốc Sân khấu Kịch Phú Nhuận thường trăn trở: “Anh em nghệ sĩ đang làm nghề nhiều, nhưng lại thiếu những người chơi nghề”. Dấn thân theo nghề, đâu phải chỉ có tiền…

Giữ “ngọc cho nghề”?

Theo tác giả Huỳnh Minh Nhị, Giám đốc Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, việc giữ “lửa” cho các nghệ sĩ sân khấu hiện nay không phải là điều đơn giản. Chính vì thế, đã đến lúc đòi hỏi các đơn vị nghệ thuật, cơ quan chức năng cần quản lý nghệ sĩ bằng những chế tài rõ ràng, cụ thể.

Lâu nay, sân khấu chúng ta nói là chuyên nghiệp, nhưng thực ra là chưa chuyên nghiệp, đa phần làm việc với nhau bằng cái tình. Vậy phải làm thế nào để tránh tình trạng thiếu chuyên nghiệp?

Vừa qua, khi Đoàn kịch TNT của Anh sang Việt Nam biểu diễn, các thành viên trong đoàn từng chia sẻ: “Khi làm việc, chúng tôi đưa ra lịch diễn, thời gian cụ thể, nếu các diễn viên đồng ý tham gia, cùng ký vào hợp đồng. Vậy là cùng tập, cùng diễn từ ngày này qua tháng nọ, từ quốc gia này sang quốc gia khác. Nếu trường hợp lịch diễn có thay đổi hoặc diễn viên có công việc khác đều phải báo trước mấy tháng…”.

Rõ ràng, từ kinh nghiệm của Đoàn kịch TNT, các sân khấu đều có thể áp dụng. Thực ra, cách làm này không hoàn toàn mới so với các đoàn hát trước đây ở TPHCM. Vậy tại sao nhiều đơn vị nghệ thuật ở TPHCM không làm được?

NSND Diệp Lang (trái) và NSND Thanh Tòng - những nghệ sĩ gương mẫu trong lao động nghệ thuật (cảnh trong vở cải lương Chiếc áo thiên nga). Ảnh: AN DUNG
NSND Diệp Lang (trái) và NSND Thanh Tòng - những nghệ sĩ gương mẫu trong lao động nghệ thuật (cảnh trong vở cải lương Chiếc áo thiên nga). Ảnh: AN DUNG

Có những nghệ sĩ cho rằng, việc giữ “ngọc cho nghề”, giữ cái phong cách làm việc chuyên nghiệp không mấy khó khăn, nếu như những nhà quản lý sân khấu, đạo diễn “biết” làm gương?

Theo đạo diễn Ái Như, khi đầu tư hay dàn dựng một vở diễn chị đều đưa ra thời gian cụ thể để mời diễn viên, giờ giấc tập luyện cũng thế, cứ đúng giờ là tập, chị ghét nhất là sự làm việc thiếu nghiêm túc. Nếu diễn viên nào làm việc không đúng như lời giao ước, chị lập tức nhắc nhở và có những trường hợp tự diễn viên cảm thấy ngại, xin trả lại vai, hẹn lần sau hợp tác. Cách làm này đã mang lại hiệu quả.

NSƯT Thanh Sang tâm sự: “Tôi luôn quan niệm, được làm nghệ sĩ hát cho nhiều người xem đã là hạnh phúc, càng phải phấn đấu, nghiêm túc với chính mình. Tôi rất ghét hát nhép. Khi đã bước ra sân khấu phải hát hết mình, hát bằng chất giọng thật của mình…” thật đáng suy ngẫm trước thực trạng sân khấu hiện nay.

ĐỖ HẠNH

Tin cùng chuyên mục