Nghệ sĩ múa Thùy Chi: Nghề múa - sống bằng sự đam mê

Nghệ sĩ múa Thùy Chi là một trong số ít nghệ sĩ trẻ tài năng nhận được học bổng của nhà nước đi du học ở nước ngoài. Vào ngày 19-9 này, Thùy Chi sẽ lên đường sang Bắc Kinh - Trung Quốc thử thách mình với 4 năm học biên đạo múa tại Học viện Múa Bắc Kinh.
Nghệ sĩ múa Thùy Chi: Nghề múa - sống bằng sự đam mê

 Nghệ sĩ múa Thùy Chi là một trong số ít nghệ sĩ trẻ tài năng nhận được học bổng của nhà nước đi du học ở nước ngoài. Vào ngày 19-9 này, Thùy Chi sẽ lên đường sang Bắc Kinh - Trung Quốc thử thách mình với 4 năm học biên đạo múa tại Học viện Múa Bắc Kinh. 

° PV: Cảm xúc của Thùy Chi khi nhận tin tiếp tục du học xa nhà? 

° Nghệ sĩ múa Thùy Chi: Sau thời gian 6 năm học trung cấp múa cổ điển và múa dân gian Trung Quốc, 3 năm làm việc trong đoàn nghệ thuật múa chuyên nghiệp ở Thâm Quyến, tôi về Việt Nam tham gia công tác giảng dạy tại Trường Múa TPHCM, hướng dẫn các em ở nhóm múa Những Ngôi Sao Nhỏ, được mời tham gia cùng biểu diễn trong các chương trình của Nhà hát Ca múa nhạc Bông Sen, Nhà hát Giao hưởng – Nhạc – Vũ kịch TPHCM, vũ đoàn Arabesque… 

Hôm mẹ bảo “Con đã được Bộ Giáo dục-Đào tạo cấp học bổng đi du học”, tôi lặng cả người, cứ như mình rơi vào khoảng không vô tận… Vì, như thế nghĩa là lại xa nhà, xa bố mẹ, người thân, bạn bè, anh chị đồng nghiệp, những người tôi vừa thân quen trong ba năm cùng làm việc... Tuy nhiên, việc học thì phải học, đó cũng là cơ hội cho dự tính tiếp tục nâng cao chuyên môn. Đặc biệt, tôi rất thích nghề giáo viên, nhưng muốn đứng lớp, làm nghề lâu dài thì cần phải có một kiến thức đầy đủ, có bằng cấp nhất định, mới tạo được niềm tin cho học trò và giúp mình tự tin hơn. Dù đi học xa nhưng tôi sẽ tranh thủ về Việt Nam vào dịp tết và hè. 

° Chuyến đi này Thùy Chi lo điều gì nhất? 

° Tôi sẽ đến Bắc Kinh, không phải Quảng Châu hay Thâm Quyến – nơi tôi đã có bạn bè, người quen. Thế nên, cảm giác lạc lõng là không thể tránh khỏi! Ngoài ra, tuy chọn định hướng học biên đạo nhưng tôi cũng run và hơi lo lắng. Dù từng là diễn viên, làm công tác giảng dạy, nhưng tôi chưa làm biên đạo nên chuyến du học lần này hiểu theo nghĩa đơn giản là bước thử nghiệm, một cách học hỏi thêm kinh nghiệm và có hơi liều một chút. Trong bốn năm tới, giáo trình tôi sẽ được học là dựng bài múa solo, múa đôi, múa ba người, múa ít người, múa tập thể và dựng vũ kịch. Qua những gì được học, tôi muốn đem kiến thức đó thể nghiệm vào bộ môn nghệ thuật múa Việt Nam.

Thùy Chi trong một tiết mục biểu diễn tại Nhà hát TP. Ảnh: AN DUNG

Thùy Chi trong một tiết mục biểu diễn tại Nhà hát TP. Ảnh: AN DUNG

 ° Hơn chục năm theo nghề múa chuyên nghiệp, nhưng Thùy Chi lại thích làm một giáo viên, một biên đạo múa… như vậy sẽ không nổi tiếng. 

° Với sự nổi tiếng, tôi không nghĩ chỉ làm diễn viên thôi mới được nổi tiếng và cái gì của mình thì sẽ là của mình, nếu không là của mình có cố gắng bắt lấy thì cũng sẽ vuột mất… Sau khi tốt nghiệp trung cấp, tôi dành thời gian 3 năm tại Trung Quốc và 3 năm về Việt Nam làm diễn viên, đó là thời gian tôi thấy mình sung sức nhất. Nhưng, cứ đi diễn mãi thì đến giai đoạn nào đấy tuổi tác sẽ khiến mình chững lại vì nghề múa có tuổi đời rất ngắn, trong khi đó, làm một giáo viên hay một biên đạo múa thì ổn định và thời gian hoạt động cho nghề sẽ được lâu dài hơn. Tôi muốn phát huy những cái mình hiện đang có cho việc học biên đạo – đòi hỏi nhiều về sức sáng tạo, ý tưởng tìm tòi, tuổi trẻ… 

° Là nghệ sĩ trẻ, Thùy Chi nghĩ gì về nghệ thuật múa hàn lâm – một loại hình nghệ thuật phải tập luyện vất vả nhưng lại hiếm hoi đất sống? 

° Khi đã quyết tâm theo nghề thì người nghệ sĩ luôn luôn hiểu và biết chấp nhận sống với nghề. Múa cũng là một trong những bộ môn nghệ thuật đòi hỏi sự hy sinh, để trở thành một diễn viên múa giỏi thì phải chịu đau, chịu cực mới có thể thành tài.
Lúc nhỏ, tôi bị thầy cô “ép” rất nhiều vì không có điều kiện rèn luyện độ dẻo như những bạn khác. Việc rơi nước mắt là thường xuyên. Lúc luyện tập, chuyện chấn thương cũng thường xảy ra, lúc thì trật chân, bong gân, lúc lưng đau không đứng vững. Diễn viên múa xem chuyện đó là điều rất hiển nhiên, nhưng khi vào múa rồi các diễn viên múa luôn diễn bằng cả đam mê, chẳng biết đau là gì. Với tôi, nhiều lúc chỉ cần có nhạc là tôi múa, múa như thấm vào máu, không cần phải có ánh đèn sân khấu. 

° Sau chuyến du học, Thùy Chi sẽ làm gì? 

° Khi về tôi vẫn sẽ làm giáo viên tại trường múa, vì tôi hạnh phúc và vui nhất khi được truyền lại cho các em học sinh những gì mình đã học được. Và nếu có cơ hội, tôi rất luôn sẵn sàng trong vai trò một diễn viên múa, để được mang nghệ thuật múa đến gần với mọi người hơn. Tôi cảm nhận được từ khán giả TPHCM sự yêu thích và tình cảm đặc biệt dành cho nghệ thuật múa… Tuy nhiên điều quan trọng vẫn là người trong cuộc như chúng tôi nên làm như thế nào, tổ chức như thế nào để hấp dẫn công chúng 

THÚY BÌNH 

Tin cùng chuyên mục