Người bắc những nhịp cầu văn hóa

Những bộ phim hay của điện ảnh Việt Nam trong những năm gần đây, như: Đời cát, Mê Thảo - thời vang bóng, Vua bãi rác, Của rơi, Mùa len trâu, Chuyện của Pao, Sống trong sợ hãi, Trăng nơi đáy giếng... cùng các nhà làm phim đã có dịp đến với sinh viên nhiều trường đại học tên tuổi ở Mỹ,
Người bắc những nhịp cầu văn hóa

Những bộ phim hay của điện ảnh Việt Nam trong những năm gần đây, như: Đời cát, Mê Thảo - thời vang bóng, Vua bãi rác, Của rơi, Mùa len trâu, Chuyện của Pao, Sống trong sợ hãi, Trăng nơi đáy giếng... cùng các nhà làm phim đã có dịp đến với sinh viên nhiều trường đại học tên tuổi ở Mỹ, theo lời mời của Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam tại Mỹ (The Institute for Vietnamese Culture & Education - IVCE) - tổ chức phi chính phủ và phi lợi nhuận do các trí thức Việt Nam thành lập tại Mỹ. Chủ tịch IVCE là Trần Thắng (ảnh)- người Sài Gòn, trông thật trẻ trung, dù ngấp nghé tuổi 40, tốt nghiệp ngành tự động hóa tại Đại học Connecticut (Mỹ).

Người bắc những nhịp cầu văn hóa ảnh 1

Một tối mùa hè, nhấp ly cà phê bên hồ Trúc Bạch (Hà Nội), anh nhận ra mùi hương quen thuộc của hàng cây trứng cá đang mùa ra hoa. Mùi hương gợi anh nhớ về năm tháng đi học dưới tán những con đường rợp bóng me ở Sài Gòn và một vùng quê hương yên ả ở Quảng Ngãi.

“Quê ngoại Thắng ở Quảng Ngãi có truyền thống văn chương. Ông ngoại và nhà thơ Tế Hanh là hai anh em ruột. Thắng còn nhớ như in con sông hiền hòa tạo cảm hứng để ông Tế Hanh viết bài thơ Nhớ con sông quê hương” - giọng chùng xuống khi anh nhắc đến nhà thơ Tế Hanh vừa mất. Anh kể về vùng Đông Bắc nước Mỹ, nơi anh cùng gia đình chuyển đến sinh sống gần 20 năm nay, về ước vọng được làm những điều có ích cho cộng đồng từ khi còn là sinh viên đại học ở Mỹ… 

Từ những hoạt động sôi nổi thời sinh viên trên cương vị Chủ tịch Tổng hội Sinh viên VN của các trường đại học vùng New England, với ước nguyện tạo nên nhịp cầu văn hóa và giáo dục giữa trong nước và Mỹ, anh và những người cùng chí hướng quyết định thành lập IVCE tại New York từ năm 2000. Với quan niệm, giáo dục và văn hóa là nền tảng để phát triển xã hội Việt Nam, IVCE “khoanh vùng” hoạt động trong lĩnh vực văn hóa và giáo dục mà không mở rộng những lĩnh vực khác, trong khi ban quản trị của IVCE có chuyên môn sâu ở nhiều lĩnh vực. Trong lĩnh vực văn hóa, IVCE tổ chức chiếu phim VN, triển lãm tranh của các họa sĩ VN, biểu diễn âm nhạc dân tộc, thuyết trình về văn hóa... tại Mỹ. Bằng các hoạt động này, IVCE đã bắc nhịp cầu văn hóa, đưa các tác phẩm nghệ thuật trong nước đến với công chúng quốc tế, góp phần thúc đẩy quá trình giao lưu, hội nhập văn hóa… 

Kinh phí tổ chức eo hẹp, vị Chủ tịch IVCE đóng nhiều “vai” trong những chuyến đi ấy khiến những người tham gia chương trình đều cảm kích trước nhiệt huyết của anh. Với Tạp chí Nhịp sống mà anh đang giữ cương vị tổng biên tập cũng vậy, mỗi lần xuất bản vào dịp tết hàng năm, anh lại tất bật đảm nhận nhiều công việc khác nhau khiến bạn bè gọi vui Trần Thắng là “tòa soạn di động”. Ra mắt từ năm 1996, Nhịp sống trở thành diễn đàn trao đổi các vấn đề văn hóa và giáo dục liên quan đến VN của nhiều học giả tên tuổi trong và ngoài nước. 

Những chuyến đi - về giữa Việt Nam và Mỹ càng khiến Trần Thắng không thôi trăn trở về quê hương. Anh nói, với sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện nay, việc phát triển văn hóa và nghệ thuật có không ít điều kiện thuận lợi. Những thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh hay Hà Nội rất cần có những cơ sở văn hóa và nghệ thuật lớn. Nhưng cả hai thành phố lớn này không có bảo tàng nghệ thuật đương đại tầm cỡ, không có những sân khấu kịch hiện đại, không có những khu hòa nhạc hoành tráng… “Những giá trị nhân văn của một thành phố lớn phải đi kèm theo những cơ sở văn hóa và nghệ thuật đương đại đúng với tầm vóc. Chúng không những phục vụ cho người dân trong nước mà còn là điểm giải trí lý tưởng cho du khách nước ngoài và người nước ngoài làm việc tại Việt Nam”, anh chia sẻ. 

Theo anh, bên cạnh những ý tưởng xây dựng cơ sở văn hóa và nghệ thuật, Việt Nam cần quan tâm đến những chính sách về việc thành lập tổ chức văn hóa hoạt động phi lợi nhuận. Những chính sách này sẽ kích thích cho những cá nhân hoạt động văn hóa có hiệu quả hơn và có bài bản hơn. 

Trần Thắng đã nghỉ việc ở một hãng động cơ máy bay để tập trung cho hoạt động của IVCE từ nhiều năm nay mà không nhận một khoản lương nào. Bên cạnh những hoạt động văn hóa phong phú, Trần Thắng dành khá nhiều thời gian cho các chương trình giáo dục. Mỗi lần về Việt Nam, hành lý của anh luôn nặng trĩu những cuốn sách giáo khoa ở nước ngoài gửi tặng thư viện các trường đại học, tổ chức hội thảo du học Mỹ, phát triển quan hệ quốc tế giữa các trường đại học Việt Nam và Mỹ… Có khoảng 300 người Việt sang Mỹ du học theo chương trình tư vấn của IVCE từ năm 2000-2007. Anh nghĩ, cách để gần hơn với quê hương chính là những việc làm vì thế hệ trẻ, vì tương lai đất nước, dẫu rằng hành trình trở về ấy còn không ít những nỗi niềm... 

VÕ THÂM

Tin cùng chuyên mục