Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên nặng tình với văn hóa dân gian

Sinh ra ở Cai Lậy, Tiền Giang, được kế thừa truyền thống nghệ thuật của gia đình, những tiếng đờn lời ca dường như đã thấm vào chị từ lúc còn trong bụng mẹ. 4 tuổi, nói chưa tròn câu, nhưng Mỹ Duyên đã lên sân khấu ca sáu câu vọng cổ không rớt nhịp với ngón đờn kìm của cha là nghệ nhân Ba Thế (còn gọi là Bầu Thế). Đến 5-6 tuổi, chị ca được một số bản Ngựa ô Nam, Ngựa ô Bắc, Lý giao duyên, 12 câu phụng hoàng... Cũng từ đó, chị thường xuyên góp mặt trong các buổi văn nghệ hay ở các chiếu đờn ca tài tử (ĐCTT).
Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên nặng tình với văn hóa dân gian

Sinh ra ở Cai Lậy, Tiền Giang, được kế thừa truyền thống nghệ thuật của gia đình, những tiếng đờn lời ca dường như đã thấm vào chị từ lúc còn trong bụng mẹ. 4 tuổi, nói chưa tròn câu, nhưng Mỹ Duyên đã lên sân khấu ca sáu câu vọng cổ không rớt nhịp với ngón đờn kìm của cha là nghệ nhân Ba Thế (còn gọi là Bầu Thế). Đến 5-6 tuổi, chị ca được một số bản Ngựa ô Nam, Ngựa ô Bắc, Lý giao duyên, 12 câu phụng hoàng... Cũng từ đó, chị thường xuyên góp mặt trong các buổi văn nghệ hay ở các chiếu đờn ca tài tử (ĐCTT).

  • Say mê nghệ thuật dân gian

Để thỏa chí đam mê nghệ thuật, ông Thế đã bán hàng chục mẫu đất thừa kế để lập gánh cải lương Sống Chung (ông là cháu nội của ông Phạm Hữu Hằng tức Bộ Ninh - một người nổi tiếng về tài ăn nói, chữ nghĩa). Gánh cải lương của ông với gần 50 nghệ sĩ, từng biểu diễn tận nước bạn Campuchia và phải rã đám sau gần 3 năm gồng gánh. Biết con gái có năng khiếu nhưng ông bầu Thế nhất định không muốn con nối nghiệp cầm ca. Nhưng chị quyết tâm cố gắng học tập, năm 1982, chị tốt nghiệp Đại học Văn hóa ở Hà Nội (ngành văn hóa quần chúng); năm 1997 chị bảo vệ luận văn thạc sĩ với đề tài “Đờn ca tài tử ở Tiền Giang”. Năm 2007, chị tiếp tục bảo vệ thành công luận án tiến sĩ văn hóa với đề tài “Đờn ca tài tử trong đời sống văn hóa của cư dân miền Tây Nam bộ”.

TS Mai Mỹ Duyên

TS Mai Mỹ Duyên

Khi được hỏi, vì sao lại nặng tình với nghệ thuật văn hóa dân gian? Chị nói rằng vì tuổi thơ may mắn được sống gần người mẹ hết mực yêu thương chồng con và người cha luôn xem nghệ thuật như là lẽ sống. Những lần theo cha đờn cho bà bóng múa, rồi những đám cúng đình, cúng miễu, những đám giỗ chạp, cưới hỏi ở quê, tất cả đã ăn sâu trong tiềm thức của chị. Chị yêu tiếng đàn, lời ca chân quê của nghệ nhân đờn ca tài tử, mê tay nghề khéo léo của những nghệ nhân làm bánh, chưng nghi, múa bóng rổi... Sau này, khi có cơ hội tìm hiểu sâu về nghệ thuật dân gian, càng thấy giá trị của nó chị càng tìm cách khôi phục và lưu giữ.

Chị bảo mình may mắn khi được học đúng ngành yêu thích, làm đúng chuyên môn, hiểu và gắn bó với văn hóa dân gian như một cái nghiệp mà chị đã đeo mang. Từ năm 1997, khi công tác ở Sở VH-TT Tiền Giang, chị kết hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật VN thực hiện và hoàn thành nhiều công trình nghiên cứu văn hóa dân gian như: Lễ giỗ các họ người Việt ở Tiền Giang, hò cấy Gò Công, lễ hội Kỳ Yên, nghệ thuật đờn ca tài tử, các món bánh dân gian Nam bộ, kiểng cổ Tiền Giang, mắm còng lột Phú Thạnh... Say mê nghiên cứu, chị đã dành thời gian, kể cả ngày nghỉ, cùng với những đồng nghiệp của mình miệt mài đi xuống tận xã ấp để thực hiện những chuyến đi điền dã, điều tra, khảo sát và sưu tầm.

  • Tin vào tương lai

Khán giả truyền hình trong và ngoài nước còn biết đến chị qua các chương trình giới thiệu về văn hóa Nam bộ và quê hương Tiền Giang mà chị và các cán bộ của Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Truyền hình TPHCM đã thực hiện như: Tìm lại câu hò, câu hò từ gốc lúa, đờn ca tài tử ở cù lao Thới Sơn, nghề làm mắm ở Gò Công… Những lúc ấy, dù bận cách mấy, chị cũng gác công việc lại để cùng nhà đài lặn lội qua cù lao, ra cửa biển, lội ruộng sâu... để tìm lại câu hò mái trường, mái đoản còn lẩn khuất trên những cánh đồng; trên những gương mặt người đã hằn vết chân chim.

“Không có chuyện giới trẻ ngày nay quay lưng với âm nhạc truyền thống. Cái chính yếu là ta phải biết cách khơi gợi, tạo sân chơi gần gũi để các bạn trẻ tìm hiểu âm nhạc truyền thống, từ chỗ thích và hiểu, các bạn ấy mới yêu” - TS Mai Mỹ Duyên khẳng định. Chị nói thêm, để giúp lớp trẻ có thêm sự hiểu biết về âm nhạc truyền thống, văn hóa dân tộc, nên chăng đưa kiến thức âm nhạc truyền thống vào giảng dạy từ bậc tiểu học. Điều này rất hiệu quả, bổ ích và các nước phát triển đã làm.

Gần đây nhất, chị tham gia nhóm điền dã khảo sát 21 tỉnh thành có ĐCTT để lập hồ sơ quốc gia trình tổ chức UNESCO và là người chấp bút báo cáo khoa học về ĐCTT ở TPHCM. TS Mai Mỹ Duyên không giấu được sự ngạc nhiên trước sức sống mãnh liệt của ĐCTT trong đời sống người dân. “Nhiều lần làm giám khảo những cuộc thi Tiếng hát truyền hình, Liên hoan đờn ca tài tử tại các tỉnh miền Tây và miền Đông Nam bộ, thấy nhiều em trẻ hát hay, nhịp vững, có nền kiến thức tốt nên tôi tin rằng thế hệ trẻ vẫn đam mê ĐCTT. ĐCTT vẫn là máu thịt của người dân Nam bộ”, chị chia sẻ.


MINH AN

Tin cùng chuyên mục