10 sự kiện văn hóa nổi bật năm 2011

Năm 2011 sắp hết, trong lĩnh vực Văn hóa Nghệ thuật, đây có lẽ là một năm đầy sôi động với những cảm xúc trái chiều, có vui vẻ, hào hứng; có căng thẳng, tranh cãi; có cả thất vọng lẫn hy vọng… Những cảm xúc đó gắn liền với các sự kiện nổi bật trong năm. Báo SGGP chọn ra 10 sự kiện VHNT nổi bật phản ánh đời sống văn hóa đa dạng của đất nước trong năm 2011.
10 sự kiện văn hóa nổi bật năm 2011

Năm 2011 sắp hết, trong lĩnh vực Văn hóa Nghệ thuật, đây có lẽ là một năm đầy sôi động với những cảm xúc trái chiều, có vui vẻ, hào hứng; có căng thẳng, tranh cãi; có cả thất vọng lẫn hy vọng… Những cảm xúc đó gắn liền với các sự kiện nổi bật trong năm. Báo SGGP chọn ra 10 sự kiện VHNT nổi bật phản ánh đời sống văn hóa đa dạng của đất nước trong năm 2011.

1. Nhà văn Nguyễn Thi, nhà thơ Lê Anh Xuân và nhạc sĩ Hoàng Việt được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đó là sự kiện có ý nghĩa trọng đại thể hiện ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với những đóng góp to lớn của 3 nghệ sĩ từ những tác phẩm xuất sắc đến cả những hy sinh to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong quá trình hoàn tất hồ sơ xét tặng danh hiệu có nỗ lực không nhỏ từ 3 cuộc hội thảo do Hội Nhà văn, Hội Nhạc sĩ TPHCM tổ chức đã thống nhất những chi tiết quan trọng từ sáng tác, chiến đấu và hy sinh anh dũng của các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại mặt trận Sài Gòn - Gia Định (nay là TP Hồ Chí Minh).

2. Thành nhà Hồ và hát xoan trở thành di sản văn hóa thế giới. Tháng 6-2011, Ủy ban Di sản thế giới chính thức công nhận Thành nhà Hồ là di sản văn hóa thế giới. Tiếp đó tháng 11-2011, Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO đã thông qua quyết định ghi nhận hát xoan ở Phú Thọ là di sản văn  hóa phi vật thể thế giới cần bảo vệ khẩn cấp. Việc công nhận này đã góp phần tôn vinh hình ảnh, đất nước Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Hát xoan Phú Thọ

Hát xoan Phú Thọ

3. Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật và việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT đã kéo theo “làn sóng” kiện tụng trong suốt hai tháng 7 và 8-2011. Chưa bao giờ một giải thưởng lớn của Nhà nước và việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lại gặp phải nhiều sóng gió như thế. Các nghệ sĩ người thì xin rút tên khỏi danh sách, người bị bỏ quên… Kết quả của việc kiện tụng kéo dài, dẫn đến việc giải thưởng có kỳ hạn 5 năm một lần này đã phải lỡ hẹn năm 2011.

4. Vịnh Hạ Long vào danh sách 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Vịnh Hạ Long đã vượt qua nhiều địa danh khác trên thế giới, nhận được gần 7 triệu đề cử, trở thành một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới do tổ chức New Open World thực hiện. Trước đó, vịnh Hạ Long đã hai lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Dù đã có kết quả chính thức vịnh Hạ Long là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, song dư âm về kết quả này đến nay - dù chưa được kiểm chứng, vẫn khiến những người quan tâm đến sự kiện này còn nghi ngại về độ tin cậy trong việc bình chọn và uy tín của tổ chức New Open World.

Hoa hậu thế giới người Nga (giữa) cùng các du khách thăm vịnh Hạ Long.

Hoa hậu thế giới người Nga (giữa) cùng các du khách thăm vịnh Hạ Long.

5. Năm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Ngay đầu năm, tác phẩm Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã được tái bản 5.000 bản. Sau đó, tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ trở thành cuốn sách thiếu nhi đầu tiên của Việt Nam xuất bản tại Thái Lan, cuốn sách này cũng được các NXB tại Hàn Quốc, Mỹ mua bản quyền xuất bản. Tiếp theo, tác phẩm Cô gái đến từ hôm qua được đưa vào giáo trình giảng dạy tiếng Việt tại Đại học Moscow (Nga). Tác phẩm mới nhất Lá nằm trong lá đạt một loạt thành tích xuất bản như tái bản trước khi ra mắt, tái bản 3 lần trong 45 ngày, bạn đọc xếp hàng dài mua sách…

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trao giải sáng tác cho các cây bút trẻ.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trao giải sáng tác cho các cây bút trẻ.

6. Anh em ruột Giang Quốc Cơ, Giang Quốc Nghiệp (Đoàn Xiếc TPHCM) liên tục đoạt được nhiều giải thưởng cao quý. Ở Liên hoan xiếc quốc tế mùa hè CIRCUBA lần thứ X – 2011 diễn ra tại thủ đô La Habana (Cuba) vào tháng 8 – 2011, tiết mục Sức mạnh đôi tay của Giang Quốc Cơ và Giang Quốc Nghiệp vượt qua nhiều tiết mục của các đoàn xiếc quốc tế đoạt giải thưởng lớn (giải Grand Prix) cao quý nhất của liên hoan và đoạt thêm 3 giải thưởng: Khán giả yêu thích nhất, giải Phong cách và giải Sáng tạo. Tại Liên hoan xiếc quốc tế lần thứ 13 ở Italia, Sức mạnh đôi tay của anh em Cơ – Nghiệp lại vượt qua nhiều đồng nghiệp khác trên thế giới, mang về chiếc huy chương bạc quý giá cho xiếc Việt Nam và ở Liên hoan xiếc quốc tế lần thứ 13 ở Ngô Kiều – Trung Quốc, anh em Cơ – Nghiệp tiếp tục đoạt Giải sư tử bạc. Đây là giải thưởng cao nhất mà trước giờ chưa có một diễn viên xiếc nào của Việt Nam đạt được ở liên hoan này. Với những thành công này, anh em Cơ – Nghiệp được bình chọn là một trong những công dân tiêu biểu của TPHCM năm 2011.

Anh em họ Giang với tiết mục Sức mạnh đôi tay.

Anh em họ Giang với tiết mục Sức mạnh đôi tay.

7. Nghệ sĩ ăn mặc phản cảm, gây sốc bằng chụp ảnh “mát mẻ”. Ngay từ đầu năm, công chúng tỏ ra bất bình với bộ ảnh “khỏa thân bảo vệ môi trường” của người mẫu Ngọc Quyên. Tiếp đến là những hình ảnh “xốn” mắt của Hoa vương Tiến Đoàn. Ca sĩ Minh Hằng mặc bộ trang phục ren để lộ những nơi nhạy cảm trong một chương trình biểu diễn gây quỹ từ thiện. Diễn viên múa Linh Nga tụt váy trong khi biểu diễn. Ca sĩ Hoàng Lê Vy bị ghép hình ảnh nam nữ quan hệ thô thiển vào clip nhạc “Xin lỗi em chỉ là…”. Một năm có quá nhiều những hình ảnh phản cảm, nhức mắt vì ý thức kém của nghệ sĩ. 

8. Cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam là cuộc thi nhan sắc lớn cấp quốc gia duy nhất diễn ra trong năm 2011. Cuộc thi đã thu hút được hơn 1.500 thí sinh đến từ hơn 40 dân tộc đang sinh sống, làm việc, học tập trên lãnh thổ Việt Nam. Cuộc thi là một sự kiện văn hóa ý nghĩa trong việc tôn vinh không chỉ nhan sắc mà còn là phát huy sức mạnh và đề cao tinh thần đại đoàn kết các dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

9. Vụ thất thoát 34 tỷ đồng tại Cục Điện ảnh đã làm giới chuyên môn choáng váng khi 2 năm qua, chưa có một kịch bản phim mới nào được đưa vào kế hoạch sản xuất. Người làm nghề và cả những người quan tâm yêu quý nền điện ảnh nước nhà đều đã từng nghĩ điện ảnh Việt Nam sở dĩ chưa có nhiều phim và phim chưa hay vì … thiếu tiền. Vụ thất thoát tiền tỷ vỡ lở, khiến mọi người ai nấy đều “ngẩn ngơ” vì hóa ra, tiền nhà nước đầu tư cho điện ảnh lên đến vài chục tỷ chứ đâu có thiếu tiền như mọi người vẫn tưởng. Liên quan đến vụ việc này khiến Cục trưởng Lại Văn Sinh và Cục phó Lê Ngọc Minh cùng viết đơn xin từ chức.

10. Tranh luận xung quanh các vụ thu hồi và tịch thu sách. Đầu tiên, cuốn sách tranh Sát thủ đầu mưng mủ với hình vẽ minh họa các thành ngữ “mới” của giới trẻ bị phê phán là phá hoại sự trong sáng của tiếng Việt, cuộc tranh cãi giữa giải trí và giáo dục dữ dội đến nỗi Cục Xuất bản phải đề nghị đơn vị xuất bản cuốn sách là NXB Mỹ thuật xem lại nội dung và cuối cùng, NXB đã ra quyết định thu hồi sách. Tiếp theo đó, tập truyện ngắn Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông (NXB Hội Nhà văn) của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên bị Sở TTTT TPHCM ra quyết địch tịch thu với lý do “dâm ô”, tuy nhiên sau đó NXB Hội Nhà văn đã có ý kiến phản bác cho rằng cuốn sách không có yếu tố “dâm ô”, cuộc tranh luận đến nay vẫn chưa ngã ngũ.

Ban Văn Hóa Văn Nghệ

Tin cùng chuyên mục