Sân chơi thiếu nhi - Thiếu cả lượng lẫn chất

Sân chơi thiếu nhi - Thiếu cả lượng lẫn chất

Mỗi năm đến hè, các bậc phụ huynh lại tất bật tìm sân chơi để con em giải trí sau một năm học tập căng thẳng…

  • Nhiều trung tâm nhưng thiếu sân chơi

TPHCM hiện có khoảng 3 triệu thiếu nhi nhưng số lượng sân chơi phục vụ các em hãy còn quá ít. Ở các quận huyện đều có trung tâm văn hóa nhưng mỗi độ hè về các em muốn tìm những sân chơi đúng nghĩa không phải đơn giản. Trong tình hình kinh tế khó khăn, đâu phải gia đình nào cũng có điều kiện đưa con em đi chơi, giải trí nên đa phần phải trông đợi vào những sân chơi miễn phí từ các nhà thiếu nhi, các trung tâm văn hóa. Ngược lại, ở nhiều nhà thiếu nhi, trung tâm văn hóa hiện nay, các hoạt động sinh hoạt, sân chơi dành cho các em nhỏ chưa nhiều, chưa đa dạng.

Các bé đến với thế giới sách của Nhà xuất bản Kim Đồng. Ảnh: AN DUNG

Các bé đến với thế giới sách của Nhà xuất bản Kim Đồng. Ảnh: AN DUNG

Ông Nguyễn Văn Thâm, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Củ Chi, nhìn nhận: “Đúng là hiện nay chúng ta có rất ít sân chơi dành cho thiếu nhi. Mặc dù vậy, hè năm nay, chúng tôi sẽ dành hàng trăm vé trò chơi miễn phí tặng con em các gia đình khó khăn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng vận động đơn vị xã hội hóa có chương trình khuyến mãi ủng hộ trẻ em”.
 
Khi không có nhiều sân chơi, hè về các em thiếu nhi, đặc biệt là các em nhỏ ở quận ven, huyện ngoại thành, vùng sâu vùng xa vui chơi ở đâu? Em Ngọc Duy, nhà ở xã Vĩnh Lộc B, Bình Chánh chia sẻ: “Thú vui của tụi em trong những ngày hè là rủ bạn bè trong xóm ra đồng đá bóng hoặc thả diều”.

  • Cần tăng tốc đầu tư

Hiện nay, mặc dù tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng trước thực trạng thiếu sân chơi dành cho thiếu nhi, lãnh đạo TPHCM đã xúc tiến đầu tư xây dựng các khu vui chơi phục vụ trẻ em và bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.

Trong số 10 khu vui chơi phục vụ thiếu nhi được thành phố đầu tư thực hiện trong năm 2011, đến nay đã có 3 khu được đưa vào hoạt động, phục vụ miễn phí. Đó là khu vui chơi ở Công viên Phú Lâm, quận 6; Công viên Văn hóa Bình Chánh, huyện Bình Chánh và Trung tâm Sinh hoạt thanh thiếu niên huyện Nhà Bè.

Ở Công viên Văn hóa Bình Chánh, mặc dù chỉ mới hoàn thành giai đoạn 1 với trên 20 loại trò chơi nhưng đã tạo nên một sân chơi lý thú cho trẻ em. Nơi đây không những thu hút các em nhỏ ở địa phương mà còn có cả trẻ em ở khu vực lân cận đến sinh hoạt. Chị Minh Trang, một phụ huynh đưa con em đến sinh hoạt, phấn khởi bảo: “Có được sân chơi này, gần như chiều nào gia đình tôi cũng tranh thủ đưa con đến vui chơi cùng bạn bè.

Thấy trẻ em được vui chơi thỏa thích, ai nấy đều mừng”. Còn bé Trần Thanh Bình, học sinh lớp 3 ở Bình Chánh, cho biết: “Ở đây vừa được vui chơi thoải mái, lại không phải mất tiền nên nhóm bạn em hay rủ nhau đến đây, chứ ít khi chui vào những tiệm Internet chật hẹp, nóng nực…”.

Bên cạnh những khu vui chơi dành cho thiếu nhi đáng ghi nhận kể trên, hiện nay một số đơn vị cũng không ngừng quan tâm, tạo những sân chơi, cơ hội vui chơi miễn phí dành cho thiếu nhi. Công viên Văn hóa Đầm Sen có hoạt động “Sách trao tay, tặng ngay vé cổng”. Học sinh giỏi, học sinh xuất sắc (cầm theo giấy khen) được miễn vé cổng, tặng 1 vé trò chơi, hoặc cầm theo sách giáo khoa cũ đến Đầm Sen sẽ đổi được vé cổng và vé trò chơi.

Còn Nhà Thiếu nhi TPHCM thường xuyên tổ chức hoạt động vui chơi, ca múa nhạc, múa rối… sinh động dành cho thiếu nhi. Ngoài ra, Nhà Thiếu nhi TPHCM còn phối hợp cùng một số nhà thiếu nhi các quận trung tâm thực hiện các chuyến phục vụ thiếu nhi vùng sâu, vùng xa kèm tặng quà bánh, kẹo, sách, truyện…

Dịp hè, một số đoàn nghệ thuật của thành phố cũng triển khai nhiều suất diễn phục vụ miễn phí trẻ em ngoại thành, quận ven, vùng sâu vùng xa. Trong đó, Đoàn nghệ thuật múa rối TPHCM biểu diễn nhiều xuất phục vụ thiếu nhi tại xã Lý Nhơn, xã Long Hòa của huyện Cần Giờ, Trung tâm Văn hóa huyện Củ Chi, xã Hiệp Phước huyện Nhà Bè, phường Tân Thới Hiệp của quận 12… Và trong những ngày tới, các suất diễn tiếp tục đến với trẻ em ở huyện Hóc Môn, Bình Chánh và quận 2. Còn Đoàn nghệ thuật xiếc TPHCM cũng tổ chức những chuyến về vùng sâu, vùng xa biểu diễn phục vụ miễn phí thiếu nhi với các tiết mục xiếc hài, tung hứng, lắc vòng…

  • Mô hình góc đọc trong nhà sách

Có mặt tại Hội sách thiếu nhi ngoại thành ở Cần Giờ do Fahasa tổ chức, Lâm Thành An, học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Cần Thạnh, không rời mắt khỏi cuốn sách trên tay, cho biết: “Tại thị trấn không có nhà sách hay cửa hàng sách nào, muốn đọc sách chúng em chỉ có thể đến thư viện tại nhà thiếu nhi nhưng lượng sách rất ít”.

Ông Phạm Minh Thuận, TGĐ Công ty Fahasa, cho biết: “Qua những chuyến xe sách lưu động của Fahasa về Cần Giờ, chúng tôi đã biết trẻ em nơi đây rất mê đọc sách nhưng chưa có điều kiện được đọc nhiều. Cho nên, hè 2011 chúng tôi mới cố gắng đưa hội sách thiếu nhi về đây với ý muốn phục vụ các em là chính chứ không trông đợi nhiều vào sức mua”.
]
Từ sáng sớm, đông đảo các em đã chen chúc tại Công viên Cần Thạnh - nơi diễn ra hội sách để đọc sách và chơi các trò chơi thiếu nhi. Không chỉ các em ở thị trấn mà còn có đông đảo các em đến từ các xã vùng xa như Long Hòa, Lý Nhơn, Thạnh An… Tuy nhiên, dù sao hội sách cũng chỉ kéo dài có 4 ngày nên sau đó các em thiếu nhi tại Cần Giờ lại tiếp tục thiếu sách đọc. Cần Giờ đang rất cần một giải pháp căn cơ hơn là trông chờ vào những sự kiện như hội sách vốn nhất thời.

Để phát triển hài hòa trí tuệ và thể chất, thiếu nhi cần những trò chơi vận động. Ảnh: AN DUNG

Để phát triển hài hòa trí tuệ và thể chất, thiếu nhi cần những trò chơi vận động. Ảnh: AN DUNG

Không chỉ trẻ em vùng sâu, vùng xa như Cần Giờ mà ngay cả trẻ em tại trung tâm TP cũng khó khăn khi tìm niềm vui với sách. Trừ Thư viện Khoa học tổng hợp khá năng nổ với hàng loạt hoạt động về văn hóa đọc cho thiếu nhi như “Thư viện đến trường học”, “Thư viện đến với bệnh nhi”, “Thư viện lưu động”, “Thư viện cho trẻ khiếm thị”… còn các thư viện quận huyện, do giới hạn về nguồn sách, thời gian hoạt động… nên khó thu hút thiếu nhi đến đọc.

Để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc nhỏ tuổi, nhiều tư nhân đã tự mở thư viện phục vụ trẻ em xung quanh khu vực mình sinh sống như thư viện tư nhân Phạm Thế Cường, thư viện Xanh của họa sĩ, nhà thiết kế Sĩ Hoàng. Hè 2011, Fahasa đã thử nghiệm mô hình góc đọc sách miễn phí trong nhà sách với chương trình “Tuần lễ đọc sách miễn phí”.

Tại một số nhà sách của Fahasa mà tiêu biểu như Fahasa Tân Định (TPHCM) đã dành riêng một khu vực có ghế ngồi để các em thiếu nhi đọc sách hoàn toàn miễn phí.

Có thể nói, trong tình hình còn thiếu hụt những sân chơi tốt phục vụ thiếu nhi thì với những nỗ lực của các ngành, các cấp, các đơn vị kể trên đã và đang mang lại những hiệu quả nhất định trong việc đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của thiếu nhi, đặc biệt là những em nhỏ ở các quận ven, huyện ngoại thành.

Hy vọng năm sau, số lượng và chất lượng của các sân chơi dành cho thiếu nhi sẽ tăng cao hơn năm trước để mỗi khi đến hè trẻ em có thể thỏa thích vui chơi chứ không còn là nỗi lo cho người lớn như lâu nay.

NHÓM PV VHVN

Tin cùng chuyên mục