Đưa nghệ thuật truyền thống vào bảo tàng

Hơn 9 giờ sáng, trong không gian thoáng đãng của Bảo tàng TPHCM, nhiều du khách trầm trồ khi thấy từng đoàn học sinh, sinh viên tập trung ngay khu đại sảnh, từng nhóm nghệ sĩ tay lỉnh kỉnh những đồ nghề, xiêm áo chỉnh tề chuẩn bị chương trình biểu diễn. Không khí tò mò lan nhanh đến các du khách nước ngoài tham quan bảo tàng. Khi tiếng đàn tiếng hát vừa vang lên, không ít du khách nước ngoài đã sà vào ghế và ngồi xem say mê…
Đưa nghệ thuật truyền thống vào bảo tàng

Hơn 9 giờ sáng, trong không gian thoáng đãng của Bảo tàng TPHCM, nhiều du khách trầm trồ khi thấy từng đoàn học sinh, sinh viên tập trung ngay khu đại sảnh, từng nhóm nghệ sĩ tay lỉnh kỉnh những đồ nghề, xiêm áo chỉnh tề chuẩn bị chương trình biểu diễn. Không khí tò mò lan nhanh đến các du khách nước ngoài tham quan bảo tàng. Khi tiếng đàn tiếng hát vừa vang lên, không ít du khách nước ngoài đã sà vào ghế và ngồi xem say mê…

  • Tạo điểm nhấn để thu hút

Nếu như Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tạo ấn tượng với đông đảo công chúng bằng những hoạt động khai thác thế mạnh của một bảo tàng đặc thù với những chương trình hết sức đặc thù như: giáo dục truyền thống bằng sự nối kết 3 thế hệ với Ông bà cháu cùng đến bảo tàng, giao lưu với các nhân chứng lịch sử và tái hiện lại những tháng ngày chiến đấu gian khổ, hào hùng qua không gian Ẩm thực thời kháng chiến, thể nghiệm nhằm tạo không gian sinh động giúp các em học sinh THPT và tiểu học học sử với chương trình Hướng dẫn viên nhí, thì Bảo tàng TPHCM cũng khá năng động với nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống.

Ngoài các chuyên đề văn hóa đã được đầu tư (các chuyên đề Sài Gòn xưa, tiền xưa, cổ vật Nam bộ, gốm Nam bộ, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, nghệ thuật cải lương Nam bộ…), không ít buổi giao lưu, tìm hiểu về âm nhạc truyền thống của dân tộc do bảo tàng tổ chức đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng, nhất là các bạn trẻ. Cùng với chương trình Em yêu lịch sử, có thể kể đến chương trình nghệ thuật truyền thống tạo nên điểm nhấn thu hút của bảo tàng như: giao lưu biểu diễn các khí cụ, nhạc cụ gõ, giao lưu tìm hiểu về nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ với nhiều bậc nghệ sĩ lão thành, tên tuổi trong nghề, tìm hiểu về dân ca Nam bộ…

Giao lưu tìm hiểu về dân ca Nam bộ tại Bảo tàng TPHCM. Ảnh: LÊ MINH

Giao lưu tìm hiểu về dân ca Nam bộ tại Bảo tàng TPHCM. Ảnh: LÊ MINH

Bạn Phan Quốc Bình, sinh viên Đại học Văn hóa TPHCM, cho biết: “Lần đầu tiên tôi đến Bảo tàng thành phố là tham gia chương trình giao lưu, tìm hiểu về các loại khí cụ, nhạc cụ bộ gõ, tôi thấy rất thích thú và bổ ích cho ngành học của mình. Thế nên những chuyên đề sau, tôi đều cố gắng tham gia từ tìm hiểu đờn ca tài tử đến dân ca Nam bộ. Thực sự bảo tàng không khô khan như tôi từng nghĩ”.

  • Hướng đến bảo tàng thân thiện

Với hoạt động của CLB Em yêu lịch sử, đến nay Bảo tàng TPHCM đã trở thành người bạn thân thiết của hàng ngàn học sinh. Bạn Nguyễn Như Thùy Trang, sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TPHCM, bày tỏ: “Tham gia chương trình tìm hiểu về nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ ở bảo tàng, tôi rất ấn tượng vì cách tổ chức khá chu đáo và thu hút đông các bạn sinh viên. Trước giờ, tôi không nghĩ ở bảo tàng có những hoạt động gần gũi và thời sự như thế”.

Qua một thời gian với nhiều chương trình mang tính thử nghiệm, bảo tàng sẽ đưa việc giao lưu, tìm hiểu về văn hóa nghệ thuật truyền thống làm hoạt động trọng tâm. Ngoài các chuyên đề thường xuyên, sắp tới bảo tàng sẽ tổ chức theo định kỳ để ngày càng thu hút và gần gũi hơn với công chúng. Hướng đến xây dựng bảo tàng thân thiện, hiện đại, thu hút là xu hướng của bảo tàng thế giới hiện đại, thế nên bằng những hoạt động sáng tạo của mình, bảo tàng đang nỗ lực quảng bá nghệ thuật truyền thống đến công chúng và bạn bè quốc tế. 

MINH AN

Tin cùng chuyên mục