Không mời lãnh đạo cấp trên đến lễ hội

Còn hơn một tháng nữa mới bắt đầu bước vào mùa lễ hội 2013, song cho tới thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị đã bắt đầu nóng dần lên. Tại hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức lễ hội 2013, do Bộ VH-TT-DL tổ chức tại Hà Nội, những tiêu cực, tồn tại như nạn bắt chẹt khách, đặt tiền lễ bừa bãi, hiện tượng chen lấn, xô đẩy… của mùa lễ hội trước lại được đưa ra mổ xẻ.

Còn hơn một tháng nữa mới bắt đầu bước vào mùa lễ hội 2013, song cho tới thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị đã bắt đầu nóng dần lên. Tại hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức lễ hội 2013, do Bộ VH-TT-DL tổ chức tại Hà Nội, những tiêu cực, tồn tại như nạn bắt chẹt khách, đặt tiền lễ bừa bãi, hiện tượng chen lấn, xô đẩy… của mùa lễ hội trước lại được đưa ra mổ xẻ.

  • Tiềm ẩn nhiều tiêu cực

Mùa lễ hội 2012, ngành văn hóa, có thể nói nhất là các nhà quản lý cấp bộ, đã sát sao hơn trong công tác quản lý, giám sát, thanh kiểm tra… cùng với sự chấn chỉnh hiệu quả hơn trong công tác tổ chức ở ngành văn hóa địa phương và cấp cơ sở, nên đã ngăn chặn, hạn chế được một phần những biểu hiện tiêu cực lễ hội, vốn gây nhức nhối dư luận mấy năm qua.

Tuy nhiên, như phản ánh của dư luận, dù có sự nỗ lực và theo dõi thường xuyên, nhưng tại không ít lễ hội, vẫn tái diễn những cảnh không lấy gì làm đẹp, không gợi nên ý thức văn hóa, phong cách văn minh trong việc quản lý, điều hành, tham dự lễ hội.

Người ta vẫn thấy, và vẫn gài, rải, thả tiền lẻ ở nhiều vị trí khác nhau tại di tích trong những ngày đầu xuân và lễ hội, thậm chí như ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tiền còn được thả lên cả mái ngói. Vẫn còn đó sự chen lấn, quá tải do đường sá và việc phân luồng không đáp ứng được lượng người đổ về lễ hội quá đông. Có hiện tượng gây dư luận bất bình là diễn viên hát quan họ vừa biểu diễn, vừa ngả nón xin tiền ở hội Lim, hay đốt nhiều đồ mã, gây lãng phí và tốn kém như ở lễ hội Bà Chúa Kho.

Hiện tượng rác thải bừa bãi không kịp thu dọn, rồi giá vé gửi xe đắt, rồi hòm công đức, giọt dầu vẫn đặt quá nhiều tại di tích, và hình ảnh treo bán thịt thú rừng, thịt sống được xả ra để chào mời ngay gần điểm tu hành, và không khí ầm ĩ, rầm rộ, ô nhiễm âm thanh… vẫn bị phản ánh, phê phán, vẫn là nỗi bực dọc, nỗi buồn của người đi hội và cả sự không vui trong lòng nhà quản lý.

  • Giảm bớt về quy mô, tần suất lễ hội

Các đại biểu tham dự hội nghị cho rằng, để có thể khắc phục được những hạn chế trong mùa hội năm trước thì cần sớm phân cấp lễ hội theo nguyên tắc Nhà nước quản lý, giám sát, nhân dân tổ chức thực hiện; giảm quy mô tần suất tổ chức lễ hội để thực hiện tiết kiệm, các lễ hội có quy mô lớn, mang tính sự kiện tổ chức 5 năm/lần theo chỉ đạo của Thủ tướng. Bên cạnh đó, việc các lễ hội dân gian để cộng đồng tổ chức và thực hành các nghi thức, nghi lễ thì yêu cầu giảm tần suất, quy mô tổ chức lễ hội, hạn chế hình thức sân khấu hóa cũng được đặt ra.

Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Huỳnh Vĩnh Ái, hiện nay dân số phát triển, nên lễ hội có xu hướng mở rộng phạm vi, do đó, công tác quản lý Nhà nước cần tính lại, để theo kịp tình hình. Tuy nhiên, trong tổ chức, lễ hội dân gian (chiếm 7.039 trong tổng số 7.966 lễ hội cả nước trong năm) không được phép sân khấu hóa, nhưng có lễ hội buộc phải sân khấu hóa, như lễ hội lịch sử cách mạng.

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái đặc biệt lưu ý việc xử lý các vi phạm trong văn hóa: không nên xử lý tất cả bằng biện pháp hành chính, mà lưu ý vấn đề đức trị, bằng phương pháp tuyên truyền, giáo dục, nêu gương. Các địa phương cần thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng: không mời lãnh đạo cấp trên không đúng quy định dự lễ hội, vì có thể sẽ vô tình khiến đại biểu vi phạm quy định.

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cũng nhấn mạnh vì Chủ tịch UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm trước những vi phạm trong tổ chức lễ hội ở địa phương, nên Sở VH-TT-DL phải làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh tránh những hiện tượng tiêu cực làm ảnh hưởng tới không khí và tính chất của lễ hội. 

VĨNH XUÂN

Tin cùng chuyên mục