Thị trường nhạc số loay hoay tìm lối ra

Miếng bánh ngàn tỷ
Thị trường nhạc số loay hoay tìm lối ra

Mới đây, trang nghe nhạc online Keeng.vn thuộc Trung tâm Nội dung số của Viettel đã tổ chức hội thảo bàn về cách hợp tác thu phí nhạc số với sự tham gia của khá nhiều nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng. Như vậy, sau gần một năm triển khai và… bế tắc không lâu sau đó, câu chuyện thu phí nhạc số lại được “đánh thức”.

Một website âm nhạc trực tuyến.

Một website âm nhạc trực tuyến.

Miếng bánh ngàn tỷ

Nhạc số là thị trường tiềm năng, ước tính tại Việt Nam hiện có khoảng 25 triệu người thường xuyên nghe nhạc online. Theo tính toán của đại diện Trung tâm Nội dung số của Viettel, nếu mỗi người chỉ trả trung bình 3.000 đồng/tháng, con số doanh thu hàng năm đã lên đến gần 1.000 tỷ đồng. Có lẽ nhìn thấy ở thị trường nhạc số miếng bánh quá tiềm năng nên cách đây gần một năm, sau khi mua bản quyền 40.000 bản nhạc từ Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam - đơn vị đại diện cho tất cả các hãng băng đĩa trên toàn quốc, Công ty Kinh doanh công nghệ MV Corp đã ký kết với các website nghe nhạc trực tuyến hàng đầu cả nước để tiến hành thu phí người dùng khi tải nhạc trực tuyến với mức phí 1.000 đồng/lần tải nhạc. Thế nhưng, điều bất ngờ là chỉ sau 3 tháng triển khai thực hiện, MV Corp phải lặng lẽ chấm dứt hợp đồng với Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam vì có quá nhiều rắc rối phát sinh và những rào cản thực tế. Từ đó, câu chuyện thu phí nhạc số coi như phá sản.

Chính vì vậy, mục đích của buổi hội thảo do Keeng tổ chức không ngoài việc cùng với các nghệ sĩ tìm ra giải pháp cụ thể cho việc thu phí nhạc số. Trong đó, chủ yếu tập trung vào mô hình kinh doanh và chia sẻ lợi nhuận, các lựa chọn thu phí của nghệ sĩ đối với tác phẩm của mình và việc kiểm soát bản quyền nội dung.

Theo ông Võ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Nội dung số của Viettel, trên thế giới tồn tại 2 mô hình kinh doanh nhạc số phổ biến. Một là thu phí theo từng bài hát, album như trường hợp trên iTunes của Apple, tải xuống nội dung nào trả tiền nội dung đó. Hai là thu phí theo tháng để khách hàng nghe và tải không giới hạn, điển hình là trường hợp của Spotify.com. Tuy nhiên, ở Việt Nam, do thói quen nghe nhạc miễn phí đã tồn tại từ lâu, vì vậy mô hình kinh doanh cần có những bước đi phù hợp. Và phương án mà Keeng đưa ra là kết hợp của 2 mô hình nói trên: Khách hàng nào có nhu cầu thì mua theo tháng với mức phí 20.000 đồng/tháng. Còn người dùng muốn mua theo bài hát hoặc album lẻ thì trả tiền theo giá của sản phẩm đó, có thể 1.000 đồng/bài, 2.000 đồng/bài hoặc thậm chí là hàng trăm ngàn đồng cho một album. Việc trả phí sẽ thanh toán qua tài khoản di động. Ngoài ra, việc cho nghe miễn phí hay bán với giá bao nhiêu là quyền của nghệ sĩ. Nghệ sĩ có thể quyết định cho nghe thử vài bài trong album rồi bán các bài còn lại hoặc cho nghe mỗi bài 90s… Việc cho nghe miễn phí song song với thu phí là giải pháp nhằm tạo lập thói quen trả phí cho người dùng. Có thể nhận thấy, khá nhiều ca sĩ, nhất là những ca sĩ đã thành danh khá hào hứng với động thái này của Keeng.

Lối ra nằm ở đâu?

Nhìn lại sự thất bại của động thái thử nghiệm thu phí nhạc số gần một năm trước sẽ nhận ra điều gì? Có lẽ mấu chốt vẫn nằm ở việc cho đến thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn thiếu một công cụ thanh toán thực sự hiệu quả và tiện lợi. Có lẽ chính vì vậy, tận dụng lợi thế là mạng di động có số lượng thuê bao chiếm thị phần dẫn đầu cả nước với hơn 50 triệu thuê bao đứng phía sau hỗ trợ của Viettel, Keeng đang mang tham vọng làm cú “đột phá” đối với thị trường nhạc số bởi lẽ thanh toán qua tài khoản di động có lẽ là lối ra duy nhất cho thị trường nhạc số trong bối cảnh hiện tại.

Thật ra, việc nhắm đến sử dụng các nhà mạng di động như công cụ thanh toán các dịch vụ của thị trường nội dung số (chứ không riêng gì nhạc số) đã được tính đến từ lâu. Vấn đề khúc mắc khiến đến nay mọi thứ vẫn giẫm chân tại chỗ nằm ở việc thỏa thuận tỷ lệ chia sẻ doanh thu giữa các bên đối tác. Và để trở thành một công cụ thanh toán thực thụ, có ý kiến cho rằng, cả 3 mạng di động lớn nhất, chiếm gần như 100% thị phần hiện nay là Viettel, Mobifone và Vinaphone phải cùng thống nhất với nhau một mức tỷ lệ duy nhất (tỷ lệ đó như thế nào hợp lý là câu chuyện giữa 3 nhà mạng trên và các đơn vị kinh doanh nội dung số). Khi đã có công cụ thanh toán, các đơn vị kinh doanh nội dung số có thể cạnh tranh nhau sòng phẳng bằng chất lượng cũng như những tiện ích từ dịch vụ mà họ mang đến cho khách hàng. Đơn cử trong lĩnh vực nhạc số, nếu 3 mạng trên cùng bắt tay nhau để trở thành công cụ thanh toán thì khi đó, các trang nghe nhạc trực tuyến từ Zing.mp3, Nhaccuatui… và ngay cả Keeng có thể cùng nhau cạnh tranh khai thác thị trường. Và đó mới là một thị trường lành mạnh thực sự. Bởi hiện tại, nếu Keeng dựa trên lợi thế các thuê bao di động từ Viettel thì Zing, với lợi thế là đơn vị đang sở hữu bản quyền khai thác bản quyền các bản ghi âm từ các đối tác như Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV), Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cũng như cá nhân khá nhiều ca sĩ, cũng đang đàm phán với Mobifone và Vinaphone để khai thác trên hai mạng này.

Tóm lại, nếu không có một sự “bắt tay” vì lợi ích chung mà cứ mạnh ai nấy làm thì nguy cơ chẳng những không góp phần vào sự phát triển chung mà còn đẩy thị trường theo một chiều hướng méo mó khác là hoàn toàn có thể xảy ra.

Cộng đồng âm nhạc Keeng.vn do Viettel phát triển, miễn phí lưu lượng 3G truy cập từ di động, D-Com 3G. Hiện Keeng.vn có hơn 2 triệu người sử dụng trên các phiên bản website, wapsite và ứng dụng (hệ điều hành Android, iOS và Windows Phone).

KHẮC THI

Tin cùng chuyên mục