Điểm hẹn của người yêu thơ

Hơn 10 năm qua, Ngày thơ Việt Nam với sự kết hợp giữa quá khứ và hiện đại, truyền thống và đổi mới đã thực sự trở thành một dấu ấn văn hóa, một sự kiện được người yêu thơ mong đợi nhất trong năm. Năm nay, Ngày thơ có nhiều đổi mới, tạo nên sự phong phú, đa dạng, để tạo nên sức hút cho những người làm thơ và công chúng yêu thơ.
Điểm hẹn của người yêu thơ

Hơn 10 năm qua, Ngày thơ Việt Nam với sự kết hợp giữa quá khứ và hiện đại, truyền thống và đổi mới đã thực sự trở thành một dấu ấn văn hóa, một sự kiện được người yêu thơ mong đợi nhất trong năm. Năm nay, Ngày thơ có nhiều đổi mới, tạo nên sự phong phú, đa dạng, để tạo nên sức hút cho những người làm thơ và công chúng yêu thơ.

  • Hà Nội: “Thơ già” lấn lướt

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho hay, tính đến ngày hôm nay, tiếng trống khai hội thơ đã vang lên trên 100 điểm thơ trong khắp cả nước, với sự tham gia nhiệt tình, hào hứng của các bạn trẻ. Ngày thơ Việt Nam lần thứ XI có sự kết hợp giữa quá khứ và hiện đại, giữa truyền thống và đổi mới.

Lễ rước thơ đã tạo nên nét độc đáo và sâu sắc của Ngày thơ Việt Nam, với sự tham gia của hơn 100 nghệ sĩ, diễn viên trong trang phục truyền thống, đã rước bài thơ “Thần” của Lý Thường Kiệt được rước từ Hồ Văn sang Văn Miếu. Trong không khí trang nghiêm, trong tiếng trống trầm hùng, bài thơ Thần viết trên nền vải đỏ được mở ra và đọc lên sang sảng, gợi cảm giác của hào khí năm xưa vẫn mãi vọng về.

Có thể nói, đây là một tiết mục mở màn đặc sắc, ấn tượng và giàu ý nghĩa, khi đã gợi lên những xúc cảm mạnh mẽ cho những người tham dự Ngày thơ về một truyền thống hào hùng của dân tộc, đúng với chủ đề chủ quyền đất nước là nội dung xuyên suốt của Ngày thơ Việt Nam năm nay.

Hát quan họ ở Ngày thơ tại TPHCM.

Hát quan họ ở Ngày thơ tại TPHCM.

Sân thơ truyền thống - người yêu thơ lâu nay vẫn vui vẻ gọi là “sân thơ già” được tiếp nối với tác phẩm mới sáng tác của Đại đức Thích Trường Xuân Những tiếng chuông hồng. Không chỉ gửi tới những người tham dự lời chúc năm mới bình an, bài thơ còn hướng người nghe đến với một tình yêu lớn, cao cả, vĩnh hằng - tình yêu với đất trời quê hương, với biển đảo nơi biên cương xa xôi đầu sóng ngọn gió “…Chín mươi triệu chuông hồng/Đồng thanh cùng biển hát/Vĩnh hằng cho non sông”. Không trọng diễn xuất, giản dị mà hào sảng, sân thơ truyền thống tiếp nối bởi các tác phẩm của các nhà thơ như Nguyễn Hữu Quý, Phạm Vân Anh, Đoàn Mạnh Khương, Dương Thuấn…

Mặc dù giới trẻ, thơ trẻ năm nay được ban tổ chức đặc biệt đề cao, thậm chí nhà thơ Hữu Thỉnh đã tuyên bố rằng tại Ngày thơ, lớp già, những cây bút gạo cội sẽ lùi lại một bước để nhường đất thể hiện cho giới trẻ song tinh thần, cách thể hiện của sân thơ trẻ vẫn chưa tạo được điểm nhấn như mong đợi. So với những Ngày thơ năm trước thì sân thơ trẻ có hình thức trang trí kém hơn hẳn khi dựng những kiốt thô cứng thay vì những “cây thơ”, “lều thơ”… rất sinh động và bắt mắt trước đây.

Với chủ đề “Tuổi trẻ với Tổ quốc” sân thơ trẻ năm nay đông hơn hẳn với sự góp sức của nhiều gương mặt thơ tiêu biểu đến từ nhiều vùng miền của đất nước còn có các bạn sinh viên của 6 trường đại học lớn tại Hà Nội. Song có lẽ cách tổ chức chưa thực trẻ, thiếu chiều sâu cần thiết của một sân chơi riêng dành cho nàng thơ vì thế dù sôi động với các ca khúc, vũ khúc tươi tắn của giới trẻ nhưng người dự hội lại không cảm nhận được cái khí thế hừng hực, đầy nội lực của các cây viết trẻ.

  • TPHCM: Điểm nhấn “thơ trẻ”

Năm nay, ngày thơ tại TPHCM được chia làm hai phần, tổ chức trong hai ngày. Ngày 23-2-2013 tại Cung Văn hóa Lao động và tối 24-2 tại NVH Thanh niên.

Từ 9 giờ sáng 23-2, tại Cung văn hóa Lao động đã xôn xao với những gian thơ của các đơn vị tham dự gồm 12 câu lạc bộ, nhóm thơ của TP. Năm nay, không có những gian thơ độc đáo như mọi năm, tuy nhiên các CLB cũng nỗ lực thực hiện nhiều gian thơ lạ như gian thơ biển đảo của CLB Thơ quận 10, gian chuyên về thơ lục bát của CLB lucbat.com… Nằm giữa đất phương Nam nắng gió nhưng ngày thơ tại đây lại chủ yếu đưa khách thăm quan đến với vùng Kinh Bắc với hai gian thơ khá đặc biệt là gian thơ của CLB Thơ và hát quan họ Kinh Bắc (quận 1) và của CLB thơ Mai vàng Thủ Đức. Hai gian này nằm cạnh nhau và đều tập trung biểu diễn các tiết mục dân ca quan họ Bắc Ninh đem đến không khí sôi động cho ngày thơ thông qua những tiết mục đối đáp của các liền anh liền chị.

Ngày thơ Việt Nam tại TPHCM năm nay lấy chủ đề “Tuổi trẻ với mùa xuân đất nước” do đó thơ trẻ cũng được xem là chủ đạo của ngày thơ năm nay và có cuộc biểu diễn, giao lưu khá trọng thể tại NVH Thanh niên tối 24-2. Đây cũng được xem là chương trình chính của ngày thơ tại TPHCM năm nay. Các nhà thơ tham gia chương trình chính “Tuổi trẻ với mùa xuân đất nước”, ngoài ba nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, Huỳnh Dũng Nhân và Nguyễn Công Bình còn lại đều là các nhà thơ trẻ như Phan Hoàng, Nguyễn Phong Việt, Trương Gia Hòa, Phùng Hiệu, Trần Lê Sơn Ý, Lê Thùy Vân, Trần Mai Hường, Trúc Thuyên, Phạm Phương Lan, Trần Huy Minh Phương, Nguyễn Ngọc Mai…

 
Việc bố trí xen kẽ giữa các nhà thơ đã trưởng thành cùng các nhà thơ trẻ có ngụ ý làm nổi bật phong cách sáng tác của các thế hệ khác nhau. Chính vì thế mà khán giả đã có dịp thưởng thức từ những bài thơ đầy háo hức, rừng rực lửa của các nhà thơ trẻ về đất nước, Tổ quốc đến những bài thơ cùng chủ đề nhưng điềm đạm, trầm tĩnh và sâu sắc hơn của các nhà thơ trưởng thành. Trong đó bài thơ Viết ở Cao Bằng của nhà thơ Phạm Sỹ Sáu được khán giả tán thưởng nhiệt liệt.

Ngoài thơ, chương trình còn đưa khán giả đến với những bài hát được phổ nhạc từ thơ như Thành phố tình yêu và nỗi nhớ (thơ Nguyễn Nhật Ánh - nhạc Phạm Minh Tuấn - ca sĩ Quỳnh Như trình bày); Gửi sóng (thơ Lê Tú Lệ - nhạc Đặng Quang Vinh - ca sĩ Thùy Dương); Trường Sa Tổ quốc giữa trùng khơi (thơ Trương Nam Hương - nhạc Lê Trung Tín - ca sĩ Duy Linh); Tím một tình yêu (thơ Trương Chính Tâm - nhạc Phạm Đăng Khương - ca sĩ Trang Nhung); Mùa xuân (thơ Hồ Đắc Thiếu Anh - nhạc Kiều Tấn - ca sĩ Đông Quân). 

Vĩnh Xuân - Tường Vy

Tin cùng chuyên mục