Tuyển tập tác phẩm của văn nghệ sĩ TPHCM: Trường Sa - Lời biển hát

Tháng 7-1994, cùng đoàn công tác Thành đoàn TNCS TPHCM ra đảo Trường Sa Lớn, nhạc sĩ Trần Xuân Tiến cảm xúc viết Hành khúc Trường Sa rồi tập ngay cho anh em trong đoàn và các chiến sĩ Trường Sa cùng hát. Bài hát của Trần Xuân Tiến được xem là ca khúc sớm nhất của nhạc sĩ TPHCM viết về quần đảo xa khơi của Tổ quốc.
Tuyển tập tác phẩm của văn nghệ sĩ TPHCM: Trường Sa - Lời biển hát

Tháng 7-1994, cùng đoàn công tác Thành đoàn TNCS TPHCM ra đảo Trường Sa Lớn, nhạc sĩ Trần Xuân Tiến cảm xúc viết Hành khúc Trường Sa rồi tập ngay cho anh em trong đoàn và các chiến sĩ Trường Sa cùng hát. Bài hát của Trần Xuân Tiến được xem là ca khúc sớm nhất của nhạc sĩ TPHCM viết về quần đảo xa khơi của Tổ quốc.

Gần 20 năm sau, tháng 4 và 5-2012, Thành ủy và UBND TPHCM đã tổ chức liên tục hai chuyến cho đông đảo văn nghệ sĩ TP đi thăm chiến sĩ, đồng bào Trường Sa. Sau những chuyến đi, cảm xúc ùa về, hàng trăm sáng tác đủ thể loại (văn, thơ, nhạc, tranh, tượng, kịch bản, ảnh nghệ thuật…) ra đời ca ngợi người lính đảo kiên cường giữ gìn trời biển quê hương, gửi những tấm lòng người TP đau đáu hướng về nơi cuối trời Tổ quốc. Những lời ca da diết: “Trường Sa ánh mắt người lính, Bình minh hay trong màn đêm, dông tố hay khi bình yên, ánh mắt chưa bao giờ quên biển trời Việt Nam…” của nhạc sĩ Ngô Tùng Văn trong bài hát Trường Sa lời biển hát như khắc tạc chân dung người lính giữ biên cương Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió. Dù Trường Sa, nơi các anh ngày đêm canh giữ ở tận khơi xa nhưng nhân dân TPHCM luôn dõi theo, gửi lòng mình theo từng con sóng, từng cánh hải âu chao nghiêng. Tên ca khúc của Ngô Tùng Văn được chọn làm tên chung cho tập sách Trường Sa - Lời biển hát, tuyển tập các tác phẩm của văn nghệ sĩ TPHCM viết về Trường Sa trong các năm qua, sách do ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM thực hiện nội dung, NXB Văn hóa Văn nghệ ấn hành.

Mở đầu sách Trường Sa - Lời biển hát là lời giới thiệu chân tình mà sâu sắc của đồng chí Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM: “Có thể nói Trường Sa - Lời biển hát là bức tranh muôn màu muôn vẻ về đời sống biển đảo, là bản tổng phổ giao hưởng với tất cả các cung bậc cảm xúc tha thiết, dữ dội, sâu lắng nhất của mỗi tác giả. Bao trùm lên trên hết trong các tác phẩm là lòng tự hào về truyền thống đấu tranh ngoan cường, bất khuất bảo vệ chủ quyền biển đảo của dân tộc ta, sự biết ơn vô bờ trước sự hy sinh xương máu của bao anh hùng liệt sĩ”.

Sách Trường Sa - Lời biển hát chia thành 6 phần tương ứng với 6 bộ môn nghệ thuật. Phần I mang tên Trường Sa – Tổ quốc mẹ hiền tập hợp 23 ca khúc của nhiều nhạc sĩ tên tuổi như Phạm Minh Tuấn, Thế Hiển, Nguyễn Văn Hiên… Tất cả các giai điệu, lời ca đều toát lên khí thế độc lập, tinh thần chủ quyền như lời ca: “Giữa trùng trùng ngọn sóng, bài thơ thần Nam quốc sơn hà. Giữa trùng trùng bão cuốn, Nam quốc sơn hà Nam đế cư…” (Khúc ca bài thơ sơn hà, nhạc: Trương Tuyết Mai, thơ: Bích Ngân). Phần II tên Bài thơ thần khắc trên vách đá tập hợp thơ của 12 tác giả quen thuộc như Trương Chính Tâm, Hoàng Đình Quang, Huệ Triệu… Một đôi lục bát của nhà thơ nữ Lê Tú Lệ như tóm được cái hồn của những người làm thơ TPHCM chịu say sóng ngất ngư để ra thăm đảo chìm đảo nổi: “Lý rằng xa lắm Trường Sa, Nào ngờ đảo giữa tim ta mỗi ngày. Sóng cười không rượu mà say, Bềnh bồng chìm nổi đá này đá ơi”… (Lục bát đảo đá). Phần III là 6 bút ký và truyện ngắn khá dày dặn của các tác giả Trần Minh Hợp (Đêm cực đông, Chạy bộ trên nhà giàn, Sơn ca đậu trên ngực người), Ngô Ngọc Ngũ Long (Trường Sa ơi! Không thể nào quên) và Bích Ngân (Người đàn bà trên chuyến tàu Trường Sa). Tác giả Trần Mai Hường khi đến nhà giàn DK1 cụm Phúc Tần cách Vũng Tàu 243 hải lý đã xúc động viết: “Các anh hiện diện trên những chốt tiền tiêu này chính là tấm bia chủ quyền sống khẳng định chủ quyền lãnh hải Việt Nam” (bút ký Những cột mốc chủ quyền sống trên thềm lục địa).

Hai phần IV và V của sách Trường Sa - Lời biển hát được dành cho mỹ thuật và ảnh nghệ thuật với những tác phẩm ấn tượng như Đá Tây - đảo chìm hiên ngang trên biển (ký họa của Siu Quý), Biển là quê hương (chất liệu gốm của Lê Thị Sâm). Rồi những bức ảnh nghệ thuật đặc tả sự kiên cường đối mặt phong ba bão táp của những người lính đảo: Bão cấp 8 trên đảo Song Tử Tây (Hoàng Chí Hùng), Đảo Đá Tây (Đình Thắng), Lãng mạn Trường Sa (Thu Trân)… Tập sách viết về Trường Sa kết thúc với Phần VI mang tên Hải đăng ở Trường Sa dành cho các kịch bản và bài ca vọng cổ.

Tuyển chọn đầy đủ nhất các sáng tác văn học nghệ thuật về quần đảo thân thương, Trường Sa - Lời biển hát không chỉ là tập hợp những bài hát, câu thơ, văn chương hay họa phẩm - cầm cuốn sách, người đọc sẽ thấy lòng tay mình ấm áp bởi từ trong tác phẩm, những trái tim văn nghệ sĩ TPHCM như nhoi nhói hướng về khơi xa, nơi những người lính biển đang ngày đêm ôm súng đối mặt sóng gầm gió thét để bảo vệ vùng trời vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. 

HỒ THI CA

Tin cùng chuyên mục