Nhân cách văn học Võ Hồng

Giống như Sơn Nam hay Bình Nguyên Lộc của Sài Gòn và Nam bộ, Võ Hồng (ảnh) là cây bút tiêu biểu của Phú Yên và Nam Trung bộ nửa sau thế kỷ XX.
Nhân cách văn học Võ Hồng

Giống như Sơn Nam hay Bình Nguyên Lộc của Sài Gòn và Nam bộ, Võ Hồng (ảnh) là cây bút tiêu biểu của Phú Yên và Nam Trung bộ nửa sau thế kỷ XX.

Võ Hồng sinh ngày 5-5-1921 tại làng Ngân Sơn, xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ông còn có các bút danh Ngân Sơn, Võ An Thạch, Võ Tri Thủy... Sự nghiệp sáng tác của ông gồm 8 tiểu thuyết và truyện dài, trên 70 truyện ngắn, đó là chưa kể những tập bút ký, tùy bút và các bài phê bình, khảo cứu... Võ Hồng là hình ảnh đặc trưng của một nhà văn xuất thân từ nhà giáo. Tính cách mô phạm, chỉn chu của nghề giáo đã hiện hữu trên mỗi trang văn. Ông kể rằng cha của ông tuy là một nông dân quê mùa nhưng ưa đọc sách báo, nhất là báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Khi có người quen đi Sài Gòn thì ông nhờ mua sách truyện Tây du, Bao Công kỳ án, Tam quốc chí... Nhờ đó, từ nhỏ Võ Hồng đã mê đọc sách báo.

Thời gian học tú tài ở Hà Nội, Võ Hồng làm quen với văn chương và được gặp những bậc tài danh làng văn bấy giờ như Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo... Tuy nhiên, phải tới 20 năm sau kể từ khi truyện ngắn đầu tiên Mùa gặt được đăng, Võ Hồng mới trình làng tập truyện đầu tay Hoài cố nhân vào năm 1959 do Nhà xuất bản Ban Mai ấn hành.

Thời kỳ chống Pháp gian khổ và hào hùng ở quê hương Phú Yên chính là cái vốn phong phú và sinh động cho nhà văn dệt nên những tác phẩm khá thành công về sau. Trong công trình Văn học yêu nước và cách mạng ở Sài Gòn và các thành thị miền Nam giai đoạn 1954 - 1975 đã nhận định về Võ Hồng: “Có thể nói ông là nhà văn của lòng nhân ái, những tình cảm nhân bản cao quý - tình cha con, tình mẹ con, tình anh em, tình thầy trò qua hàng loạt tác phẩm như: Vết hằn năm tháng, Áo em cài hoa trắng, Lá vẫn xanh, Mái chùa xưa, Con suối mùa xuân... nhưng đáng chú ý và có thể nói là dũng cảm là những truyện ngắn in trong hai tập Hoài cố nhân, Trầm mặc cây rừng và hai cuốn tiểu thuyết liên hoàn: Hoa bươm bướm, Như cánh chim bay - những tác phẩm viết về cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta”. Thật vậy, sống giữa chính thể “Việt Nam cộng hòa” trước năm 1975 mà viết về kháng chiến thì đúng là dũng cảm!

Nhà văn Võ Hồng từng tâm sự rằng: “Ước muốn của tôi là ghi lại chơn thiệt những gì đã xảy ra, không khen chê, không định kiến, giống như người thợ bấm máy chụp hình không sắp đặt dàn dựng. Tôi thương các thế hệ tổ tiên cơ cực, nhọc nhằn. Tôi thương đồng bào thế hệ tôi cũng nhọc nhằn cực khổ. Tôi muốn các thế hệ con cháu biết được cách sống của ông cha, mà cụ thể ở đây là người miền Trung”.

Ông là người viết chậm, kỹ lưỡng từng câu văn, từng cách tạo dựng cấu trúc truyện và hình tượng nhân vật. “Khi xây dựng một cốt truyện là phải tạo ra những nhân vật, những tình tiết để câu chuyện diễn biến hợp lý, đồng thời còn phải tạo ra một cái gút và nghĩ cách mở gút sao cho tự nhiên. Nhiều truyện tôi viết gần xong nhưng bỏ đó vì chưa tìm ra một cách mở gút như ý. Tôi viết chậm vì tính ưa quan sát, nhìn kỹ, nhìn lâu, lắng nghe và chọn cho được từ ngữ chính xác nhất để mô tả. Nhân vật của tôi đa số đều có thật ngoài đời. Chẳng hạn trong Hoa bươm bướm và Như cánh chim bay, tôi miêu tả cảnh kháng chiến chống Pháp của người dân quê mình, chỉ tả những cảnh có thật chớ không hư cấu tình tiết ly kỳ”.

Bên cạnh đề tài về đời sống kháng chiến, những đạo lý tình nghĩa truyền thống của dân tộc ở vùng đất Phú Yên và Nam Trung bộ thì đọc các tác phẩm của Võ Hồng, độc giả còn bắt gặp những tình yêu lứa đôi vừa nhẹ nhàng vừa sâu lắng. Tuy nhiên cái chất mô phạm nhà giáo góp phần “quy định” nhà văn trong ông nên truyện tình của ông thường thiếu những chi tiết hiện sinh bay bổng…

Đặc biệt, trong các tác phẩm của ông, hình ảnh người phụ nữ bao giờ cũng hiện lên hết sức đẹp đẽ, hết sức trân trọng. Họ là những người bà, người mẹ, người chị... mà ngoài đời không phải bao giờ cũng dễ gặp. Ông thường lấy nguyên mẫu cho các nhân vật nữ ấy từ những người ông gặp gỡ, thấu hiểu, mà trước hết là người bạn đời quá cố của mình. Ông thổ lộ: “Hình ảnh vợ tôi hóa thân nhân vật Quỳ trong Hoa bươm bướm, Như cánh chim bay và trong nhiều truyện ngắn khác. Vợ tôi bản chất nhân ái, dịu dàng. Cô ấy học ở Đà Lạt, giỏi ngoại ngữ, rất có năng khiếu piano... nhưng về với tôi ở vùng quê kháng chiến Phú Yên cô sống hòa hợp với người xung quanh như một cô gái nhà quê chính hiệu”.

Không chỉ là một nhà giáo giàu tâm huyết, một nhà văn tài năng, Võ Hồng còn là tấm gương về một nhân cách sống mà học trò và người yêu văn học nhiều thế hệ kính trọng. Mấy mươi năm nay, nhà văn Võ Hồng dạy học và sáng tác ở thành phố biển Nha Trang, cách quê hương Phú Yên hơn 100 cây số về hướng Nam. Vì vậy, mỗi khi có dịp gặp người Phú Yên như chúng tôi, kỷ niệm trong ông lại tuôn trào. Những dịp quý như thế bây giờ không còn nữa khi ông đã vĩnh viễn ra đi vào lúc 14 giờ chiều 31-3-2013, nhằm ngày 20 tháng 2 năm Quý Tỵ, tại Nha Trang, thọ 92 tuổi.

>> Nhà văn Võ Hồng qua đời

Phan Hoàng

Tin cùng chuyên mục