Nhiều kiến trúc cổ vẫn đang tiếp tục biến mất

Nhiều kiến trúc cổ vẫn đang tiếp tục biến mất

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị vừa xin lỗi về việc chậm giải quyết bức xúc của người dân trong vụ việc Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) xin trả lại danh hiệu làng cổ. Việc lãnh đạo thành phố hứa sẽ giải quyết những bất cập trong việc bảo tồn làng cổ Đường Lâm có phải là tín hiệu tốt trong bối cảnh nhiều kiến trúc cổ đang có nguy cơ biến mất? Ông Ngô Doãn Đức, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, thẳng thắn trao đổi với PV Báo SGGP xung quanh vấn đề này.

Ông Ngô Doãn Đức

Ông Ngô Doãn Đức

- Phóng viên: Từ vụ việc làng cổ Đường Lâm, ông nhìn nhận như thế nào về nguy cơ biến mất của các kiến trúc cổ hiện nay?

>> Ông NGÔ DOÃN ĐỨC: Việc nhiều người dân Đường Lâm gửi đơn xin trả lại danh hiệu là một bài học để chúng ta nhìn nhận lại công tác bảo tồn. Không phải người dân không biết quý những tài sản của cha ông để lại nhưng họ không vượt qua được những khó khăn thường nhật. Thực tế là chính quyền địa phương đã không chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cùng với người dân. Tôi biết còn rất nhiều kiến trúc cổ rất đáng quý đang mất dần đi và sẽ mất vĩnh viễn vì người dân vẫn cần tiếp tục sống theo sự vận động của thời cuộc trong khi chính quyền lại thờ ơ. Ví dụ như làng dệt lụa Nha Xá (xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên tỉnh Hà Nam), cách Hà Nội 60km, với hàng chục ngôi biệt thự Pháp cổ giữa làng quê thanh bình đang có nguy cơ biến mất. Một ví dụ điển hình khác là làng cổ Cự Đà (Hà Nội), một quần thể nhà cổ kiến trúc thuần Việt đan xen với các biệt thự kiểu Pháp hoặc trộn lẫn Á - Âu xây dựng trong không gian làng hài hòa đến kinh ngạc, không chỉ làm du lịch, mà còn là nơi lưu giữ ký ức lịch sử. Thế nhưng hiện tại, làng chỉ còn khoảng vài chục nhà cổ. Chẳng ai chắc chắn rồi đây những ngôi nhà ít ỏi còn lại đó sẽ không biến mất tiếp. Mà nếu giữ lại được dăm bảy ngôi nhà cổ điển hình thì với tốc độ xây mới nhà cao tầng như hiện nay, kiến trúc cảnh quan làng cổ cũng không còn nguyên vẹn.

- Chúng ta có thể làm gì để giữ lại những kiến trúc làng cổ này?

Làng cổ Đường Lâm được dư luận đặc biệt quan tâm vì nó đã được công nhận danh hiệu di tích quốc gia nhưng những kiến trúc cổ như làng Nha Xá hay làng Cự Đà và nhiều địa danh khác thì số phận hẩm hiu hơn nhiều. Đau xót nhất là ở làng Cự Đà, một dự án lớn đã lấy hết quỹ đất giãn dân rồi đền bù tiền cho dân. Có tiền, người dân đã đập phá hết các kiến trúc cổ để xây theo nhu cầu thực tế và hậu quả là kiến trúc cổ biến mất trước sự tiếc nuối và bất lực của nhiều người. Lẽ ra, chúng phải sớm được xem xét, đánh giá để bảo tồn và phát huy giá trị. Từ mỗi ngôi nhà đến khuôn viên cục bộ cần nghiên cứu bổ sung, giữ nét đặc trưng riêng để lồng kết vào tổng thể chung của làng. Các biệt thự Pháp cổ của làng cần được ghi nhận là một quỹ di sản kiến trúc quý giá trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Hãy coi chúng như những báu vật của làng để gìn giữ. Câu chuyện làng cổ Đường Lâm vừa qua càng khiến cho những ngôi làng có kiến trúc cổ không mặn mà với việc được phong danh hiệu, điều này cũng đồng nghĩa với việc buông xuôi hoàn toàn công tác bảo tồn.

- Từ những bức xúc của người dân làng cổ Đường Lâm, ông nghĩ thế nào về việc bảo tồn phố cổ Hà Nội?

Câu chuyện phố cổ Hà Nội còn dài dòng hơn, mặc dù chưa có kiểu bột phát như Đường Lâm nhưng bảo tồn phố cổ chẳng khác nào “bắt cóc bỏ đĩa”. Mới đây nhất, việc giãn dân phố cổ sang Khu đô thị Việt Hưng tưởng như có thể tác động tích cực đến bảo tồn phố cổ nhưng thực tế là người dân nhận nhưng rồi vẫn trở về phố cổ, dân số vẫn đậm đặc như vậy. Họ muốn “cố thủ” vì những lợi ích trước mắt và từng ngày, từng giờ làm hỏng phố cổ vì phải làm mọi cách để tồn tại trong một không gian chật chội, xuống cấp. Một chuyện rất không tốt nữa là trước kia thành phố quản lý phố cổ nhưng nay giao cho quận nên mọi chuyện càng đi theo chiều hướng không tích cực. Thế mới có chuyện có những chương trình truyền hình cần quay cảnh phố cổ lại quay ở một khu du lịch tái hiện 1 góc phố cổ chứ không thể quay thực địa. Thật tiếc khi chính quyền thành phố dồn tiền giữ phố cổ mà kết quả lại bi đát như vậy. Vấn đề ở đây là các giải pháp bảo tồn đưa ra đều làm nửa vời, thiếu bài bản, thiếu cương quyết.

Làng cổ Đường Lâm còn giữ nguyên vẻ đẹp bên ngoài.

Làng cổ Đường Lâm còn giữ nguyên vẻ đẹp bên ngoài.

- Vậy bài toán bảo tồn phải thực hiện như thế nào để một di sản tiếp tục sống cùng thời đại?

Ở phố Gia Ngư, một con phố nằm sát hồ Hoàn Kiếm có tới 2 khách sạn lớn đang nằm sát nhau phá vỡ cảnh quan chung. Ở các tuyến phố Hàng Tre, Hàng Bè cũng mọc lên nhiều khách sạn cao tầng, có những tòa nhà cao 7, 8 tầng, làm lu mờ hết những nét đẹp của phố cổ Hà Nội. Tôi đồng tình quan điểm bảo tồn chứ không phải “bảo tàng hóa” di tích bởi nếu cái gì cũng giữ, không cho làm thì sẽ mâu thuẫn, nhưng nếu không xác định rõ được làm gì, được làm ở mức độ nào thì quá nguy hiểm. Với phố cổ Hà Nội, theo tôi cần phải khoanh lại khu 100ha được cho là 36 phố phường xưa xem có cần phải giữ toàn bộ không, khu nào cần giữ, nếu cần phục hồi nguyên dạng thì nhà nước phải đầu tư vào, làm một cách minh bạch, công khai để người dân hiểu và ủng hộ. Ngoài ra, cũng cần tuyên truyền để người dân hiểu được họ đang giữ trong tay “vàng mười” để cố công gìn giữ cho thế hệ mai sau.

BÍCH QUYÊN

Tin cùng chuyên mục