Giáo sư Trần Văn Khê và kho tư liệu quý

Ra nước ngoài sinh sống từ năm 27 tuổi và đã đi 67 nước trên khắp thế giới để nói chuyện, giảng dạy về âm nhạc dân tộc Việt Nam. Sau 55 năm sinh sống tại nước ngoài, Giáo sư Trần Văn Khê quyết định về nước, mang theo 450 kiện hàng chất đầy 1 container, gồm: sách báo, tạp chí, băng đĩa, máy móc, nhạc cụ… mà phần nhiều là những tư liệu quý giá về âm nhạc dân tộc Việt Nam và thế giới.
Giáo sư Trần Văn Khê và kho tư liệu quý

Ra nước ngoài sinh sống từ năm 27 tuổi và đã đi 67 nước trên khắp thế giới để nói chuyện, giảng dạy về âm nhạc dân tộc Việt Nam. Sau 55 năm sinh sống tại nước ngoài, Giáo sư Trần Văn Khê quyết định về nước, mang theo 450 kiện hàng chất đầy 1 container, gồm: sách báo, tạp chí, băng đĩa, máy móc, nhạc cụ… mà phần nhiều là những tư liệu quý giá về âm nhạc dân tộc Việt Nam và thế giới.

        Tình yêu quê hương

Có một tình yêu rất lớn dành cho âm nhạc dân tộc, đã nhiều lần GS Trần Văn Khê mong muốn về định cư hẳn tại Việt Nam, nhưng ông không thực hiện được chỉ vì một nguyên nhân - ông về nước mà không được mang theo kho tư liệu khổng lồ của mình mà ông đã sưu tầm, lưu giữ suốt mấy chục năm qua. Với ông, đó là cả một gia tài lớn mà ông muốn hiến tặng đất nước, cho những người có chung tình yêu dành cho âm nhạc dân tộc giống như ông. Mãi đến năm 2004, khi được Sở VH-TT-DL TPHCM đồng ý tiếp nhận số tư liệu này, GS Trần Văn Khê mới chính thức về định cư tại quê nhà và mang theo 450 kiện hàng ra khỏi nước Pháp để lên tàu về Việt Nam và ông cũng đã tự bỏ ra 10.000USD lo chi phí vận chuyển số tư liệu này. 450 kiện hàng ấy đã 4 năm nằm im trong một căn phòng tại Bảo tàng TPHCM, trong quá trình thành phố tìm kiếm nhà cho giáo sư có nơi định cư ổn định. Giờ đây, với căn nhà rộng 200m2 nằm trên một con đường yên tĩnh tại quận Bình Thạnh, GS Trần Văn Khê đã có thể yên lòng khi toàn bộ số tài liệu, tư liệu mà ông công phu mang từ nước ngoài về đã có nơi chốn riêng biệt để bảo quản và được nhân viên Thư viện TPHCM hàng ngày đến phân loại, sắp xếp theo đúng quy chuẩn của một thư viện về sách, báo, tạp chí, tài liệu dành cho việc nghiên cứu, tham khảo.

Một góc kho băng - đĩa của GS Trần Văn Khê.

Một góc kho băng - đĩa của GS Trần Văn Khê.

Đến thăm kho tư liệu, cảm giác thật ngỡ ngàng, xúc động khi được nhìn thấy quá nhiều tài liệu có giá trị và mang đậm tính thời gian. Những cuốn sách về âm nhạc, nhạc cụ dân tộc Việt Nam; những đĩa hát gốc từ những thập kỷ và thế kỷ trước; những băng nhạc cùng vô số máy chụp hình, máy ghi âm và máy nghe nhạc… mà ông đã từng sử dụng trong thời gian 2 năm ông làm báo và thật cảm động khi nhìn thấy gần 100 cuốn sổ tay lớn nhỏ được ông ghi chép trong những lần đi công tác, giảng dạy hoặc được mời tham gia những buổi hòa nhạc, xem phim, thậm chí là những buổi gặp gỡ bạn bè thân tình, những chuyện trao đổi thật riêng tư… Ngoài ra còn có những tấm thiệp nhỏ, hộp diêm bé xíu, mảnh giấy có thủ bút của những người nổi tiếng, như: Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước, Phạm Duy…

        100 cuốn du ký

Nói về kho tư liệu này, GS Trần Văn Khê chia sẻ: “Gần 100 cuốn sổ tay tôi gọi là cuốn du ký và tôi quý lắm. Đi đến đâu tôi đều ghi lại đầy đủ và giữ từ tấm thiệp mời, thư từ của bạn bè, trong đó có cả thực đơn khi đi ăn cùng bạn bè, tôi giữ lại và đưa họ ký vào để làm kỷ niệm. Số sách báo có cái sưu tầm phục vụ nghiên cứu, giảng dạy; có cái tôi mua để xem chơi, nhưng là tài liệu rất tốt cho những ai muốn tìm hiểu về âm nhạc của thế giới. Mỗi cây đàn ở đây đều có “lịch sử” riêng…”. Kho tài liệu của GS Trần Văn Khê được sắp xếp theo ngôn ngữ, bộ môn… và gắn mã số để tiện việc tra cứu, tìm kiếm. Tuy nhiên, vì còn rất nhiều băng từ trong giai đoạn phân định, sang chép sang dạng DVD, CD, nên kho tư liệu này vẫn chưa thể mở rộng cho nhiều đối tượng tham khảo, tiếp cận.

Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II (chi nhánh phía Nam) cũng đã tìm đến GS Trần Văn Khê để thực hiện việc xây dựng phông lưu trữ cá nhân cho ông. Có thời gian theo sát quá trình sắp xếp, phân loại kho tư liệu của GS Trần Văn Khê, bà Võ Thị Xuân Mai, Phó Trưởng phòng Thu thập Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, cho biết: “Kho tư liệu của thầy quá phong phú và giá trị, chúng tôi không dám “đụng” tới. Trung tâm chỉ tập trung vào những khen thưởng quốc tế của thầy, quá trình cống hiến, giảng dạy và những kiến thức về âm nhạc dân tộc của thầy đã là một “kho” tư liệu đầy đặn lắm”.

55 năm sống ở nước ngoài nhưng vẫn mang quốc tịch Việt Nam, một đời GS Trần Văn Khê chỉ đau đáu nỗi niềm và tình yêu dành cho âm nhạc dân tộc. Ở tuổi 93, trải qua nhiều thăng trầm; giáo sư vẫn minh mẫn, lạc quan và cho rằng đời sống của mình thế cũng là viên mãn lắm: “Muốn sống, muốn mua cái gì cũng được, cũng có. Thi thoảng, vẫn được nơi này nơi kia mời nói chuyện về âm nhạc và được trả thù lao đàng hoàng. 93 tuổi vẫn được như vậy, còn muốn gì nữa”. Tất cả những việc ông làm, đều chỉ với mong muốn làm sao cho thế giới biết và yêu mến âm nhạc dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam. Với cảm nhận của cá nhân người viết, tự bản thân ông, đã cho bạn bè thế giới cảm mến về cốt cách, tài năng của một người Việt Nam đích thực.

NHƯ HOA

Tin cùng chuyên mục