Hát dưới trời tháng bảy

Tháng bảy lại về, chúng ta lại nhớ đến hàng trăm ca khúc từng vang vọng thể hiện lòng tri ân vô bờ bến của nhân dân đối với các thương binh - liệt sĩ đã hiến dâng thân mình cho nhân dân, cho Tổ quốc. Hình ảnh cao quý của các anh chị sẽ sống mãi trong lòng quần chúng cả nước.

Tháng bảy lại về, chúng ta lại nhớ đến hàng trăm ca khúc từng vang vọng thể hiện lòng tri ân vô bờ bến của nhân dân đối với các thương binh - liệt sĩ đã hiến dâng thân mình cho nhân dân, cho Tổ quốc. Hình ảnh cao quý của các anh chị sẽ sống mãi trong lòng quần chúng cả nước.

Từ lâu, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn đã thai nghén đề tài về Võ Thị Sáu. Hồi đó, hầu như ngày nào anh cũng đều ghi lại những nét nhạc vừa nghĩ ra cho bài hát về người con gái miền Nam anh hùng ấy, nhưng chọn mãi không vừa ý.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn nói: “Một hôm tình cờ tôi đọc lại quyển sách nói về Võ Thị Sáu, thấy nhắc đến trái lêkima. Ở quê chị Sáu có rất nhiều lêkima, Sáu thường thích hoa lêkima... Tôi thấy có thể lấy lêkima làm hình tượng của Võ Thị Sáu. Sáu trẻ và đẹp như hoa lêkima, Sáu đã hy sinh cho những mùa hoa lêkima nở rộ. Tôi suy nghĩ như vậy và bắt đầu viết...”. Bài hát Biết ơn Võ Thị Sáu đã ra đời vào năm 1958 như thế đấy: “Mùa hoa lêkima nở ở quê ta miền đất đỏ/Thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng…”.

Năm 1964, tin từ miền Nam vọng đến miền Bắc: Người thợ điện Nguyễn Văn Trỗi trong khi định diệt trừ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ đang đến thị sát chiến trường miền Nam, bị địch bắt và kết án tử hình. Giữa pháp trường, anh rất kiên cường, không cho địch bịt mắt và ba lần anh gọi tên Bác. Xúc động trước gương anh hùng của Nguyễn Văn Trỗi, nhạc sĩ Vũ Thanh đã sáng tác bài hát Lời anh vọng mãi ngàn năm với lời ca: “Sáng mãi tên anh người con của đất nước/Sông núi reo ca người anh hùng thành đồng bất khuất…”. Trong nhiều ca khúc viết về anh Trỗi ra đời vào lúc ấy, sáng tác của Vũ Thanh là một trong số ít còn đọng lại lâu dài trong lòng mọi người.

Năm 1980, nhạc sĩ Trần Tiến về thăm Hải Hậu, Nam Định, tình cờ nhìn thấy một thương binh ngồi bên cạnh đôi nạng gỗ, ôm chiếc đàn ghita dạy hát cho thiếu nhi. Anh xúc động mãnh liệt trước hình ảnh thân thương này và cảm hứng sáng tác chợt dâng trào trong anh, để rồi sau đó không lâu ca khúc Vết chân tròn trên cát ra đời được quần chúng hưởng ứng: “Vết chân tròn vẫn đi về trên con đường cát trắng quê tôi/Anh thương binh vẫn đến trường làng vẫn ôm đàn dạy các em thơ…”. Trần Tiến tâm sự: “Đã bao năm trôi qua cuộc chiến và bài hát ấy. Tôi đâu đã trả được ơn người cho tôi trở về yên vui cuộc sống hôm nay. Người thương binh trong bài hát của tôi giờ này anh ở đâu?...”.

Chiến tranh đã qua, thế nhưng trên làn sóng phát thanh và trên màn ảnh truyền hình ngày ngày xướng ngôn viên vẫn thông báo tìm tin tức và phần mộ đồng đội, những người con của các mẹ ra đi mãi mãi không về... Như mọi người dân trong nước, nhạc sĩ Thuận Yến cảm thấy đau lòng xé ruột mỗi khi nghe lời thông báo. Anh lên gặp nhà thơ Nguyễn Đức Mậu ở Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội để trao đổi, gợi ý viết phần lời về đề tài này theo bố cục của âm nhạc. Tình cảm của hai tác giả như bị dồn nén từ lâu nên một khi được khơi nguồn, cảm hứng tuôn chảy dào dạt. Đó chính là động lực để “Màu hoa đỏ” ra đời và được nhân dân, nhất là chiến sĩ trẻ yêu thích coi đó như một phác thảo chân dung của mình: “Có người lính mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo/Có người lính mùa xuân ấy ra đi từ đó không về/Dòng tên anh khắc vào đá núi, mây ngàn hóa bóng cây che/Chiều biên cương trắng trời sương núi, mẹ già mỏi mắt nhìn theo…”.

Những giai điệu tha thiết vang lên dưới trời tháng bảy là lời biết ơn chân thành của giới âm nhạc cả nước gửi đến các thương binh, liệt sĩ, những người con yêu quý của Tổ quốc.

Nhạc sĩ TRƯƠNG QUANG LỤC

Tin cùng chuyên mục