GS-TS Tô Ngọc Thanh: Hãy tôn vinh những nghệ nhân trước khi quá muộn

GS-TS Tô Ngọc Thanh: Hãy tôn vinh những nghệ nhân trước khi quá muộn

Trước thông tin về việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú - một việc mà không chỉ nghệ nhân mà nhân dân cả nước đều mong đợi từ nhiều năm qua - lại tiếp tục bị trì hoãn, PV Báo SGGP đã có trao đổi với GS-TS Tô Ngọc Thanh, một người tâm huyết, trăn trở với việc vinh danh các nghệ nhân dân gian hàng chục năm qua...

* Sau nhiều lần “nâng lên đặt xuống” lấy ý kiến của các nhà khoa học, các học giả, các đơn vị liên quan thì nay, một lần nữa, việc xét tặng lại bị trì hoãn. Ông có ý kiến gì về thông tin này?

* GS-TS TÔ NGỌC THANH: Thực ra các nghệ nhân đã chờ đợi việc xét tặng công nhận này 10 năm rồi và vì thế, có chờ thêm vài năm nữa, chắc chắn, họ cũng không cho đó là vấn đề lớn. Trong suốt 10 năm qua, Hội Văn nghệ dân gian cũng miệt mài đi “vá lỗ thủng” thời gian đó. May mắn thay, cho tới thời điểm này, hội đã kịp thời làm hồ sơ vinh danh được hơn 370 nghệ nhân. Nhiều người trong số đó chỉ kịp nhận bằng vinh danh một thời gian rất ngắn rồi sau đó về với tổ tiên.

Để tặng được bằng vinh danh cho các cụ, chúng tôi không đặt nặng vấn đề đó là công của ai mà đó là trách nhiệm của chính chúng ta với những người đã gìn giữ và phát huy những tinh hoa di sản văn hóa của cha ông. Trong khi Bộ VH-TT-DL chưa làm được thì Hội Văn nghệ dân gian làm và tôi cho rằng công việc “vá lỗ thủng” này chắc hội sẽ phải làm dài dài.

Song phải nói thẳng một điều rằng với tư duy và tiêu chí đưa ra trong dự thảo nghị định về việc xét tặng danh hiệu như đã từng đưa ra lấy ý kiến trước đây, sẽ khó khả thi. Ví dụ như tiêu chí xét tặng có đưa quy định bắt buộc phải hành nghề 12 năm, 25 năm. Thử hỏi, một người dân tộc Mèo thổi kèn làm sao biết ông ấy thổi kèn khi nào? Đừng đem cái gọi là nghề chuyên nghiệp đánh giá nghệ nhân, mà nghệ nhân không phải là người làm nghề chuyên nghiệp. Sẽ khoảng 5 - 7 năm nữa mới có thể có quy chế phong tặng nghệ nhân, nếu cứ giữ tư duy kiểu đó.

Nghệ sĩ Bạch Huệ, một trong số ít nghệ sĩ của TPHCM được phong tặng Nghệ nhân dân gian. Ảnh: Đỗ Hạnh

Nghệ sĩ Bạch Huệ, một trong số ít nghệ sĩ của TPHCM được phong tặng Nghệ nhân dân gian. Ảnh: Đỗ Hạnh

* Cách phong tặng nghệ nhân của hội trong những năm qua được thực hiện như thế nào thưa ông?

* Cách làm của chúng tôi không công quyền, rất gần dân và dựa vào dân. Tất nhiên không thể đòi hỏi bộ làm được như chúng tôi, tức là đi đến từng cụ để sưu tầm, nghiên cứu. Chúng tôi làm văn nghệ dân gian nên biết rất rõ. Mà thông qua việc sưu tầm thì không ai nói dối được. Sau đó, chúng tôi đề nghị UBND xã lấy ý kiến của bà con, họ bảo, hát ví phải nói đến cụ X., cụ X. hát đến mấy ngày còn chưa hết. Liệu chúng ta có đủ điều kiện để ghi lại không? Thế cụ X. ấy có xứng đáng không, có làm cho mọi người tâm phục khẩu phục không? Nghị định này làm khó, hành chính hóa các thủ tục. Khi chúng tôi phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian, chúng tôi căn cứ vào tài năng chứ không căn cứ vào tuổi tác. Không thể quy định cứng nhắc như thế được. Vậy lấy cái gì để tính thời gian? Nghệ nhân Hà Nhì sống ở Mường Tè, đến tuổi còn không biết, cụ bảo sinh ra vào cái năm lụt, ai biết là cụ hát từ năm bao nhiêu tuổi để lấy mốc công nhận cho cụ?

Chúng tôi luôn coi đó là những người thầy lớn để trân trọng, còn có người chỉ xem họ là những số phận thôi. Thôi thì xem họ là những số phận cũng được, nhưng phải nhớ rằng, những số phận ấy đã mang theo toàn bộ những sáng tạo của các tiền nhân từ hàng chục thế kỷ, ví dụ nghệ nhân Hà Thị Cầu mất thì xẩm còn ai? Thế nên nếu làm không nhanh, không kịp thì chúng ta là những người có lỗi.

* Trong 10 năm qua, hội đã phong tặng danh hiệu cho 372 nghệ nhân dân gian. Cùng với danh hiệu, có phần thưởng khích lệ, động viên nào không?

* Một năm, hội chỉ có 1,2 tỷ đồng để hoạt động, trong đó, trả lương cho nhân viên đã chiếm hơn phân nửa. Vì thế, nếu nói về kinh tế thì hội không có nhiều mà chỉ là quà mang tính tượng trưng (900.000 đồng kèm theo bằng khen và 300.000 đồng kèm theo Huy hiệu Vì sự nghiệp văn hóa dân gian). Gần đây, hội cũng đã huy động được sự ủng hộ của các địa phương để góp phần tôn vinh các nghệ nhân nhưng đó cũng không phải là sự hỗ trợ, giúp đỡ lâu dài. Vì thế, hơn ai hết, tôi mong muốn việc xét tặng danh hiệu của Nhà nước nhanh chóng được thực thi để các nghệ nhân nhận được sự tôn vinh, tưởng thưởng xứng đáng trước khi quá muộn.

MAI AN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục