Văn hóa trở thành nền tảng tinh thần, thúc đẩy xã hội phát triển

Ngày 8-8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ VH-TT-DL đã tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 5 khóa VIII về xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Các tham luận tại hội nghị đều cho thấy tầm quan trọng của nghị quyết chiến lược về phát triển văn hóa, đã thật sự đưa văn hóa trở thành nền tảng tinh thần và thúc đẩy xã hội phát triển.
Văn hóa trở thành nền tảng tinh thần, thúc đẩy xã hội phát triển

Ngày 8-8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ VH-TT-DL đã tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 5 khóa VIII về xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Các tham luận tại hội nghị đều cho thấy tầm quan trọng của nghị quyết chiến lược về phát triển văn hóa, đã thật sự đưa văn hóa trở thành nền tảng tinh thần và thúc đẩy xã hội phát triển.

        Nở rộ nhiều thành tựu

Sau 15 năm thực hiện nghị quyết, nhiều thành tựu đã đạt được, vai trò của văn hóa truyền thống được đề cao, tư tưởng, đạo đức, lối sống của người Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực; thể chế, thiết chế văn hóa được củng cố, từng bước nâng cao chất lượng. Vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế ngày càng được chú trọng; công tác tu bổ, tôn tạo, bảo tồn di sản văn hóa đạt được nhiều kết quả tốt, từ việc xây dựng các văn bản pháp quy đến việc đưa các di sản đến với thế giới; đời sống văn hóa cơ sở đã có bước phát triển mới. Nhận thức về giá trị di sản văn hóa và truyền thống văn hóa được nâng cao; xã hội hóa hoạt động văn hóa cũng được đẩy mạnh, nhất là trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa, hoạt động sân khấu, văn nghệ quần chúng. Đội ngũ sáng tác, biểu diễn trong cả nước ngày càng đông, hoạt động nghệ thuật biểu diễn phong phú; đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa ngày một trưởng thành. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có tác động to lớn đối với việc xây dựng gương người tốt việc tốt, uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, việc xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình văn hóa, làng, xã, phường, khu phố văn hóa... góp phần ổn định chính trị, giữ gìn, bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, xây dựng nếp sống văn hóa, môi trường văn hóa lành mạnh ở cơ sở.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp gỡ các đại biểu dự hội nghị.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp gỡ các đại biểu dự hội nghị.

GS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia, xúc động bày tỏ: “Nghị quyết TƯ 5 là bệ đỡ cho văn hóa phát triển, đã khơi nguồn cho sự phát triển của hàng loạt các thiết chế văn hóa ngoài công lập (hay còn gọi là tư nhân) phát triển. Nếu không thế, làm sao chúng ta biết được trong dân chúng lại có một khối lượng tài sản lớn lao đến thế về di sản văn hóa. Có những bộ sưu tập tư nhân hàng ngàn hiện vật, có nhiều người đã bỏ cả cuộc đời và tiền của để xây dựng những bảo tàng tư nhân nhằm giữ lại những giá trị văn hóa vật thể để làm nên giá trị văn hóa trường tồn cho dân tộc”.

Nhà văn Chu Lai phát biểu: “Văn hóa không bao giờ bình yên, không bao giờ chỉ là những hoạt động vui vẻ trẻ trung, nếu nói làm văn hóa văn nghệ cho vui thì không bao giờ làm được văn hóa. Cứ hỏi 10 ông nghệ sĩ thì tôi chắc có đến 5 ông sẽ nhớ rất lơ mơ về nghị quyết, bởi vì họ đã có một nghị quyết rất nhân văn trong tim mình, đó là sáng tạo thế nào để làm rung động người nghe, người xem. Nhiều nghệ sĩ đang ngày đêm miệt mài cống hiến cho xã hội những tác phẩm đồ sộ, xuất sắc mặc dù chế độ nhuận bút ở ta còn rất thấp, gần như bằng không”.

        Còn nhiều thách thức

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hồ Anh Tuấn thẳng thắn thừa nhận bên cạnh những thành tựu đã đạt được, trong quá trình thực hiện Nghị quyết TƯ 5, thực tế cũng đặt ra nhiều tồn tại và thách thức. “Hạn chế lớn nhất trong xây dựng con người những năm qua là sự suy thoái về tư tưởng, xuống cấp về đạo đức, tha hóa về lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, đã gây ra bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ”, ông Hồ Anh Tuấn nói.

Về xây dựng môi trường văn hóa, hạn chế lớn nhất là phong trào phát triển chưa đồng đều giữa các khu vực, vùng miền, chưa bền vững. Bảo tồn phát huy các di sản văn hóa đang đứng trước nhiều thách thức, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, giữa công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa và bảo tồn di tích. Mặc dù Nhà nước đã có chủ trương tăng mức đầu tư cho văn hóa đến năm 2010 đạt 1,8% ngân sách nhà nước nhưng mức đầu tư tại phần lớn các địa phương đều chưa đạt được. Đặc biệt, đối với các tỉnh vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ chi cho văn hóa chỉ đạt từ 1% - 1,3% tổng chi ngân sách địa phương.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, nhiệm vụ xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời gian tới là rất nặng nề. Vì vậy, ngành VH-TT-DL phải chủ động phối hợp với các ngành, các cấp nghiên cứu, có những cách làm hay, sáng tạo, thực hiện các giải pháp hiệu quả nhất để tranh thủ cơ hội, phát huy những tiềm năng, lợi thế, những mặt tích cực, đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực, mặt trái của cơ chế thị trường đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Quá trình hội nhập quốc tế của nước ta ngày càng sâu rộng, để dân tộc ta “không đánh mất bản sắc của mình” trong thế giới luôn phát triển và biến động khó lường, để hội nhập mà không hòa tan, toàn ngành VH-TT-DL phải tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về văn hóa, tích cực triển khai Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020… Mỗi người dân, gia đình, làng xã, công sở, đơn vị, doanh nghiệp và cả xã hội cùng nỗ lực, sáng tạo, chung tay xây dựng môi trường văn hóa quốc gia lành mạnh, văn minh và là nền tảng cho quá trình nhập thân văn hóa của mỗi người hôm nay và các thế hệ mai sau.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục