Chuông vàng vọng cổ 2013: Bay bổng những lời ca

12 thí sinh xuất sắc nhất của 4 khu vực (miền Bắc, miền Trung, miền Tây Nam bộ, miền Đông Nam bộ và TPHCM) cuộc thi Chuông vàng vọng cổ 2013 (do HTV và Công ty Kiết Tường phối hợp tổ chức) đang ráo riết tập luyện cho đêm chung kết xếp hạng đầu tiên, diễn ra tại Nhà hát Đài Truyền hình TPHCM vào tối 5-9 và được truyền hình trực tiếp trên HTV9.
Chuông vàng vọng cổ 2013: Bay bổng những lời ca

12 thí sinh xuất sắc nhất của 4 khu vực (miền Bắc, miền Trung, miền Tây Nam bộ, miền Đông Nam bộ và TPHCM) cuộc thi Chuông vàng vọng cổ 2013 (do HTV và Công ty Kiết Tường phối hợp tổ chức) đang ráo riết tập luyện cho đêm chung kết xếp hạng đầu tiên, diễn ra tại Nhà hát Đài Truyền hình TPHCM vào tối 5-9 và được truyền hình trực tiếp trên HTV9.

Thí sinh Nguyễn Thị Lý trong đêm chung kết khu vực phía Bắc.

Thí sinh Nguyễn Thị Lý trong đêm chung kết khu vực phía Bắc.

Đa sắc màu

Lần đầu tiên, cuộc thi Chuông vàng vọng cổ qua 4 đêm chung kết khu vực, được truyền hình trực tiếp trên HTV9. Tiết mục dự thi của các thí sinh đa phần đều là những trích đoạn, những bài ca vốn quen thuộc với khán giả yêu thích bộ môn nghệ thuật này, nhưng vẫn đem lại cho người nghe những cảm xúc dạt dào.

Ngạc nhiên và đôi chút thú vị là phần thi của các thí sinh khu vực miền Bắc. Chất giọng, làn hơi khỏe khoắn cùng cách phát âm mang đặc thù vùng miền phía Bắc, khiến các làn điệu cải lương vọng cổ quen thuộc có chút lạ lẫm, thú vị. Các thí sinh khu vực miền Tây, Đông Nam bộ và TPHCM lại nổi bật với sự thể hiện ngọt ngào, giàu cảm xúc. Có thể nói, Chuông vàng vọng cổ 2013 có được sự đa màu sắc từ chính các thí sinh đến từ mọi miền đất nước. Ông Cao Anh Minh, Phó Tổng Giám đốc HTV, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi, cho biết: “Với mong muốn mở rộng cuộc thi, tiếp tục phát triển nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, đây là lần đầu tiên HTV quyết định tổ chức 4 đêm chung kết khu vực để khán giả cả nước có dịp thưởng thức “đặc sản” văn hóa Nam bộ và các thí sinh có điều kiện thể hiện tài năng ca diễn trên sân khấu nhiều hơn”.

Tỏa sáng niềm đam mê

Có 12 thí sinh vào vòng chung kết xếp hạng Chuông vàng vọng cổ 2013. Chỉ một vài thí sinh là đang tham gia biểu diễn tại đoàn cải lương chuyên nghiệp, còn lại phần lớn đều đang sinh hoạt tại một số câu lạc bộ, đội nhóm của địa phương.

Thí sinh Nguyễn Thị Lý (Hà Nội), đang công tác tại Nhà hát Cải lương Việt Nam là thí sinh hiếm hoi chuyên nghiệp theo loại hình sân khấu cải lương. Sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, cả gia đình không có ai theo nghệ thuật, nhưng Lý lại yêu thích và đam mê cải lương từ nhỏ. “Từ khi còn bé, tôi đã mê cải lương. Tôi hát khi nấu cơm, cả lúc đi cấy. Tôi mê các nghệ sĩ Bạch Tuyết, Minh Vương, Lệ Thủy, Thanh Kim Huệ. Cải lương vọng cổ giờ đã là nghiệp của tôi rồi, dù bộ môn nghệ thuật này không còn được phổ biến nhiều ở phía Bắc”. Có mặt trong vòng chung kết xếp hạng nhưng Nguyễn Thị Lý tự nhận thấy rằng, cô còn phải cố gắng rất nhiều trong cách phát âm khi hát vọng cổ, so với các thí sinh phía Nam vốn có nhiều thuận lợi hơn.

Đến với vòng chung kết xếp hạng Chuông vàng vọng cổ 2013, các thí sinh dù chuyên nghiệp hay không chuyên đều cho thấy sự đam mê, nhiệt huyết rất lớn với bộ môn cải lương. Cơ hội được đứng trên sân khấu để hát và thể hiện khả năng của mình là động lực giúp các thí sinh vượt qua sự tự ti, mặc cảm và cảm nhận được niềm hãnh diện lớn với người thân, bạn bè.

Cuộc thi Chuông vàng vọng cổ 2013 đang đi đến chặng cuối. Sau 7 năm tổ chức, nhiều giọng ca đẹp bước ra từ cuộc thi đã tỏa sáng và bổ sung vào đội ngũ những nghệ sĩ cải lương trên cả nước như Võ Minh Lâm, Nguyễn Ngọc Đợi, Nguyễn Văn Mẹo, Võ Thành Phê… Cuộc thi cũng trở thành một thương hiệu rất đáng tự hào của Đài Truyền hình TPHCM, trong việc giữ gìn và phát huy âm nhạc dân tộc.

NHƯ HOA

Tin cùng chuyên mục