Lời cuối với nhà văn đã đi xa

Sau tập sách Còn là tinh anh xuất bản năm 2013 viết về những năm tháng cuối đời của các nhà văn tiêu biểu, “vua tư liệu” Trần Thanh Phương vừa tiếp tục gây ngạc nhiên khi cho ra mắt công trình sưu khảo Lời cuối với nhà văn đã đi xa tập hợp những bài điếu văn, văn tế, lời tiễn biệt đáng quý trong gần 600 trang sách.
Lời cuối với nhà văn đã đi xa

Sau tập sách Còn là tinh anh xuất bản năm 2013 viết về những năm tháng cuối đời của các nhà văn tiêu biểu, “vua tư liệu” Trần Thanh Phương vừa tiếp tục gây ngạc nhiên khi cho ra mắt công trình sưu khảo Lời cuối với nhà văn đã đi xa tập hợp những bài điếu văn, văn tế, lời tiễn biệt đáng quý trong gần 600 trang sách.

Công việc thiêng liêng

Sinh tử là quy luật tự nhiên của tạo hóa. Không ai thoát khỏi được lẽ thường tình ấy. Người xưa nói rằng chỉ khi vĩnh viễn nằm xuống thì con người ta mới có thể được đánh giá thỏa đáng. Đối với các nhà văn cũng vậy. Là những người sáng tạo, chỉ khi trở về với cát bụi hư vô mới có thể xem họ đã để lại gì có ích cho cuộc đời. Sự nhìn nhận ấy đầu tiên là ở lời cuối cùng trước linh cữu họ. Có thể chưa hoàn toàn chính xác, nhưng những bài văn tế, điếu văn hay lời chia buồn là những văn bản chính thức bước đầu nhìn nhận về cả một hành trình văn nghiệp.

Nhà văn - nhà báo Trần Thanh Phương tâm sự rằng, khi còn trên ghế nhà trường được đọc các bài văn tế kinh điển như Văn tế thập loại chúng sinh, Văn tế hai cô gái Trường Lưu của Nguyễn Du hay Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Văn tế Trương Định của Nguyễn Đình Chiểu, ông đã có ấn tượng sâu sắc về chữ “đạo”, chữ “tâm” của các bậc văn hào. Nhiều năm qua, ông đã bỏ công sưu tầm những bài điếu văn, lời từ biệt được đọc trong tang lễ các nhà văn, rồi sắp xếp hệ thống trở lại in thành tác phẩm Lời cuối với nhà văn đã đi xa do NXB Hội Nhà văn ấn hành.

Qua các bài văn tế, điếu văn và lời từ biệt trong công trình Lời cuối với nhà văn đã đi xa mà Trần Thanh Phương sưu khảo, hình ảnh nhiều nhà văn tiêu biểu thời cận đại và đương đại được tái hiện, từ Nguyễn Đình Chiểu, Dương Khuê, Tản Đà, Huỳnh Thúc Kháng, Ưng Bình Thúc Giạ Thị đến những Vũ Trọng Phụng, Hoàng Ngọc Phách, Lan Khai, Lê Văn Trương, Nguyễn Bính, Trần Hữu Trang, Nguyễn Công Hoan, Hoài Thanh, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Trần Dần, Lê Đạt, Hữu Loan… cho đến các nhà văn mới qua đời gần đây như Hoài Anh, Thái Vũ, Lò Ngân Sủn, Nguyễn Quang Sáng, Tô Hoài, Anh Đức, Trang Thế Hy, Thanh Giang, Trần Thanh Giao, Nguyễn Khắc Phục.

Nguồn tư liệu quý hiếm

Dù chưa hoàn chỉnh, vì còn thiếu không ít nhà văn do chưa sưu tập được, nhưng có thể nói tác phẩm Lời cuối với nhà văn đã đi xa là một nguồn tư liệu quý hiếm, đặc biệt là những điếu văn từ năm 1975 trở về trước, góp phần tái hiện bức tranh phong phú và sinh động về đời sống văn học Việt Nam cận đại và hiện đại. Mỗi nhà văn tiêu biểu có một cuộc đời riêng, một sự nghiệp riêng và những đánh giá riêng biệt về những giá trị sáng tạo, vị trí văn học của họ trong từng hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Đồng thời, ở những thời điểm khác nhau, các bài điếu văn còn thể hiện văn phong, ngôn ngữ của người viết và thời kỳ mà họ đang sống.

Trong bài ai điếu trước mộ thi sĩ Tản Đà vào tháng 6-1939, nhà nghiên cứu Đinh Gia Trinh - Chủ nhiệm Báo Le Monôme đã trải lòng bằng thứ ngôn ngữ tiếng Việt đầu thế kỷ 20: “Tiên sinh sinh vào buổi giao thời, giữa lúc Hán học suy vi và sóng học mới rộn rã xô tới. Cũng như bao nhà Nho lỗi thời khác, là kẻ nạn của vận hội, tiên sinh phải chịu sống trong sự thanh bạch. Chúng tôi, thanh niên của thời đại mới, đang băn khoăn đi tìm lý tưởng, và lý do của hành động, và hơn hết cả, sự trong sáng và lòng hy sinh, chúng tôi vẫn mến phục tiên sinh, và coi ở tiên sinh hai nhân vật: một người đã đón sự sống với một triết lý giản dị và cao thượng; một nhà thơ đã cho kẻ đọc cái giác vị thuần túy của cả một nền văn chương Viễn Đông ngày hôm qua”.

Còn với văn hào Vũ Trọng Phụng, một bậc tài hoa bạc mệnh, trong bài điếu văn của thi sĩ Lưu Trọng Lư đọc trước mộ ông ngày 15-10-1939, sau khi cho biết sinh thời có không ít kẻ tỏ ra lo sợ, ngờ vực, đề phòng ông: “Nhưng sự thực có phải như thế không, tôi xin hỏi những bạn thân, sơ, đã ăn một bữa cơm, ngủ một đêm, ngồi một tiệc rượu với tác giả: Cạm bẫy người, Giông tố, Số đỏ, Kỹ nghệ lấy Tây, Trúng số độc đắc. Tôi chắc ai nấy đều trả lời rằng: Người vừa từ giã chúng ta tuy là một văn tài lỗi lạc; mà than ôi, chỉ là một người bình dị, một người cha đứng đắn, một người chồng đứng đắn hơn, một người con rất hiếu, người của khuôn phép, của nề nếp”. Ở một đoạn khác, đọc lên chúng ta vẫn ngỡ như thi sĩ Lưu Trọng Lư đang nghẹn nấc trước bạn mình: “Con người ấy không giết qua một con muỗi nhưng kỳ diệu! Văn chương người ấy làm cho kẻ trọc phú phải giật mình, kẻ trưởng giả phải cáu kỉnh. Vì đâu có cái nguồn cảm mãnh liệt ấy mà người ta tưởng như không thể tìm được ở anh? Vì đâu cái sức sáng tạo màu nhiệm ấy, vì đâu cái sức mạnh ấy của tâm hồn?… Cái sức mạnh của Vũ Trọng Phụng là cái sức mạnh âm thầm của cái đe vậy”.

Từ gần 80 năm trước, các đồng nghiệp văn chương đã nhìn nhận về sau rất công bằng và thỏa đáng. Người còn sống nâng niu, trân trọng những giá trị của người đã mất. Về sau này cũng có nhiều điếu văn đáng để các thế hệ sau suy ngẫm, nhất là đối với những người từng bị tai nạn văn chương và trải qua thời gian dài sống đời sống khắc nghiệt như Văn Cao, Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Phùng Quán, Hữu Loan… Trong điếu văn của thi sĩ Hoàng Cầm tại lễ truy điệu người bạn thân là thi sĩ Trần Dần vào ngày 19-1-1997 ở Hà Nội có đoạn: “Tôi dám nghĩ rằng còn phải một thời gian nữa người ta mới ý thức được sự ra đi này là thiệt thòi biết mấy cho văn học và văn hóa nước nhà. Sự nghiệp của anh để lại cho đời đâu dễ gì đo được đúng tầm trong một sớm một chiều. Những gì đã được công chúng, độc giả biết đến cho tới nay, kể cả tập Bài thơ Việt Bắc in năm 1990, và tập Cổng tỉnh (được Hội Nhà văn Việt Nam tặng thưởng năm 1995) chỉ là mặt nổi của một tảng băng. Ngay các bạn thân cận nhất của anh đã mấy ai thấy hết được mặt chìm của tảng băng đó”.

Tiên đoán ấy của thi sĩ Hoàng Cầm đã đúng khi thời gian qua những tác phẩm từ di cảo của thi sĩ Trần Dần đã được xuất bản và gây ngạc nhiên thú vị cho đời sống văn học.

PHAN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục