Đến với Trường Sa không chỉ là trách nhiệm

Đoàn đại biểu TPHCM và Quân chủng Hải quân sau 8 ngày hành quân trên biển với thời tiết hết sức khắc nghiệt đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đến với cán bộ chiến sĩ, nhân dân trên quần đảo Trường Sa. Sáng 25-3, ngay sau khi tàu cập cảng Cát Lái (quận 2), mặc dù đang rất mệt sau chuyến đi dài ngày nhưng đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM (Trưởng đoàn) và đồng chí Phó đô đốc Trần Thanh Huyền, Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh Hải quân đã dành cho Báo SGGP cuộc phỏng vấn nhanh.
Đến với Trường Sa không chỉ là trách nhiệm

Đoàn đại biểu TPHCM và Quân chủng Hải quân sau 8 ngày hành quân trên biển với thời tiết hết sức khắc nghiệt đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đến với cán bộ chiến sĩ, nhân dân trên quần đảo Trường Sa. Sáng 25-3, ngay sau khi tàu cập cảng Cát Lái (quận 2), mặc dù đang rất mệt sau chuyến đi dài ngày nhưng đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM (Trưởng đoàn) và đồng chí Phó đô đốc Trần Thanh Huyền, Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh Hải quân đã dành cho Báo SGGP cuộc phỏng vấn nhanh.

Đến với Trường Sa không chỉ là trách nhiệm ảnh 1

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà và đồng chí Trần Thanh Huyền tặng quà trẻ em trên quần đảo Trường Sa. Ảnh: HỒ VIỆT

- PV: Đồng chí có thể cho biết cảm tưởng của mình trong và sau chuyến công tác tại quần đảo Trường Sa lần này?

Đồng chí NGUYỄN THỊ THU HÀ: Được sự hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình và đầy trách nhiệm của lãnh đạo Quân chủng Hải quân, đặc biệt cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn 125 Hải quân, đoàn đại biểu đại diện cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM đã hoàn thành nhiệm vụ đến thăm và làm việc với quân và dân huyện đảo Trường Sa.

Được cùng ăn, cùng ở, cùng trải qua những ngày sóng to gió lớn giữa biển cả mênh mông, nhất là được thăm cán bộ chiến sĩ và người dân trên các đảo Song Tử Tây, Đá Nam, Sinh Tồn, Đá Tây và Trường Sa Lớn đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc. Tôi rất mừng vì diện mạo Trường Sa có nhiều thay đổi, điều kiện sống của cán bộ chiến sĩ và người dân nơi đây ngày càng tốt hơn. Bên cạnh những hầm hào công sự, trên đảo còn có trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, có trường học, bệnh xá, sân bóng đá, bóng chuyền và cả những ngôi chùa được xây cất khá khang trang nhằm đáp ứng nhu cầu vật chất và tinh thần của quân dân trên đảo.

Đặc biệt, sau khi trải qua những ngày lênh đênh giữa sóng gió biển khơi, đoàn đại biểu TPHCM được đứng trên mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc và được chạm tay vào cột mốc chủ quyền trên các đảo đã khiến cho tôi vô cùng xúc động. Trường Sa hôm nay tràn đầy sức sống. Trên đảo đã ngập tràn sắc xanh của những luống rau, của hàng cây phong ba kiên cường trong gió bão. Đã nghe tiếng ê a học bài của những trẻ thơ trên đảo trong tiếng sóng biển rì rầm; tiếng quay vù vù của những chiếc quạt gió phát năng lượng hay trên mái ngói những tấm pin mặt trời cung cấp đủ điện cho nhu cầu sinh hoạt của quân và dân trên đảo.

- Tiếp tục hướng về Trường Sa cùng quân dân cả nước bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, đồng chí cho biết sắp tới TPHCM phải làm gì?

Trường Sa có thể xa xôi về mặt địa lý, nhưng Trường Sa rất gần đối với những người dân Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, bởi tấm lòng của chúng tôi đang hướng về biển đảo yêu thương. Chúng tôi khẳng định Trường Sa mãi mãi là của đất nước Việt Nam và mãi mãi thuộc về dân tộc Việt Nam. Chính vì điều đó mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM luôn nhận thức được rằng quần đảo Trường Sa là lá chắn vững vàng từ biển Đông, đồng thời là nhân tố làm nên sự ổn định và tiền đề phát triển cho TPHCM. Quân và dân Trường Sa là lực lượng nòng cốt, trực tiếp bảo vệ chủ quyền biển đảo và thềm lục địa cho Tổ quốc.

Đến Trường Sa, chứng kiến cuộc sống cán bộ, chiến sĩ, người dân dù còn khó khăn nhưng sẵn sàng chiến đấu hy sinh để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chúng tôi càng thấy rõ tình cảm và trách nhiệm của mình đối với Trường Sa. Chúng tôi đến đây không phải chỉ để thăm hỏi, động viên cán bộ chiến sĩ, người dân nơi đây mà còn học được ý thức đoàn kết, kỷ luật và ý chí kiên cường vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM luôn xác định Trường Sa là lãnh thổ thiêng liêng của đất nước ta. Sau chuyến đi thăm Trường Sa lần này, chúng tôi cảm nhận sâu sắc tình cảm nồng hậu của toàn bộ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Trường Sa dành cho đoàn và càng thêm tự hào về chủ quyền biển đảo quê hương và luôn khắc ghi lời Bác Hồ dạy: “Ngày trước chúng ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay chúng ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài và đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Do đó tôi luôn ý thức được rằng, hướng về Trường Sa, làm tất cả những gì có thể vì một Trường Sa ngày càng phát triển về mọi mặt không chỉ trách nhiệm và là tình cảm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM hướng về biển đảo quê hương.

Với vai trò là một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa phía Nam của đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM trong thời gian tới sẽ có nhiều hoạt động hướng về biển đảo nói chung và Trường Sa nói riêng. Cụ thể, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về biển đảo. Tiếp tục thực hiện tốt nội dung Thành ủy và Đảng ủy Quân chủng Hải quân đã ký kết và đẩy mạnh phong trào “Cả nước vì Trường Sa và Trường Sa vì cả nước” trong các ngành các cấp, trong đồng bào các giới. Tiếp tục đóng góp trí lực, vật lực cho việc xây dựng Trường Sa thành một huyện đảo giàu mạnh, ngang tầm với vị trí chiến lược trên biển Đông.

Ngoài ra, TPHCM cũng có những giải pháp động viên nhân dân có những phong trào và hành động cụ thể để thể hiện sự quan tâm chia sẻ của đất liền đối với lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo cho đất nước.

- Thưa Phó đô đốc Trần Thanh Huyền, đồng chí có thể cho biết TPHCM đối với Trường Sa và Quân chủng Hải quân thời gian qua như thế nào?

Đồng chí TRẦN THANH HUYỀN: Trong những năm qua Trường Sa nhận được sự quan tâm toàn diện của của Đảng, Nhà nước và đồng bào cả nước, đặc biệt là Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM – đơn vị kết nghĩa với Quân chủng Hải quân. Theo đó, hai bên đã phối hợp thực hiện tốt 10 nội dung đã ký kết về việc nâng cao trách nhiệm, nhận thức, nghĩa vụ của các tầng lớp nhân dân. Với tinh thần “Tất cả vì Trường Sa thân yêu”, TPHCM đã tổ chức nhiều cuộc vận động các tầng lớp nhân dân gây quỹ, quyên góp quà tặng vật chất, ý tưởng, công trình nghiên cứu ứng dụng phục vụ nhiệm vụ quốc phòng và phát triển kinh tế tại Trường Sa. Chỉ tính riêng năm 2010 và đầu năm 2011, TPHCM đã giúp đỡ quân và dân Trường Sa trên 22 tỷ đồng.

Chúng ta dễ dàng nhận thấy sự thay đổi hàng ngày trên quần đảo Trường Sa. Để có được sự thay đổi đó chính là nhờ sự chung tay góp sức của đồng bào cả nước, trong đó có sự giúp đỡ to lớn, thiết thực của TPHCM. Đây là nguồn động viên to lớn giúp cho quân - dân huyện đảo Trường Sa vượt qua khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nhiều đề án, công trình khoa học đã được triển khai ứng dụng hiệu quả trên các đảo góp phần nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và làm quân – dân Trường Sa ấm lòng hơn, yên lòng hơn. Ngoài ra, TPHCM cũng đã lựa chọn những quân nhân có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt để bổ sung vào đội ngũ những người canh giữ biển đảo…

- Cảm nhận sâu sắc về chuyến thăm và làm việc tại Trường Sa lần này của đồng chí là gì?

Cảm nhận về Trường Sa thì nhiều, song trước hết tôi thấy tinh thần cảnh giác cách mạng, bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm sẵn sàng chiến đấu của quân – dân huyện đảo không ngừng được nâng cao. Trình độ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, năng lực quản lý, nắm chắc tình hình biển đảo tại đây ngày càng đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Trường Sa hôm nay đã xây dựng nhiều công trình đa chức năng, không chỉ phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng mà còn tạo điều kiện cho quân – dân Trường Sa và ngư dân các địa phương khác đến làm ăn kinh tế kết hợp với dân sự hóa, xã hội hóa Trường Sa, góp phần nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền biển đảo của cả nước. Ngoài ra, truyền thống đoàn kết quân – dân ngày càng được trân trọng phát huy tạo nên sức mạnh tổng hợp vượt qua khó khăn, gian khổ để hoàn thành mọi nhiệm vụ…

- Trân trọng cảm ơn hai đồng chí.

Bảo Trân - Hồ Thu thực hiện

Tin cùng chuyên mục