2 năm sau có luật, người tiêu dùng vẫn tự... bảo vệ

Quyền lợi người tiêu dùng đang bị xâm phạm nghiêm trọng dưới nhiều hình thức và trên nhiều lĩnh vực, trong khi đó Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đi vào cuộc sống.

Quyền lợi người tiêu dùng đang bị xâm phạm nghiêm trọng dưới nhiều hình thức và trên nhiều lĩnh vực, trong khi đó Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đi vào cuộc sống.

Vi phạm trên diện rộng

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2011 khẳng định quyền lợi của người tiêu dùng được tôn trọng và bảo vệ theo quy định của pháp luật. Nhà nước và toàn xã hội có trách nhiệm thực hiện kịp thời, công bằng, minh bạch đúng pháp luật để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo nhận định của các luật gia, việc thực thi luật vẫn còn nhiều hạn chế. Các tổ chức kinh doanh chưa quan tâm đến những quy định của pháp luật đối với trách nhiệm của mình trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ hoặc phải giải thích rõ ràng những điều kiện giao dịch cho người tiêu dùng khi ký hợp đồng. Các đơn vị sở, ngành chức năng được giao nhiệm vụ giúp UBND TP thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn nhiều lúng túng, bất cập, công tác tuyên truyền về luật không mạnh, thiếu liên tục. Sự yếu kém này dẫn đến thực trạng hàng gian, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại diễn biến ngày càng tinh vi.

Trong số hơn 150 vụ khiếu nại gửi đến Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM thuộc nhiều ngành hàng và dịch vụ khác nhau, hầu hết việc khiếu nại của người tiêu dùng đều phát sinh từ sự vi phạm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, không chỉ cá nhân, tổ chức kinh doanh mà cả người tiêu dùng cũng đang vi phạm do thiếu sự hiểu biết về luật. Nhiều vấn đề liên quan đến luật đang bị bỏ ngỏ như các đơn vị kinh doanh không cung cấp chứng từ, hóa đơn khi bán hàng; việc kiểm soát hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung được quy định khá chặt chẽ nhưng thực tế vẫn chưa được triển khai rốt ráo… Vì lẽ đó, công tác giải quyết khiếu nại chưa đạt hiệu quả.

        Cần có cơ quan thẩm định chất lượng sản phẩm

Liên quan đến vấn đề thẩm định hàng hóa, gần đây đã xảy ra vụ tranh chấp giữa người tiêu dùng và một DN bán vàng tại Trung tâm Thương mại Diamond Plaza về mấy chục món hàng trang sức bằng vàng và đá quý với giá trị lên tới 500 triệu đồng. Vụ việc này đã được chỉ đạo làm rõ, nhiều sở ngành đã họp bàn nhưng đến nay vẫn chưa có cơ quan quản lý nào đứng ra giải quyết trong khi DN còn thách thức khách hàng, không đến tham dự hòa giải của hội.

Một trong những ưu điểm của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng được thực hiện quyền khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình, nhưng đến nay người tiêu dùng vẫn chưa có điều kiện pháp lý để thực hiện bởi sự bất cập, thiếu đồng bộ trong các văn bản pháp quy. Đã có không ít các trường hợp người tiêu dùng mua phải hàng hóa kém chất lượng nhưng họ lại không biết phải xử lý như thế nào, nhờ cơ quan nào hoặc phản ứng theo kiểu tự phát nên thường lâm vào tình trạng “chờ được vạ thì má đã sưng”…

Để luật phát huy hiệu quả, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM cho rằng, cần phải tạo tính minh bạch cho các quy phạm pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng, các quy định phải rõ ràng về hình thức và nội dung nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Việc chế tài, xử phạt đối với hàng giả, hàng kém chất lượng chưa tạo được sự nghiêm minh. Nên bắt buộc các tổ chức cá nhân kinh doanh các mặt hàng có nguy cơ gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng phải mua bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm.

Sau 2 năm thực thi, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chắc chắn sẽ còn phải điều chỉnh, sửa đổi phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Trước mắt, chỉ có sự nhiệt tình, tận tâm, kiên trì trong thực thi pháp luật, vì quyền lợi người tiêu dùng cũng chính là quyền lợi chung của mỗi cơ quan, tổ chức, mỗi cá nhân trong xã hội thì việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mới có hiệu quả thiết thực. Trong bối cảnh hàng gian, hàng giả, hàng lậu… tràn lan như hiện nay, việc phối hợp chặt chẽ các khâu, các đơn vị và người tiêu dùng với nhau là việc làm thiết thực nhất để tạo áp lực xã hội mạnh mẽ nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục