Các kỳ đại hội Đảng

Đại hội đại biểu lần thứ nhất

Ngay sau khi ra đời (3-2-1930), Đảng Cộng sản Việt Nam đã quy tụ các tầng lớp nhân dân đứng lên đấu tranh, tạo nên một phong trào cách mạng rộng lớn trong những năm 1930-1931.

Trong lúc cao trào cách mạng quần chúng diễn ra mạnh mẽ ở khắp nơi thì Hội nghị lần thứ nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng được triệu tập tại Hương Cảng, Trung Quốc từ 14 đến 31-10-1930, quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương, thông qua Luận cương chính trị, các nghị quyết quan trọng về nhiệm vụ cần kíp và vận động các đối tượng quần chúng cụ thể.

Hội nghị đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương chính thức của Đảng, do đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư. Thực tiễn cao trào đấu tranh cách mạng đã đặt ra yêu cầu phải thiết lập một hình thức tổ chức tập hợp được quảng đại quần chúng rộng rãi chống đế quốc.

Vì vậy, ngày 18-11-1930 Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị thành lập Hội phản đế đồng minh Đông Dương. Qua đó, tập hợp những quần chúng ưu tú kết nạp vào Đảng, xây dựng, củng cố các tổ chức Đảng, các tổ chức cách mạng quần chúng như Nông hội, Công hội, Phụ nữ Liên hiệp Hội, Hội Cứu tế Đỏ lần lượt ra đời, ngày 26-3-1931 Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương được thành lập.

Đại hội đại biểu lần thứ nhất

Đại hội đại biểu lần thứ nhất (1935-1951) của Đảng họp từ ngày 27 đến 31-3-1935 ở phố Quan Công, Ma Cao, Trung Quốc. Đại hội đưa ra 3 nhiệm vụ chủ yếu của Đảng trong giai đoạn cách mạng mới: Phát triển và củng cố Đảng; thu phục quảng đại quần chúng; chống đế quốc chiến tranh. Lần đầu tiên, đại hội đã ra một loạt các nghị quyết hết sức quan trọng để tập hợp lực lượng, xây dựng phong trào quần chúng: Nghị quyết về vận động nông dân, vận động binh lính, vận động phụ nữ, vận động thanh niên… Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Trung ương gồm 13 người (9 ủy viên chính thức và 4 ủy viên dự khuyết), đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư.

Vào tháng 7-1936 tại Thượng Hải, Trung Quốc, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp đã chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng, xác định mục tiêu trước mắt là chống chiến tranh, chống phát xít và chống bọn phản động thuộc địa, đòi tự do, cơm áo, hòa bình, sử dụng nhiều hình thức tổ chức và phương pháp đấu tranh phù hợp.

Tại hội nghị lần này, đồng chí Hà Huy Tập được giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng, trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng ở trong nước. Năm 1938, lần đầu tiên ở Việt Nam, lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động được tổ chức công khai ở Hà Nội, Sài Gòn và các thành phố, thị xã trong nước. Trong quá trình lãnh đạo đấu tranh cũng xuất hiện những lệch lạc. Vì vậy, từ 29 đến ngày 30-3-1938, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp rút kinh nghiệm và tại hội nghị này, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

Năm 1940, Nhật vào Đông Dương, nhân dân ta chịu cảnh “một cổ hai tròng”. Tại các hội nghị Trung ương lần thứ 6 (11-1939); lần thứ 7 (11-1940) chủ trương đề cao nhiệm vụ giải phóng dân tộc, tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất. Đặc biệt, Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (1941), do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì, đã hoàn chỉnh đường lối chỉ đạo chiến lược, đề cao hơn nữa vấn đề dân tộc, chủ trương thành lập Mặt trận Việt Minh đoàn kết những người Việt Nam yêu nước. Tại hội nghị này, đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

Danh sách Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa I (1935-1951):

Đồng chí Lê Hồng Phong (từ tháng 3-1935 đến giữa năm 1936).

Đồng chí Hà Huy Tập (từ giữa năm 1936 đến tháng 3-1938).

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ (từ tháng 3-1938 đến tháng 1-1940).

Đồng chí Trường Chinh (từ tháng 10-1940 đến tháng 5-1941 là Quyền Tổng Bí thư và từ tháng 5-1941 là Tổng Bí thư)

(Còn tiếp)

M.Thảo (Tổng hợp tư liệu)

Tin cùng chuyên mục