Từ chuyện “Ông già chống tham nhũng”

Câu chuyện “Ông già chống tham nhũng” Hoàng Mạnh Tùng, một đảng viên hơn 60 năm tuổi Đảng ở phường Thảo Điền (quận 2, TPHCM) dám đứng lên đấu tranh, đưa ra ánh sáng vụ ông Lê Đoan Hùng với sự tiếp tay của một số cán bộ đã hợp thức hóa được hơn 300m² đất san lấp trái phép một đoạn kênh Rạch Dừa - được cho là gương điển hình của cả nước về tinh thần đấu tranh chống tham nhũng năm 2009.

Vụ việc sau đó đã kết thúc “có hậu” với việc hàng trăm mét vuông đất cấp sai trái được thu hồi, nhiều cán bộ có chức, có quyền bị xử lý kỷ luật. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn sau vụ việc lại đâu vào đấy, đất bị thu hồi được trả lại cho người đã có công… lấp rạch, nhiều cán bộ sai phạm tiếp tục yên vị ở vị trí công tác mới. Duy chỉ có “Ông già chống tham nhũng” là phải chịu cảnh lời ra tiếng vào của chòm xóm: “Ông đấu tranh làm gì, để phải “tránh đâu” cho vợ con thêm khổ”, “Mình ông thì làm được gì mà đấu với tranh”…

Câu chuyện của “Ông già chống tham nhũng” Hoàng Mạnh Tùng cho thấy một thực tế trong xã hội hiện nay là ai cũng có thể nói tham nhũng, tiêu cực xảy ra ở chỗ này, chỗ kia nhưng để chỉ ra được thì không dễ chút nào. Điều này được thấy rõ qua số liệu thanh tra của Thanh tra TPHCM tại 10 quận huyện, sở ngành từ năm 2010 đến nay không có phát sinh đơn tố cáo về hành vi tham nhũng, hoặc có đơn tố cáo nhưng không có cơ sở kết luận. Như vậy, có thể nói từ năm 2009 đến nay trên địa bàn TPHCM chỉ có duy nhất trường hợp của “Ông già chống tham nhũng” Hoàng Mạnh Tùng là dám đứng lên đấu tranh chống tham nhũng. Vậy, vì sao người dân không mặn mà với việc đứng ra tố giác các hành vi tham nhũng, tiêu cực của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy chính quyền các cấp hiện nay?

Câu trả lời được cho là đã đặt ra rất nhiều trong những năm qua nhưng chưa có chuyển biến, đó là Đảng và Nhà nước ta thiếu các cơ chế bảo vệ, khuyến khích người dân mạnh dạn tố giác tham nhũng. Ngay trong bộ máy chính quyền, không dễ gì mà một cán bộ, nhân viên, hoặc một đảng viên khi thấy trong cơ quan, đơn vị mình công tác xảy ra tham nhũng, tiêu cực mà dám đứng ra tố giác. Họ không dám bởi sợ trù dập, sợ vụ việc không làm đến nơi đến chốn sẽ dẫn đến mất việc làm, bị quy kết làm mất đoàn kết nội bộ, nói xấu cán bộ… Còn người dân, do thiếu thông tin, thiếu cơ chế bảo vệ, do sợ đấu tranh rồi không biết tránh đâu.

Tất cả những điều đó nếu có một chính sách đúng, một cơ chế minh bạch, một quyết tâm chính trị lớn của các cấp các ngành, chắc chắn sẽ khơi dậy được tinh thần và sự dũng cảm của nhiều cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong xã hội dám đứng lên trong cuộc đấu tranh diệt trừ tham nhũng - thứ giặc nội xâm đang là nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng, chúng ta đang rất cần những “Ông già chống tham nhũng” như đảng viên lão thành Hoàng Mạnh Tùng.

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục