Bài 1 : Dám nghĩ, dám làm!

Bài 1 : Dám nghĩ, dám làm!

Việc dân ở Đại hội Đảng cơ sở

LTS: Tính đến nay, TPHCM đã có gần 400 cơ sở đảng tổ chức đại hội, trong đó có khoảng 300 cơ sở đảng thuộc đảng bộ quận, huyện. Trong nhiệm kỳ (2010 - 2015), các đảng bộ cơ sở đã làm được nhiều việc trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có nhiều vấn đề dân sinh được giải quyết, nhờ đó tạo sự phấn khởi, niềm tin trong nhân dân. Tuy nhiên ở vài nơi, vẫn còn nợ dân nhiều việc đã hứa từ đầu nhiệm kỳ mà đến nay chưa làm được hoặc chưa làm đầy đủ. Báo SGGP giới thiệu loạt bài “Việc dân ở đại hội Đảng cơ sở” nhằm điểm lại việc thực hiện lời hứa của các cấp ủy, các địa phương với nhân dân.

Sau 5 năm thực hiện nghị quyết ở các đảng bộ, từ nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân, đời sống vật chất tinh thần của người dân các địa phương ngày càng được cải thiện và nâng lên; diện mạo đô thị, nông thôn có nhiều thay đổi theo hướng tích cực…

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải dự đại hội đảng bộ phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức. Ảnh: Việt Dũng

Đời sống người dân khởi sắc

Nhiệm kỳ 2010 - 2015, Đảng bộ xã Trung Lập Thượng xác định mục tiêu là phát triển nhanh bền vững; đẩy mạnh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng nông nghiệp dịch vụ nhằm nâng cao đời sống cho người dân, hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Đồng chí Lê Thị Phương Hồ, Bí thư Đảng ủy xã, nhận định: “Để giải quyết bài toán khó về chăn nuôi nhỏ lẻ (dễ phát sinh dịch bệnh, ô nhiễm), chính quyền địa phương đã mạnh dạn hướng dẫn người dân tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ nông dân để bà con chuyển sang mô hình chăn nuôi bò sữa tập trung, đạt hiệu quả kinh tế cao. Từ chỗ chỉ có 606 con bò sữa (năm 2010), đến nay nông dân Trung Lập Thượng đã tăng đàn lên 1.926 con bò (đạt 140% kế hoạch), trong đó có hơn 1.000 con đang cho sữa. Bình quân mỗi ngày người chăn nuôi thu hơn 1,5 tấn sữa, tương đương 1,5 triệu đồng/ngày”.

Lo cho người dân được an cư là một nhiệm vụ quan trọng của cấp ủy địa phương. Trong ảnh: Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà thăm hỏi người dân ở Cần Giờ trong ngày trao tặng nhà tình thương. Ảnh: VIỆT DŨNG

Theo nghị quyết, mục tiêu phát triển kinh tế cơ cấu cây trồng vật nuôi phải có sự chuyển đổi đúng định hướng. Vì vậy Đảng ủy xã đã chủ trương giảm diện tích lúa năng suất thấp, chuyển sang các loại cây trồng vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao. Từ chủ trương ra đến hành động, các tổ chức đoàn thể nông dân, cựu chiến binh, phụ nữ và Đoàn TNCS xã vận động hội viên và bà con chuyển 540ha đất lúa sang trồng bắp lai, hoa lan, cây kiểng và rau màu các loại. Tận dụng nguồn thủy lợi từ Kênh Đông, nông dân Trung Lập Thượng mở rộng quy mô các trại cá, đồng rau lên hàng chục lần. Các mô hình này cho thu nhập cao hơn trồng lúa từ 50 - 70 triệu đồng/ha. “Kinh tế khởi sắc, bà con mừng lắm”, đồng chí Lê Thị Phương Hồ vui vẻ nói.

Với quận Bình Tân, địa phương có lao động nhập cư đông nhất cả nước, Đảng ủy phường Tân Tạo đã cùng Hội LHPN quận này thí điểm mô hình “Đào tạo bảo mẫu đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người nhập cư”. Bình Tân với số dân là 655.543 người, trong đó người tạm trú lên đến 356.830 (54,4%), cho nên tình trạng trẻ em nhập cư theo cha mẹ rất đông, dẫn đến việc các trường công lập không đáp ứng đủ nhu cầu. Vậy nên mô hình thành lập Câu lạc bộ “Nhóm trẻ gia đình” tại Tân Tạo nhằm tuyên truyền kiến thức nuôi con theo khoa học; chia sẻ kinh nghiệm trong việc chăm sóc trẻ… cho người nuôi giữ trẻ và các bà mẹ là rất cần thiết. Đảng ủy phường Tân Tạo đã mở nhiều lớp tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng chăm sóc, nuôi giữ trẻ tại các nhóm, lớp mầm non trên địa bàn, thu hút hàng trăm bảo mẫu ngoài công lập tham dự. Hiện lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ bảo mẫu đầu tiên của thành phố (thí điểm tại Bình Tân) đã có 75 học viên tốt nghiệp. Từ chỗ là “dân tay ngang”, nhiều người đã được cấp giấy chứng nhận bảo mẫu. Qua đó, 60 nhóm trẻ gia đình đã đủ điều kiện và được cấp phép hoạt động, 21 nhóm khác bị buộc giải thể... Mô hình và cách làm của Đảng ủy phường Tân Tạo chắc chắn sẽ được nhân rộng, đáp ứng nhu cầu hàng trăm ngàn lao động nhập cư, cũng là cách để đảm bảo an sinh xã hội và trật tự trị an trên địa bàn. Anh Cao Thế Tuyến (tạm trú khu phố 1, phường Tân Tạo) vui mừng: “Tôi được phường bảo lãnh đưa con hơn tám tháng tuổi vào nơi giữ trẻ an toàn, không lo cháu bị ngược đãi. Vợ chồng tôi sẽ an tâm khi đi làm công nhân”.

Đồng hành cùng người nghèo

Theo Báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ phường 15 (quận 8), xuất phát điểm đầu nhiệm kỳ của phường có “nét nổi bật” là... nhiều hộ nghèo thứ hai của quận! Ngoài ra, do hạ tầng còn chưa thuận lợi nên ít doanh nghiệp đến địa phương đầu tư sản xuất kinh doanh. Vì vậy, nhiệm kỳ qua, Đảng ủy phường đã xác định “phải tập trung cải thiện tốt đời sống các gia đình chính sách, hộ nghèo”. Có nghị quyết, từng đoàn thể, từng cán bộ, đảng viên phường 15 và các khu phố đã xắn tay vào cuộc bằng cách nhận đỡ đầu hàng tháng cho 73 hộ nghèo. Kể về mô hình “Mỗi đảng viên gắn với một địa chỉ nhân đạo”, Bí thư Đảng ủy phường 15 Phạm Văn Tùng chia sẻ: “Chúng tôi vận dụng linh hoạt tất cả các nguồn vốn, từ đó hỗ trợ có hiệu quả thiết thực cho người nghèo, hộ nghèo vay làm ăn, sửa nhà cửa, buôn bán nhỏ, học nghề. Ngoài vốn, các đảng viên còn phải đeo bám từng hoàn cảnh để kịp thời có biện pháp hỗ trợ”.

Tương tự tại Đảng bộ phường 7 (quận 11), nơi có 50,9% đồng bào Hoa sinh sống, Đảng ủy phường khảo sát (giai đoạn 2014 - 2015) nhận thấy có 114 hộ nghèo và 45 hộ cận nghèo. Vì vậy Đảng ủy phường chia nhân sự, phân công các đảng ủy viên vận động mạnh thường quân trợ cấp thường xuyên bình quân từ 500.000 - 1.000.000 đồng/hộ nghèo/tháng bằng nhiều hình thức khác nhau. Mỗi năm, Đảng ủy chỉ đạo UBND cùng cấp phát trên 1.500 phần quà cho 100% thành viên hộ nghèo (490 thành viên/114 hộ nghèo), phát làm nhiều đợt kèm xét duyệt cho hộ nghèo vay sửa chữa nâng cấp nhà; vay mở cơ sở gia công hàng thủ công... Hội LHPN phường 7 còn xây dựng mô hình “Tổ giúp việc nhà” để giới thiệu việc làm cho 15 chị em phụ bán hàng, giặt đồ, nhận hàng gia công, giúp việc nhà... với mức thu nhập 60.000 đồng/giờ công lao động. Đây cũng là mô hình thiết thực hiệu quả giúp các chị em có thêm nguồn thu nhập, ổn định kinh tế. Ngoài ra Đảng ủy phường còn chỉ đạo UBND phường hướng dẫn phương án cho các hộ nghèo tham gia chương trình “Xe bánh mì cộng đồng”. Trong Báo cáo chính trị trình đại hội (nhiệm kỳ 2015 - 2020), Đảng ủy phường 7 vui mừng thông tin: “Hiện phường 7 không còn hộ nghèo”.

Trực tiếp dự một số đảng bộ tổ chức đại hội, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM chỉ đạo: “Tháng 6-2015 sẽ hoàn thành đại hội đảng bộ cơ sở. Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM chỉ đạo các đảng bộ cơ sở (nhiệm kỳ 2015 - 2020) phải tập trung vào nội dung “lo cho dân”. Nghị quyết của từng đảng bộ cơ sở dù là loại hình nào đều phải hướng đến giải quyết những vấn đề bức xúc trong đời sống, trong lao động, trong sinh hoạt hàng ngày của nhân dân. Và biện pháp thực hiện của từng đảng bộ phải xuất phát từ tính tiên phong, gương mẫu của người đảng viên và của từng cấp ủy để nhân dân hưởng ứng, cùng tham gia thực hiện”. 

HỒNG HIỆP - MINH ANH

Tin cùng chuyên mục