Sử dụng đông dược vô tội vạ

Hiểm họa khôn lường

Hiểm họa khôn lường

Với quan niệm cho rằng: đông dược là vô hại, sử dụng thoải mái “không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc”, nhiều người đã vô tư sử dụng đông dược với mục đích phòng – chữa bệnh theo cách của mình. Nhưng ít ai nghĩ rằng chất lượng của các loại thảo dược, công dụng và tác dụng phụ của nó cũng gây hiểm họa khôn lường nếu sử dụng vô tội vạ, không có hướng dẫn của thầy thuốc.

  • Thảo dược-độc dược: khoảng cách mong manh

Những năm gần đây, bên cạnh nguy cơ bị cạn kiệt, tuyệt chủng, nguồn dược liệu ở nước ta còn đứng trước mối lo ngại “bị làm bẩn” và trở thành mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe con người. Dược liệu đã có nguy cơ trở thành độc dược bởi những kiểu làm ăn dối trá của nhiều người ham lợi trước mắt.

Hiểm họa khôn lường ảnh 1
Phố chuyên doanh đông dược trên đường Hải Thượng Lãn Ông (Q.5, TPHCM). Ảnh: CAO THĂNG

ThS.DS Trần Văn Trễ – Trưởng phòng Dược liệu, Viện Y học dân tộc tại TPHCM cho biết: Dược liệu lưu hành trên thị trường hiện nay có khoảng 60% là nhập, 40% là nguồn dược liệu trong nước.

Với nguồn dược liệu nhập, chỉ có những nhà buôn lớn mới thực hiện việc kiểm nghiệm, bảo quản theo đúng qui trình khoa học, số còn lại dường như bỏ ngỏ chuyện này. Riêng về nguồn dược liệu trong nước, ngoài một số rất ít khai thác từ thiên nhiên, còn lại chủ yếu được trồng trọt ở một số vùng chuyên canh.

 Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là ở một số vùng chuyên trồng cây thuốc hiện nay, người dân đã trồng thuốc theo quy trình như đối với cây công nghiệp, tức là cũng dùng các loại thuốc trừ sâu, phân hữu cơ, phân hóa học…

Một nghiên cứu của Th.S Nguyễn Huy Văn cùng các cộng sự ở Viện Nghiên cứu dược liệu tại Hà Nội thực hiện cho biết, ngoài việc sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, nhiều gia đình ở làng trồng thuốc nổi tiếng Nghĩa Trai, Ninh Hiệp (ven Hà Nội) còn có thói quen sấy thuốc bằng diêm sinh với lượng rất lớn. Nghiên cứu này cũng ghi nhận, hiện tượng người dân vùng này ho ra máu là chuyện bình thường.

Quá trình vận chuyển và bảo quản cũng ảnh hưởng đến chất lượng dược liệu. Nhiều nhà buôn vì ham lời nên thường tích trữ dược liệu vào mùa thu hoạch để tung ra vào lúc hàng khan hiếm mặc dù cơ sở không đủ điều kiện để bảo quản dẫn đến tình trạng dược liệu bị ẩm mốc vẫn được bán ra thị trường.

Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, khi thuốc bị nấm mốc sẽ phát sinh ra các loại độc tố có thể gây ung thư và nhiều loại bệnh nguy hiểm. Những độc tố này sẽ không hề bị mất đi kể cả sau khi sao, sắc ở nhiệt độ cao. Không những thế, để dược liệu lưu trữ lâu, nhiều người đã tẩm vào sản phẩm các hóa chất độc hại. Ví như vị nhục thung dung – vị dược liệu trước đây rất khó bảo quản, nhưng vài năm gần đây có thể để cả năm cũng không mốc do người bán đã dùng sulfua kẽm - loại hóa chất vô cùng độc hại - để phủ lên bề mặt.

  • Cao đơn hoàn tán: tai biến khôn lường

Theo DS Trần Văn Trễ, đa số thảo dược có chứa những hoạt chất tương đối hiền hòa, hợp với cơ thể con người, tuy nhiên cũng có không ít loại có hoạt tính mạnh sẽ gây ảnh hưởng không tốt, có thể gây chết người nếu sử dụng không đúng liều, đúng thời gian, không theo chỉ định của thầy thuốc như: cà độc dược, mã tiền.

Ngoài ra còn phải tùy vào thể trạng, bệnh tật của mình mà cân nhắc dùng những vị thuốc gì, tránh tình trạng “nhiệt ngộ nhiệt tắc cuồng – hàn ngộ hàn tắc tử”. Đó là chưa kể những người tự đi mua các loại thuốc cao đơn hoàn toàn về sử dụng mà không hề biết để đạt được hiệu quả trị bệnh nhanh, nhiều nhà thuốc đã trộn các hóa dược như cybroapstradin, dexamethasone, apperin… vào thuốc cao đơn hoàn tán.

Hiểm họa khôn lường ảnh 2
Phố chuyên doanh đông dược trên đường Hải Thượng Lãn Ông Q5. Ảnh: CAO THĂNG

Nguy hiểm hơn là người dùng không hề biết có những thành phần hóa dược này trong thuốc mình dùng để tránh. Ví như nhiều người mua rất tin tưởng vào các loại cao đơn hoàn tán để giúp con trẻ hay ăn chóng lớn mà không biết những mặt hàng này có trộn dexamethasone - loại hóa dược kích thích thèm ăn do có tác dụng đào thải kali, tăng lọc thận, tăng chuyển hóa đạm và đường gây ra béo giả tạo do giữ nước và muối.

Bên cạnh đó, nó gây loãng xương ở tuổi già, gây xốp xương, gãy xương và ảnh hưởng đến việc tạo cốt bào ở trẻ em. Nếu sử dụng lâu dài, sẽ gây ức chế miễn dịch, làm giảm khả năng chống đỡ bệnh tật. Vài năm gần đây, các bệnh viện nhi đã khám và điều trị cho nhiều cho nhiều trường hợp bị mắc hội chứng Cushing do sử dụng các loại thuốc cam và viên tễ kích thích trẻ em thèm ăn có trộn dexamethasone.

Nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng mặt tròn xoe giữ nước, cổ và tay chân nhỏ, tóc rậm, lông mày rậm, mọc ria, nổi trứng cá… Khoa Nam khoa của Bệnh viện Bình Dân TPHCM từng tiếp nhận nhiều trường hợp tai biến do sử dụng thuốc rối loạn cương không rõ nguồn gốc, đa số nhập lậu từ Trung Quốc. Không ít trường hợp nhập viện trễ, bác sĩ bó tay và bệnh nhân đã phải lâm cảnh bất lực suốt đời.

Dù vậy, cho đến nay, tại các khu phố kinh doanh thuốc đông y vẫn tồn tại những kiểu khám chữa bệnh hết sức lạ đời, rất nhiều người tự đến nhà thuốc kể bệnh, sau đó người bán đưa ra một lô đủ các loại thuốc bảo về uống. Tại khu vực Hải Thượng Lãn Ông, Triệu Quang Phục quận 5, các cửa hàng tại đây kinh doanh đủ loại thuốc từ thuốc chữa bệnh đến các loại thuốc tăng cường sinh lực, muốn mua bao nhiêu cũng có. Đặc điểm của loại thuốc lưu hành không phép này là tên thuốc và toa hướng dẫn sử dụng thuốc toàn là chữ Hoa, không có số đăng ký của Bộ Y tế.

BS Nguyễn Đức An – Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM thừa nhận, việc quản lý thị trường thuốc đông dược hiện nay vô cùng khó khăn, phức tạp, nhất là các loại cao đơn hoàn tán, vì đây là mặt hàng có tỷ lệ nhập lậu khá cao. Trên thực tế, khó có thể kiểm tra phân định chất lượng thuốc đông dược như tây dược vì tính chất đặc biệt của mặt hàng này.

Trong khi các ngành chức năng chưa có các biện pháp quản lý chặt chẽ việc lưu hành, buôn bán mặt hàng đông dược, theo BS An, người tiêu dùng cần bảo vệ mình trước nhất. Theo đó, chỉ nên dùng thuốc khi có chỉ định hoặc tham khảo ý kiến của các lương y, bác sĩ. Khi mua các loại thuốc cao đơn hoàn tán nên chọn loại có bảng chỉ dẫn bằng tiếng Việt ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ của thuốc, thành phần thuốc cũng như những chỉ định và tác dụng phụ, không nên tự ý “kê đơn – chọn thuốc điều trị”. 

Kim Liên

Tin cùng chuyên mục