Bồi thường tai biến tiêm chủng: Không dễ!

Dự thảo Nghị định Quy định về hoạt động tiêm chủng do Bộ Y tế xây dựng đang được người dân rất quan tâm khi có hẳn một chương quy định về việc bồi thường tai biến tiêm chủng khi sử dụng các vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Việc đưa ra những quy định cụ thể về bồi thường tai biến tiêm chủng là sự tiến bộ trong quản lý công tác tiêm chủng.
Bồi thường tai biến tiêm chủng: Không dễ!

Dự thảo Nghị định Quy định về hoạt động tiêm chủng do Bộ Y tế xây dựng đang được người dân rất quan tâm khi có hẳn một chương quy định về việc bồi thường tai biến tiêm chủng khi sử dụng các vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Việc đưa ra những quy định cụ thể về bồi thường tai biến tiêm chủng là sự tiến bộ trong quản lý công tác tiêm chủng.

Tiêm chủng cho trẻ trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Bồi thường cả sức khỏe và tinh thần

PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết đây là lần đầu tiên, một nghị định riêng quy định cụ thể về hoạt động tiêm chủng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng được Bộ Y tế xây dựng, đưa ra lấy ý kiến nhân dân và các bộ, ngành chức năng. Dự kiến nghị định này có hiệu lực vào năm 2016. Đáng chú ý, dự thảo này dành hẳn một chương quy định về việc bồi thường tai biến sau tiêm chủng. Cụ thể, nếu xảy ra tai biến nặng sau tiêm chủng, nhà nước có trách nhiệm bồi thường cho người bị tai biến nặng hoặc thân nhân người bị tai biến nặng. Những trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng do nguyên nhân sai sót trong thực hành tiêm chủng hoặc do vaccine được nhà nước bồi thường bao gồm: người được tiêm chủng bị tai biến nặng bắt buộc phải cấp cứu, điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; bị tai biến nặng để lại di chứng dẫn đến bị khuyết tật; bị tử vong.

Theo đó, trường hợp người tiêm chủng bị tai biến nặng có bảo hiểm y tế (BHYT) thì được BHYT chi trả theo quy định. Trường hợp không có thẻ BHYT cũng sẽ được nhà nước thanh toán toàn bộ chi phí. Với người bị tai biến nặng phải sử dụng các dịch vụ khám chữa bệnh có chi phí vượt mức thanh toán của BHYT thì được thanh toán phần chênh lệch theo hóa đơn nhưng mức tối đa không quá khung giá dịch vụ do liên bộ Y tế - Tài chính quy định. Đáng chú ý, quy định cũng rất cụ thể đối với từng mức độ bồi thường, nếu tai biến tiêm chủng để lại di chứng, người bị thiệt hại sẽ được hỗ trợ thêm bằng mức lương cơ sở tại thời điểm giải quyết bồi thường nếu bị tổn thương cơ thể từ 11% - 15%; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 lần mức lương cơ sở nếu bị tổn thương cơ thể từ trên 15% đến 80%. Mức hỗ trợ cao nhất bằng 30 lần mức lương cơ sở nếu bị tổn thương cơ thể từ 81% trở lên. Đồng thời, người bị thiệt hại được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi theo quy định về người khuyết tật.

Trường hợp người được tiêm chủng tử vong do vaccine hoặc sai sót trong thực hành tiêm chủng, ngoài chi phí khám chữa bệnh, thiệt hại vật chất cho người thân phải nghỉ làm không hưởng lương để chăm sóc, nhà nước sẽ hỗ trợ thêm mai táng phí bằng 10 lần mức lương cơ sở. Cùng với đó, nhà nước cũng bồi thường để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại hoặc cho người trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại... Mức bù đắp tổn thất về tinh thần bằng 10 lần mức lương cơ sở do nhà nước quy định.

Coi chừng “vừa đá bóng vừa thổi còi”

Theo đánh giá của Bộ Y tế, sau 30 năm thực hiện Chương trình tiêm chủng đã đem lại những kết quả rất lớn trong phòng chống nhiều dịch bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, thực tế trong quá trình thực hiện Chương trình tiêm chủng cũng có rất nhiều ca tai biến, tử vong đã xảy ra, nhưng số trường hợp được bồi thường là rất hiếm. Thống kê cho thấy, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2015, cả nước đã ghi nhận hơn 3.600 trường hợp phản ứng thông thường sau tiêm chủng và đặc biệt có 13 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng tại 11 tỉnh/thành phố, trong đó có 12 ca tử vong. Thế nhưng, tất cả 13 trường hợp bị tai biến nặng trên đều không được bồi thường vì sau khi xảy ra tai biến, hội đồng chuyên môn do cơ quan y tế ở các địa phương và Bộ Y tế lập ra đều tiến hành kiểm tra làm rõ nguyên nhân với kết luận 8 trường hợp do trùng hợp ngẫu nhiên về bệnh lý (chiếm 67%), 3 trường hợp tử vong không rõ nguyên nhân (chiếm 25%), 1 trường hợp do sốc phản vệ đã hồi phục và đặc biệt không có trường hợp nào tử vong do vaccine hay quy trình tiêm chủng sai sót.

Tiến sĩ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng, cho rằng với kết luận nguyên nhân như trên sẽ khiến nhiều người, đặc biệt là gia đình có trẻ nhỏ tai biến nặng sau tiêm chủng, không thực sự “tâm phục, khẩu phục”. Bởi lẽ hiện nay, toàn bộ quá trình tiêm chủng từ việc kiểm định ban đầu chất lượng vaccine, bảo quản, vận chuyển vaccine, thực hiện tiêm chủng cho tới kiểm tra đánh giá, công bố nguyên nhân tai biến sau tiêm chủng đều do cơ quan y tế thực hiện nên khó bảo đảm khách quan. Trong khi đó, một số chuyên gia y tế cho biết, còn nhiều nguyên nhân khiến cơ quan chuyên môn y tế khó có thể đưa ra kết luận chính xác về các ca tai biến sau tiêm chủng vaccine như: gia đình từ chối mổ tử thi, trẻ tiêm xong tới ngày hôm sau mới tử vong; sau khi tiêm, trẻ đột ngột nhiễm bệnh rồi tử vong... nên việc tìm ra bằng chứng rõ ràng liên quan giữa nguyên nhân tử vong sau tiêm chủng với chất lượng vaccine và quy trình tiêm chủng là không hề dễ dàng.

Vì thế, để đảm bảo khách quan và công bằng trong bồi thường và làm rõ trách nhiệm trước các ca tai biến tiêm chủng, đòi hỏi cần phải có một cơ quan hay một hội đồng độc lập với ngành y tế để giám sát, đánh giá các nguyên nhân tai biến. Nếu không thì cho dù có quy định cụ thể thế nào chăng nữa về hoạt động tiêm chủng, người dân vẫn sẽ khó có thể nhận được bồi thường khi xảy ra tai biến tiêm chủng.

TRUNG KIÊN

Tin cùng chuyên mục