“Quả ngọt” mang thai hộ

Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) có hiệu lực từ 1-1-2015 và Nghị định 10/2015 có hiệu lực từ 15-3-2015 đã như “phao cứu sinh” hạnh phúc cho nhiều đôi vợ chồng hiếm muộn, bởi cho phép mang thai hộ. Và chỉ sau đó 1 năm, ngày 22-1-2016, Việt Nam đã lần đầu tiên đón nhận em bé chào đời từ mang thai hộ, đánh dấu một nét son mới của ngành y tế và cũng là bước tiến bộ đầy nhân văn đáng ghi nhận.
“Quả ngọt” mang thai hộ

Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) có hiệu lực từ 1-1-2015 và Nghị định 10/2015 có hiệu lực từ 15-3-2015 đã như “phao cứu sinh” hạnh phúc cho nhiều đôi vợ chồng hiếm muộn, bởi cho phép mang thai hộ. Và chỉ sau đó 1 năm, ngày 22-1-2016, Việt Nam đã lần đầu tiên đón nhận em bé chào đời từ mang thai hộ, đánh dấu một nét son mới của ngành y tế và cũng là bước tiến bộ đầy nhân văn đáng ghi nhận.

Nối dài niềm hạnh phúc

Ngày 22-1-2016, Bệnh viện (BV) Phụ sản Trung ương đã đón chào công dân đầu tiên ra đời bằng kỹ thuật mang thai hộ (MTH). Bé gái được đặt tên Đinh Quỳnh Anh ra khỏi bụng mẹ ở tuần thai thứ 38, nặng 3,6kg, là con của chị Nguyễn Thị Hà (ngụ tại Hà Nam). Vợ chồng chị Hà lấy nhau đã 18 năm, không có con do chị bị tử cung nhỏ bẩm sinh. Vợ chồng chị cố gắng chạy chữa vẫn không có kết quả. Ngay khi biết luật cho phép, vợ chồng chị liền nhờ người cô họ MTH. Bác sĩ đã tiến hành lấy noãn của chị và tinh trùng của chồng, sau đó cấy phôi vào người MTH và bắt đầu thụ thai từ tháng 3-2015…

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong một lần thăm hỏi các sản phụ tại BV Phụ sản Từ Dũ TPHCM

Hiện đã có hơn 10 ca MTH thành công (trong số hàng trăm hồ sơ chờ xin được duyệt), thực hiện tại BV Phụ sản Trung ương. Tương tự, ngày 28-7-2016,  BV Trung ương Huế (đại diện cho khu vực miền Trung được phép triển khai kỹ thuật MTH) cũng đón chào bé gái đầu tiên từ kỹ thuật MTH khỏe mạnh, nặng 3,5kg; là con của đôi vợ chồng (ngụ thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) đã kết hôn được 8 năm nhưng không thể tự mang thai do người vợ bị cắt tử cung… Đến nay, BV Trung ương Huế cũng đã tiếp nhận hồ sơ, thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm thành công cho gần 10 trường hợp. Trong khi đó, dù “quả ngọt” đến sau, nhưng BV Phụ sản Từ Dũ TPHCM (đại diện được phép thực hiện MTH tại khu vực phía Nam) lại đặc biệt hơn vì đón nhận một ca sinh đôi thành công nhờ MTH. Đó là ngày 17-9-2015, BV thông báo đã thực hiện thành công trường hợp MTH song thai của 1 phụ nữ quê ở Khánh Hòa, 28 tuổi, bị khiếm khuyết ở hệ sinh dục (mắc chứng tử cung nhi hóa, không có cổ tử cung). Người MTH là người chị họ, 33 tuổi…

Theo Bộ Y tế, tính đến nay cả nước đã có 30 trường hợp sinh con nhờ MTH thành công. Cùng với đó là có khoảng gần 500 hồ sơ MTH được duyệt trong số hàng ngàn hồ sơ đăng ký.

Cẩn trọng việc thương mại hóa

Theo các chuyên gia y tế, hiện nhu cầu MTH ở nước ta rất lớn. Điều này xuất phát từ thực tế hiếm muộn đang gia tăng, ngay cả trong giới trẻ. Theo bác sĩ  Lê Thị Minh Châu, Trưởng khoa Hiếm muộn BV Phụ sản Từ Dũ, lượng cặp vợ chồng hiếm muộn đến khám ngày càng tăng. Bình quân mỗi ngày, BV tiếp nhận trung bình 300 - 400 lượt bệnh nhân đến tư vấn về hiếm muộn. Tại Khoa Thụ tinh trong ống nghiệm của BV Vạn Hạnh TPHCM (IVF), Đơn vị Hỗ trợ sinh sản BV An Sinh TPHCM (IVFAS) cũng tiếp nhận hàng trăm trường hợp tư vấn, điều trị vô sinh, hiếm muộn mỗi tháng. Theo bác sĩ  Hồ Mạnh Tường, Tổng Thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TPHCM, tỷ lệ vô sinh của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ (15 - 49) vừa được Bộ Y tế công bố là 7,7% . Điều này khá phù hợp với kết quả nghiên cứu dịch tễ toàn quốc với 14.300 cặp vợ chồng do BV Phụ sản Trung ương và Đại học Y Hà Nội tiến hành, ước tính có trên 1 triệu cặp vợ chồng bị hiếm muộn cần khám và điều trị. Trong đó, khoảng 50% nguyên nhân thuộc về nữ giới.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TPHCM, cho rằng đời sống sinh hoạt, công việc và môi trường đang ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe sinh sản. Bên cạnh các nguyên nhân vô sinh do bệnh lý (u xơ tử cung, dị dạng tử cung - âm đạo, buồng trứng đa nang…), vấn đề nạo phá thai không an toàn, viêm nhiễm sinh dục, viêm vùng chậu cũng góp phần tăng tỷ lệ hiếm muộn ở nữ giới. Đối với nam giới, tình trạng vô sinh có thể do bất thường về số lượng và chất lượng tinh trùng, rối loạn quá trình sinh trưởng của tinh trùng... Mặc dù đi sau các nước hàng chục năm nhưng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm của Việt Nam đang đứng tốp đầu thế giới và nhất nhì khu vực Đông Nam Á. Hàng năm, các trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm của nước ta thu hút gần 1.000 cặp vợ chồng khắp các nước (70% là Việt kiều) đến khám, điều trị và tỷ lệ thành công rất lớn. Theo bác sĩ Lê Quang Thanh, Giám đốc BV Phụ sản Từ Dũ TPHCM, MTH cũng là một kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và có tỷ lệ thành công vào khoảng 45%, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

Các chuyên gia y tế thừa nhận cho phép MTH là tiến bộ nhân văn. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp nên việc thực hiện cho MTH phải chặt chẽ cả về tâm lý, pháp lý, tránh tình trạng thương mại. Trong đó, những hồ sơ xin xét duyện cần thẩm định lý lịch thân nhân của người MTH, đặc biệt đối với việc người nước ngoài MTH hoặc “lách luật” để sinh con ngoài giá thú. Trong khi Nghị định 10/2015 quy định sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện MTH chỉ vì mục đích nhân đạo. “Các trường hợp có chỉ định y khoa cho phép thực hiện kỹ thuật MTH như người vợ không có tử cung, dị tật bẩm sinh tử cung, bị cắt tử cung hoặc thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm nhiều lần vẫn không kết quả… thì mới được thực hiện”, bác sĩ Lê Thị Minh Châu cho biết. Tuy nhiên, việc yêu cầu xác định người thân cùng hàng khi nhờ MTH là khá khó khăn, đòi hỏi các BV cần xác minh từ sở tư pháp hoặc hợp đồng với các văn phòng luật sư để thực hiện một cách chặt chẽ.

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục