Đã từ lâu, chuyện đào tạo tiến sĩ ở nước ta đã trở thành chuyện “khổ lắm, nói mãi!” với vô khối những chi tiết có thật và cả đơm đặt. Người bi quan chặc lưỡi: Thì nó là vậy. Cứ coi mấy thầy đầu ngành còn cãi nhau ỏm tỏi về mấy cuốn sách “quên” không ghi “xuất xứ”. Những ý tưởng chính để làm tiến sĩ đâu có quá khó. Họ còn mạnh bạo quả quyết cái dự án xây cất Văn Miếu mới của một công ty tư nhân với bia khắc nhân thân tọa lạc trên thân rùa (khác xưa là có trả tiền) xem ra… cũng xứng tầm thời đại!
Nhưng bỏ qua những tiểu tiết của một bức họa còn dang dở, những người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục nước nhà vẫn đau đáu hy vọng các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ vẫn là trụ chống để đất nước phát triển đi lên. Và bởi vậy, chủ trương đến năm 2020 phải đào tạo được 20.000 tiến sĩ - tuy cũng là phương án “nâng cấp” hình thức cho đội ngũ giảng viên hiện nay - vẫn hết sức cần thiết và là phương hướng đúng. Vấn đề đặt ra chỉ ở chỗ làm sao để “lượng” mau chóng chuyển biến thành “chất”, làm sao để bằng tiến sĩ có giá trị thực chất chứ không phải là đồ trang sức hoặc làm sức bật cho chiếc ghế “cán bộ quản lý”.
Hiện tại tỷ lệ giảng viên có bằng tiến sĩ (trình độ thì lại là một phạm trù khác) trong các trường đại học mới đạt khoảng 10%-20%. Đây rõ ràng là điều không thể chấp nhận. Vì thà rằng đừng có trường đại học còn hơn là tình trạng chỉ vài tiến sĩ và thạc sĩ kết hợp các trường cao đẳng là mở được trường để chiêu sinh bừa bãi như thực tế đang xảy ra. Điều đáng tiếc là cứ mỗi mùa tuyển sinh chúng ta lại dằn vặt nhau bằng câu hỏi nhói tim: Lỗi tại ai mà chất lượng đầu vào và đầu ra kém vậy?
Nhiều người thở dài nói là do lỗi hệ thống đào tạo, trước tiên là lỗi… thầy vì “thầy sao thì trò vậy”. Họ dẫn chứng: Về nguyên tắc, với khoảng 1,8 triệu học sinh tốt nghiệp THPT thì phải có ít nhất 1/2 - 1/3 số đó buộc phải được ngồi tiếp trên ghế giảng đường đại học. Và không thể cứ “đánh đố” học sinh bằng các kỳ thi triền miên để “quẳng” hàng năm đến hơn 1 triệu học sinh ra xã hội trong khi vẫn chưa tạo ra một nghề khả dĩ kiếm sống được. Âu là điều đó cũng có lý. Và càng có lý hơn khi không thể nói rằng lớp trẻ ngày nay kém hơn các thế hệ trước.
Bởi vậy, trở lại với vấn đề 20.000 tiến sĩ, dễ thấy cơ quan chủ quản là Bộ GD-ĐT vẫn cứ run rẩy, kém tự tin trên con đường mình hình dung là đúng hướng. Và dẫn chứng cụ thể là vụ việc dừng đào tạo tiến sĩ ở 101 chuyên ngành: Trước đây thì “mở” hết cỡ, “mở” đến mức ai “xin” cũng “cho” (tất nhiên là có điều kiện), song giờ trước dư luận về “hậu kiểm” thì lại “đóng” chặt. Việc “đóng” là đúng nếu không đảm bảo các tiêu chí về chất lượng nhưng liệu Bộ có nắm chắc thực tế từng ngành đào tạo theo như một khẩu hiệu nổi tiếng ở TPHCM thời “ba giảm” là “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”?
Cũng cần nói rằng tuy mặt bằng đào tạo tiến sĩ ở các nước có cao hơn Việt Nam, nhưng không phải là quá cao, quá khó với trí tuệ Việt. Thậm chí có trường hợp ngược lại là “ta” hướng dẫn luận án tiến sĩ cho “tây” như TS Lê Xuân Thám, một chuyên gia nổi tiếng về sinh học thực vật, sinh học nấm, ứng dụng kỹ thuật hạt nhân… đã cùng GS A. Suzuki - Chủ tịch Hội Nấm học Nhật Bản và châu Á đồng hướng dẫn cho 1 nghiên cứu sinh người Nhật bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Đại học Chiba (Nhật Bản) với đề tài xuất phát từ Việt Nam.
Với tiến trình hội nhập, khi cơ sở vật chất cho KHCN được tăng cường, mọi người sẽ thấy khoảng cách của luận án tiến sĩ trong và ngoài nước sẽ thu hẹp, không còn cách biệt “một trời, một vực” như trước đây. Vì đơn giản cái mới và tính sáng tạo trong khoa học - như kim cương - vẫn phát lộ trong vỉa quặng của con người, những con người không muốn nép mình - sao chép người khác. Và đó là ý chí, tư cách của con người muốn tìm lối đi riêng, khẳng định mình, khẳng định “đạo học” không bao giờ phôi pha theo năm tháng.
Bích An