(SGGP). – Ngày 11-3, Trung tâm Nghiên cứu phát triển truyền thông (thuộc Bộ KH-CN) đã tổ chức giao lưu trực tuyến “Hướng tới nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam”. Đến thời điểm này, Việt Nam đang trên lộ trình tiến đến xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.
Thứ trưởng Bộ KH-CN Lê Đình Tiến khẳng định, tại thời điểm này Việt Nam có 4 lý do để có thể xây dựng nhà máy điện hạt nhân gồm: các nguồn năng lượng hóa thạch cũng như thủy điện trong nước cũng như trên thế giới đang cạn kiệt; nhu cầu năng lượng của Việt Nam hiện tại và tương lai ở tình trạng thiếu; năng lượng hạt nhân hiện nay đã đảm bảo tính an toàn cao và hiệu quả kinh tế cũng cao; điện hạt nhân giảm được khí thải nhà kính.
PGS-TS Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử, cho rằng lợi ích trước tiên của việc phát triển điện hạt nhân là góp phần đảm bảo về an ninh cung cấp điện năng cho đất nước, phục vụ quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Tuy nhiên, theo ông Tấn, vẫn tồn tại những khó khăn đối với Việt Nam. “Điện hạt nhân là một công nghệ mới đối với chúng ta. Chúng ta còn thiếu nguồn nhân lực, đặc biệt những nhân lực có trình độ cao về điện hạt nhân. Chúng ta còn thiếu những khuôn khổ pháp lý cần thiết mà hiện nay vẫn đang phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện. Ngoài ra, năng lực tài chính của chúng ta cũng hạn chế trong khi nhu cầu đầu tư dự án điện hạt nhân rất lớn” – PGS-TS Vương Hữu Tấn khẳng định.
TS Hoàng Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử (Bộ KH-CN) cho biết, diện tích cho mỗi dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân khoảng 500ha. Theo kế hoạch, số hộ dân cần di dời để xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 là 156 hộ (khoảng 650 người) và dự án Ninh Thuận 2 là 611 hộ (trên 2.000 người).
Công tác tái định cư, xây dựng cơ sở hạ tầng và giao thông cho dự án đang được tích cực chuẩn bị để đảm bảo tiến độ. Theo kế hoạch, năm 2014 Việt Nam sẽ khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên và sau năm 2020 tổ máy đầu tiên có thể phát điện
TRẦN LƯU