Mọi sự so sánh vốn khập khiễng! Vậy nhưng sự khập khiễng – nhiều khi rất rõ ràng – vẫn chưa phải đã đặt được dấu chấm hết cho mọi sự so sánh!
Tại phiên họp gần đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 12, nhiều ý kiến cho rằng cần dừng việc thực hiện thí điểm Đề án tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy mà Quốc hội khóa 11 đã đề ra. Lý do của yêu cầu này là vì đề án đã tốn quá nhiều tiền mà hiệu quả thì không có mấy.
Nhận xét ấy, nếu chỉ xem xét trên số lượng tiền tệ, cũng đã không mấy thuyết phục!
Theo số liệu của UBND TPHCM, trong 5 năm thực hiện thí điểm đề án nói trên, thành phố đã chi tổng cộng hơn 1.200 tỷ đồng, trong đó, chi cho xây dựng cơ sở vật chất hơn 460 tỷ đồng, số còn lại dành chi thường xuyên cho công tác quản lý, dạy nghề, giải quyết việc làm, chăm sóc y tế, tái hòa nhập cộng đồng cho hơn 30.000 người nghiện. Đem chia tổng số tiền đã đầu tư ấy với số lượng người nghiện, tính ra bình quân thành phố phải chi mỗi tháng cho mỗi người nghiện khoảng 423.000 đồng.
Trong khi đó, theo ước tính của các tổ chức xã hội dựa theo các cuộc điều tra xã hội học, nếu không cai nghiện, bình quân mỗi ngày mỗi người nghiện phải chi ít nhất 50.000 đồng mua ma túy. Vị chi mỗi tháng, họ cần ít nhất 3 triệu đồng cho chất bột trắng nguy hại này. Và 5 năm qua, nếu 30.000 người nghiện nói trên vẫn tiếp tục sử dụng ma túy, số tiền chi cho ma túy của họ lên đến gần 3.000 tỷ đồng! (Tất cả họ, khi vào trường, trung tâm, đều cắt được cơn nghiện sau vài tuần. Nhu cầu về ma túy của họ đã chấm dứt, trừ khi họ tái nghiện).
Rõ ràng, 1.200 phải nhỏ hơn gần 3.000. Và 423.000 đồng/tháng chắc chắn phải ít hơn 3 triệu đồng/tháng!
Có người cho rằng con số 1.200 tỷ đồng là tiền ngân sách, tiền thực chi. Còn con số gần 3.000 tỷ đồng, nếu có, là tiền của các gia đình, chưa kể đó chỉ là con số ước đoán. Vâng, con số ước đoán nhưng chắc chắn không phải là con số ảo. Bởi người nghiện không thể một ngày sống thiếu thuốc. Chuyện này chắc không phải chứng minh thêm. Còn tiền của gia đình? Thế chẳng lẽ tiền ngân sách không phải là tiền có từ sức dân?
Ở một khía cạnh khác, đề án tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy, trước hết, là một đề án mang tính xã hội. Việc cân đong đo đếm hiệu quả của đề án xã hội bằng sự thẩm định mang nhiều tính định lượng kinh tế, sẽ không thể là một đánh giá toàn diện.
5 năm thực hiện đề án, số lượng người nghiện vào các trường trại để cai nghiện tập trung tăng lên qua từng năm: 7.000, 9.000, 15.000, 23.000 và cuối cùng là hơn 30.000 người. Giả dụ con số 30.000 người nghiện ấy 5 năm qua vẫn ở ngoài xã hội, điều gì sẽ xảy ra? Theo một nghiên cứu của một tổ chức xã hội nước ngoài, bình quân 1 người nghiện có thể lôi kéo thêm ít nhất 3 người khác cùng nghiện trong vòng 1 đến 2 năm! Và còn gì nữa? Lượng cầu ma túy lớn sẽ kéo theo hàng loạt hệ lụy: mua bán ma túy gia tăng, tội phạm gia tăng... Bất ổn xã hội là vô cùng lớn!
Cũng 5 năm thực hiện đề án, trái với sự tăng dần của số lượng người nghiện vào các trường, trung tâm, số lượng các vụ phạm pháp hình sự - mà chiếm đến hơn 60% trong số đó là những vụ do con nghiện gây ra – giảm dần: từ 16.000 vụ năm 1999 còn 9.000 vụ các năm 2006, 2007; giảm dần tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm đối tượng tiêm chích chỉ còn 42,5% vào năm 2006 so với 82% của năm 2001…
Bệnh AIDS là căn bệnh thế kỷ. Phần đông những người mắc bệnh này đều liên quan đến ma túy. Để giành giật từng thời gian sống cho họ, xã hội và mỗi gia đình đang phải nỗ lực rất nhiều, tốn kém rất nhiều từ sức lực, tiền bạc đến tinh thần. Vậy mà gần như chúng ta luôn phải bất lực và đau đớn nhìn họ - toàn những con người trẻ - ra đi. Bớt một người nhiễm HIV, chúng ta bớt được bao nhiêu chi phí, góp phần làm giảm được bao nhiêu thương tổn về tinh thần, tình cảm cho xã hội và mỗi gia đình, làm trong sạch được bao nhiêu xã hội mà chúng ta đang sống? Đã có ai quy đổi được tất cả những điều ấy thành tiền? Nếu chưa tính đúng, tính đủ được tất cả mọi yếu tố ấy thì con số hơn 1.200 tỷ đồng của TPHCM hay vài trăm, vài ngàn tỷ đồng của các địa phương khác hoặc của cả nước đầu tư cho đề án chưa thể gọi là hoang phí!
Chúng ta tuyên chiến với lãng phí, không thể lãng phí nếu muốn phát triển đất nước. Nhưng cuộc chiến với ma túy là cuộc chiến giành lại từng con người, lại toàn là những con người trẻ - vốn liếng, tài sản quý giá nhất của quốc gia – ra khỏi cái chết trắng. Cuộc chiến ấy vừa hữu hình vừa vô hình. Trong cái ma trận ấy, mỗi một chiến thắng, dù rất nhỏ, cũng là chiến thắng vô cùng quý giá mà đôi khi tiền bạc không đổi được.
Hy vọng trong kỳ họp này, Quốc hội sẽ khẳng định điều đó.
Trúc Quân