Hôm nay, chúng ta kỷ niệm 103 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8 tháng 3 và 1.973 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng trong sự quan tâm chung của toàn xã hội và của mỗi gia đình. Đây cũng là dịp nhắc nhở, đề cao vai trò phụ nữ.
Đối với phụ nữ, dường như vai trò, chức phận của họ xưa nay vẫn vậy, có khác chăng là khác ở nội hàm. Trong gia đình, phụ nữ như là “nội tướng” - sinh con, nuôi dạy con, tổ chức cuộc sống, “giữ lửa” gia đình… Đối với xã hội, khi đất nước bị xâm lăng, người phụ nữ tiễn chồng con ra trận, ở lại hậu phương sản xuất nuôi quân. Và đến lượt mình, cũng lại xông pha, cũng là đội quân tóc dài - “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, “còn cái lai quần cũng đánh”.
Truyền thống của Bà Trưng, Bà Triệu, của những nữ anh hùng, của những bà mẹ Việt Nam anh hùng… luôn là niềm tự hào, khắc họa chân dung “anh hùng bất khuất, trung hậu đảm đang” - vẻ đẹp thuần khiết và rạng rỡ của phụ nữ Việt Nam. Với thân phận của mình, người phụ nữ như hiểu đất nước của mình hơn về cả sự hy sinh và niềm vinh quang. Chính vì thế, thơ ca về cái đẹp, về đức hy sinh của người mẹ thuộc vào loại hay nhất. Và bài hát về mẹ cũng là một trong những bài hát hay nhất.
Ngày nay, trong thời kỳ xây dựng đất nước, phụ nữ đã có mặt trên các lĩnh vực và có những lĩnh vực khá nổi trội. Chiếm trên 48% lực lượng lao động xã hội, phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. Trong đó có 68% lao động nữ sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp; 69,9% trong ngành chế biến, dệt may, dịch vụ; 63% ngành y; 47,3% trong lĩnh vực có yêu cầu kỹ thuật, công nghệ cao. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta luôn tạo điều kiện phát huy vai trò phụ nữ. Từ bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 đến Luật Bình đẳng giới năm 2006 là một bước khá dài nhằm tạo cơ sở pháp lý nâng cao vị thế phụ nữ trong xã hội.
Hiện nay, Quốc hội Việt Nam có 24,4% nữ đại biểu; 31% cán bộ nữ trong cơ quan hành chính từ cấp huyện trở lên; 20,6% phụ nữ tham gia công tác quản lý; 30% là chủ doanh nghiệp, 49,4% hộ gia đình sản xuất kinh doanh do phụ nữ làm chủ. Hiện đã có 50% nữ sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng; nữ thủ khoa chiếm 61,6% trong kỳ tuyển sinh và tốt nghiệp đại học năm 2011. Nữ trí thức tiếp tục tăng cả về số và chất lượng với gần 40% nữ thạc sĩ; 17,1% nữ tiến sĩ. Tuy nhiên, nữ tham gia quản lý, hoạch định chính sách chưa nhiều. Mặc dù điều đó có lợi trong việc góp phần đưa đất nước phát triển bền vững như đánh giá của các chuyên gia.
Bộ Chính trị có Nghị quyết 11 về Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhưng sự quan tâm đối với cán bộ nữ còn tùy thuộc vào sự chuyển biến về nhận thức và nhất là người đứng đầu.
Trong thực tế, nơi nào có người đứng đầu quan tâm, nơi đó có tỷ lệ cán bộ nữ khá hơn. Nhưng nơi nào, tỷ lệ nữ không đạt yêu cầu cũng không ai có trách nhiệm giải trình. Chính vì thế, khi lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, nhiều người bày tỏ mong muốn là cần có thể chế đầy đủ hơn nhằm thực hiện bình đẳng giới, nhất là tạo sự bình đẳng về cơ hội. Tuy nhiên, dù được tạo điều kiện cống hiến và vươn ra xã hội đến đâu, trong thâm tâm người phụ nữ vẫn thấy trách nhiệm nặng nề đối với gia đình, có niềm vui thực hiện thiên chức làm mẹ, nuôi dạy con cái. Việc làm người thầy đầu đời của con, nhất là việc giúp con hình thành nhân cách từ tuổi mầm non… là điều không dễ dàng. Tình thương yêu của cha mẹ luôn là sức mạnh nâng bước cho con khôn lớn, trưởng thành.
Nhưng cùng với tình thương là sự hiểu biết, là kiến thức và biết cách dạy con thời hiện đại. Trong đó, việc giữ gìn nền nếp, gia phong đòi hỏi sự gia công, vun đắp của cả cha lẫn mẹ. Tấm gương của cha mẹ là hình ảnh đẹp, gần gũi, là suối nguồn nuôi dưỡng những đứa con có cốt cách và tâm hồn trong lành, hướng thiện. Mỗi gia đình yên vui, lành mạnh, hạnh phúc, thật sự có ý nghĩa biết bao trong đại gia đình lớn của đất nước, của dân tộc chúng ta.
Phụ nữ thời hiện đại, cho dù có những điều kiện thuận lợi hơn so với trước nhưng với vai trò của họ, vẫn luôn nặng gánh việc xã hội, việc gia đình. Cho dù họ vẫn lặng lẽ phấn đấu, nhưng rất cần sự tiếp sức. Và phải chăng nam giới và xã hội chúng ta đã, đang và vẫn sẽ luôn đồng hành, chia sẻ và tiếp sức cùng giới nữ.
Phạm Phương Thảo