Cụ thể, trong kỳ báo cáo (từ 1-10-2018 đến 31-3-2019), Tòa án Nhân dân các cấp đã thụ lý 9.305 vụ án hành chính, tăng 2.306 vụ so với cùng kỳ năm 2018; đã giải quyết, xét xử được 3.965 vụ, tăng 1.702 vụ so với cùng kỳ năm 2018 (đạt tỷ lệ 42,6 %).
Trong đó, thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 6.902 vụ, đã giải quyết, xét xử 3.022 vụ; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 2.316 vụ, đã giải quyết, xét xử 882 vụ; thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 87 vụ, đã giải quyết, xét xử 61 vụ.
Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy là 3,75%, giảm 0,71% so với cùng kỳ năm 2018 (do nguyên nhân chủ quan 2,72%, và do nguyên nhân khách quan 1,03%); bị sửa là 3,53%, giảm 0,35% so với cùng kỳ năm 2018 (do nguyên nhân chủ quan 2,87 % và do nguyên nhân khách quan là 0,66%).
Toà án Nhân dân các cấp đã giải thích, đính chính hoặc kháng nghị đối với 2 bản án do tuyên không rõ ràng, gây khó khăn cho công tác thi hành án.
Bên cạnh án hành chính, công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, tổng số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà Tòa án Nhân dân Tối cao và các Tòa án Nhân dân Cấp cao cũng gặp khó khăn. Số đơn/ vụ phải giải quyết là 13.130 đơn/vụ; đã giải quyết được 4.671 đơn/vụ, đạt tỷ lệ 36,6%. Trong tổng số 4.671 đơn/vụ đã giải quyết, tòa án trả lời cho các đương sự là không có căn cứ kháng nghị 4.481 đơn/vụ; kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 190 đơn/vụ.
Bản báo cáo nhận định: “Về cơ bản đã khắc phục được tình trạng đã trả lời cho đương sự là không có căn cứ kháng nghị, nhưng sau đó Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao lại phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có sai lầm nghiêm trọng và phải kháng nghị để giải quyết vụ án theo trình tự giám đốc thẩm. Quá trình giải quyết, các tòa án đã tập trung rà soát, phân loại để xem xét, giải quyết các đơn sắp hết thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, đảm bảo không để các vụ việc quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật”.