Thời của đất cao tốc
Dọc các tuyến đường chính lẫn đường lô dẫn vào Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh), nhiều bảng rao bán đất nền treo trên cột điện, tường rào, cây xanh ghi vắn tắt diện tích đất, giá bán, điện thoại liên hệ.
Trong vai người tìm mua đất, PV liên hệ số điện thoại ghi trên biển quảng cáo bán đất cao tốc TPHCM - Mộc Bài. Chỉ vài phút chờ đợi, một người tên Lộc cho biết là nhân viên kinh doanh của một công ty bất động sản tại xã Phước Đông, huyện Gò Dầu (Tây Ninh) đã xuất hiện. Anh này tích cực tư vấn và dẫn chúng tôi đi xem “đất cao tốc” xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu. Khu đất đang rao bán gồm 11 lô đất nền, mỗi lô rộng 5m, dài bình quân 24m, thổ cư 100%, giá từ 490 - 560 triệu đồng. Riêng 1 lô nằm ngay góc đường 2 mặt tiền, giá trên 1 tỷ đồng. Khách mua đất sẽ được công ty khuyến mãi tặng 40 triệu đồng. “Nền đất này chỉ 5 - 6 tuần là ra giấy và lên thổ cư. Nền đất em bán nằm cách đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài hơn 1km”, Lộc nói.
Hỏi tại sao rao bán đất nền cao tốc, mà khu đất này lại nằm xa đường cao tốc, Lộc phân trần: “Anh mà mua sát cao tốc có thể mất đất, rất nguy hiểm. Giai đoạn 2 cao tốc thi công, nếu biết thông tin quy hoạch chỗ nào em sẽ báo anh, chứ giờ vị trí đường mở cao tốc chưa biết chính xác, ngay cả địa chính cũng không biết. Nếu đường cao tốc xê dịch một chút thôi, cũng có thể trật vài kilômét là chuyện bình thường. Hiện tại chỉ có cắm mốc cao tốc từ TPHCM đến thị xã Trảng Bàng (Tây Ninh), đoạn còn lại chưa cắm mốc, nên không biết đâu mà lần”.
Một người làm trong công ty bất động sản tại huyện Gò Dầu cho hay, công ty có 120 lô đất nền nằm trên đường đấu nối với cao tốc, bán đã gần hết. Đất nền này là đất trồng cây hàng năm, công ty mua lại, phân lô bán nền...
Cẩn trọng khi mua bán đất cao tốc
Dù chưa có thông tin rõ ràng về vị trí đường cao tốc sẽ đi ngang, nhưng giá đất tại huyện Bến Cầu, gần Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài được chào bán tăng hơn so với giá thị trường. Có những khu đất gần cao tốc hoặc nằm trên đường đấu nối với cao tốc được thổi giá lên tầm 90 triệu đồng/m ngang, chưa có thổ cư. Việc mua đất chưa có thổ cư nếu trong quy hoạch đường cao tốc, Nhà nước thu hồi thì mức hỗ trợ, đền bù sẽ thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Những khu đất nào nằm trên đường đấu nối vào cao tốc, nếu đã lên thổ cư, giá bán càng đắt đỏ.
Theo anh Phương, đại diện Công ty CP Địa ốc bất động sản Đất Phương Nam (Tây Ninh), giai đoạn 1 của Dự án đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài, 2020-2023, chỉ mới làm từ TPHCM lên tới thị xã Trảng Bàng (Tây Ninh), đất nền công ty đang rao bán nằm ở vị trí trên đường đấu nối với cao tốc. Dọc cao tốc, có những khu vực được đầu tư đường đấu nối, cụ thể như tại các huyện Gò Dầu, Bến Cầu và thị xã Trảng Bàng, vị trí chính xác đường cao tốc đi qua khu vực nào, các công ty bất động sản không thể biết được, Nhà nước không công bố vì sợ tình trạng đầu cơ đất.
Thời gian gần đây, việc chủ đất hoặc công ty bất động sản đặt vấn đề giao dịch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp lên thổ cư cho khu đất nằm trong quy hoạch đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài đều không được ngành chức năng tại Tây Ninh phê duyệt.
Ông Trịnh Văn Đồng, Trưởng phòng TN-MT huyện Bến Cầu (Tây Ninh) cho biết: “Người dân khi mua đất tại huyện Bến Cầu cần liên hệ Phòng TN-MT huyện để biết thửa đất đó có nằm trong quy hoạch cao tốc hay không. Dự án có lộ giới quy hoạch rõ ràng. Phòng phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất của huyện để xác định vị trí đất. Những thửa đất nào chưa có thông báo thu hồi để làm cao tốc, vẫn được giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất bình thường”.
Dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài (Tây Ninh) có tổng vốn đầu tư gần 10.700 tỷ đồng, được triển khai chính thức thi công vào tháng 3-2021 và hoàn thành vào dịp 30-4-2025. Tuyến cao tốc có tổng chiều dài trên 53km, bắt đầu từ đường Vành đai 3 (huyện Hóc Môn, TPHCM) kết nối với Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. Khi tuyến đường cao tốc này hoàn thành sẽ rút ngắn hành trình từ TPHCM đến Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với hành lang kinh tế Đông - Tây, hệ thống đường xuyên Á qua cao tốc Phnom Penh - Bavet của Campuchia. |