An toàn kết nối toàn cầu

Sự cố đứt tuyến cáp quang biển AAG (Asia America Gateway) ngày 5-1 làm mất ít nhất 40% lưu lượng kết nối từ Việt Nam đi quốc tế, khiến Internet của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề, làm dấy dư luận: Phải chăng AAG có vấn đề trong quá trình thiết kế, xây dựng, vận hành và Việt Nam quá phụ thuộc sự “sống còn” vào AAG trong dịch vụ Internet?

Sự cố đứt tuyến cáp quang biển AAG (Asia America Gateway) ngày 5-1 làm mất ít nhất 40% lưu lượng kết nối từ Việt Nam đi quốc tế, khiến Internet của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề, làm dấy dư luận: Phải chăng AAG có vấn đề trong quá trình thiết kế, xây dựng, vận hành và Việt Nam quá phụ thuộc sự “sống còn” vào AAG trong dịch vụ Internet?

Đến ngày 6-1, FPT Telecom cho biết, đơn vị điều hành tuyến cáp AAG đã xác định được vị trí đứt cáp cách trạm cập bờ biển Vũng Tàu 117km. Hiện tại, công tác khắc phục sự cố đang được tiến hành khẩn trương.

AAG là tuyến cáp quang biển xuyên Thái Bình Dương đầu tiên nối trực tiếp Đông Nam Á và Mỹ, cung cấp kết nối giữa Malaysia, Thái Lan, Singapore, Brunei, Việt Nam, Hong Kong (Trung Quốc), Philippines, Guam, Hawaii và Mỹ. AAG là kết quả sự hợp tác của 19 công ty viễn thông, trong đó có 4 doanh nghiệp Việt Nam là VNPT, Viettel, FPT và SPT. Tuyến cáp có chiều dài 20.191km (nhánh cáp rẽ vào Việt Nam có chiều dài 314km) với tổng chi phí đầu tư khoảng 560 triệu USD, trong đó VNPT góp vốn nhiều nhất với 40 triệu USD. Tuyến cáp AAG chính thức hoạt động từ ngày 10-11-2009 và đến nay chiếm 40% đến 70% lưu lượng kết nối Internet đi quốc tế của Việt Nam. Trong năm 2014, tuyến cáp AAG 3 lần bị sự cố, hoặc đứt đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến người sử dụng Internet Việt Nam.

Những sự cố liên tiếp của tuyến cáp AAG cũng đòi hỏi các doanh nghiệp của Việt Nam phải tính đến phương án kết nối khác để hạn chế tối đa những sự cố đứt cáp quang biển, ảnh hưởng đến sử dụng dịch vụ Internet. Sự cố ngày 5-1 vừa qua là nặng nhất từ trước đến nay ở Việt Nam, nhất là việc truy xuất các dịch vụ của Google và Yahoo từ Việt Nam. Ngoài việc ảnh hưởng dịch vụ Internet đi quốc tế thông thường, rõ ràng sự cố này còn tác động nhiều tới việc đảm bảo an toàn thông tin, cũng như việc tiếp nhận, điều hành, giao dịch của rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam.

Ngay khi sự cố trên AAG xảy ra, các doanh nghiệp như VNPT, Viettel, FPT đều đã điều hướng lưu lượng Internet sang các tuyến cáp khác, kể cả trên đất liền để san tải, nhưng do dung lượng sụt giảm trên AAG quá lớn, nên các tuyến khác không thể thay thế được. Việt Nam hiện chỉ mới có 4 tuyến cáp quang biển kết nối với thế giới. Trong khi đó, những nơi đã phát triển lâu năm về Internet như Hong Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ... đều có số lượng tuyến cáp nhiều gấp vài lần. Vì vậy, khi đứt một tuyến cáp, ảnh hưởng đối với họ rất ít. Được biết, hiện nay, 3 doanh nghiệp Việt Nam là VNPT, Viettel và FPT đang tham gia một dự án cáp quang biển xuyên Thái Bình Dương kết nối châu Á và Mỹ. Tuy nhiên phải đến năm 2016, tuyến cáp quang biển này mới đi vào hoạt động.

Với sự cố liên tục trên AAG vừa qua, nhiều người tin rằng có nguyên nhân do con người hơn là nguyên nhân tự nhiên. Đây là điều mà các cơ quan chức năng cần xem xét kỹ. Và dù với lý do khách quan hay chủ quan, đã đến lúc phải nhìn nhận lại về vấn đề kết nối thông tin toàn cầu vì việc đứt cáp quang biển không phải là vấn đề riêng tại Việt Nam, trong khi việc bảo vệ đường cáp trên biển không phải chuyện dễ dàng. Đảm bảo cho việc kết nối Internet nói riêng hay kết nối thông tin toàn cầu bây giờ là câu chuyện sống còn đối với bất kỳ đất nước, tổ chức, doanh nghiệp nào.

TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục