Áo trắng vào tâm dịch

“Chúng em đang ở điểm phong tỏa. Việc hôm nay nhiều nên chắc trễ lắm mới xong. Có gì sáng mai em điện thoại lại chị nhé”, Tạ Minh Tùng, sinh viên năm thứ 5 ngành Y đa khoa, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM), nhắn lại khi thấy cuộc gọi của chúng tôi lúc hơn 21 giờ.
Sinh viên ngành y tại TPHCM tình nguyện tham gia chống dịch Covid-19 đang nhập liệu tại điểm cách ly. Ảnh: THÁI PHƯƠNG
Sinh viên ngành y tại TPHCM tình nguyện tham gia chống dịch Covid-19 đang nhập liệu tại điểm cách ly. Ảnh: THÁI PHƯƠNG

Không ngồi yên khi xã hội cần 

Hơn 1 tháng qua, nhóm của Tùng gồm 10 sinh viên (SV) đã tình nguyện ở lại Trung tâm Y tế quận 8 để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ công tác lấy mẫu xét nghiệm, nhập liệu tại các điểm cách ly, phong tỏa. Không chỉ nhóm của Tùng, mà từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại TPHCM, hàng ngàn SV ngành y tại các trường trên địa bàn TPHCM đã xung phong vào các tâm dịch để hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch.

“Khi có thông tin địa bàn xuất hiện ca F0, chúng em sẽ lên đường cùng các anh chị Trung tâm Y tế quận 8 vào điểm cách ly để lấy mẫu và nhập liệu”, Tùng cho biết. Công việc của nhóm bắt đầu từ sáng và thường kết thúc rất trễ, có khi đến 10 giờ đêm, tùy vào số lượng việc. Do phải thường xuyên vào khu phong tỏa, cách ly, nguy cơ lây nhiễm cao nên hơn 1 tháng qua, Tùng và các bạn quyết định ở lại quận 8 để vừa đáp ứng nhanh công việc vừa tránh nguy cơ lây bệnh cho gia đình. Lo cho người thân, nhưng bản thân mình thì các bạn lại không ngại. Mỗi ngày, nhóm vẫn âm thầm vào tâm dịch để thực hiện nhiệm vụ. 

“2 tuần trước, người lái xe chở chúng em đến khu cách ly để làm nhiệm vụ bị mắc Covid-19. Dù đã sẵn sàng tâm thế, nhưng nhiều bạn không tránh khỏi lo lắng. Rất may, trước khi lên xe, chúng em đã mặc đồ bảo hộ nên xét nghiệm sau đó cho kết quả cả nhóm âm tính”, Tùng chia sẻ khoảnh khắc lo âu của mình. Thực tế, từ ngày quận 12, rồi Gò Vấp xuất hiện những ca mắc đầu tiên, Tùng và các bạn đã lên đường hỗ trợ. Khi quận 8 có những diễn biến phức tạp, nhóm Tùng không ngại đăng ký xung phong lên đường. “Chúng em biết nguy hiểm là có khi phải đi vào tâm dịch. Nhưng là người trẻ, lại là người thầy thuốc tương lai, chúng em không thể ngồi yên khi xã hội đang cần mình”, Tùng nói qua điện thoại. 

15 giờ ngày 4-7, đội hình gồm 57 tình nguyện viên (TNV) là SV Trường ĐH Y Dược TPHCM trang bị đồ bảo hộ kỹ càng có mặt tại phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TPHCM để lấy mẫu xét nghiệm. Dược sĩ Nguyễn Trí Hòa cho biết, đây là ngày thứ 20 đội hình làm việc tại quận Bình Tân - nơi đang là “điểm nóng” của dịch Covid-19. Trước đó, các TNV của Trường ĐH Y Dược TPHCM đã tham gia lấy mẫu xét nghiệm trong các khu phong tỏa từ ngày 7-6. Dù xông pha vào những nơi có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao, nhưng tất cả TNV đều nhiệt tình và làm việc rất trách nhiệm.

Cũng trong đầu tháng 7, 25 SV Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch xung phong đi vào tâm dịch quận Bình Tân để hỗ trợ công tác điều tra, truy vết các ca F0, F1. “Nhiệm vụ của nhóm là phối hợp lực lượng y tế tại chỗ truy vết thật nhanh các ca mắc, nhất là trong khu công nghiệp, để có phương án khoanh vùng kịp thời, tránh lây lan trong cộng đồng. Công việc này không kể ngày hay đêm và cần độ nhanh, nên các bạn mệt thì nằm chợp mắt, tỉnh sẽ tiếp tục công việc”, Thạc sĩ Hà Thanh Đạt, Bí thư Đoàn Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết. Điều đáng quý chính là khi đăng ký đi vào vùng dịch như Bình Tân, các TNV sẵn sàng tâm thế có thể trở thành F0, F1 và sẽ ở lại nơi này trong thời gian 3 tuần trở lên đến khi tình hình dịch ổn định. 

Vượt lên chữ tình nguyện

Thạc sĩ Hà Thanh Đạt cho biết, từ cuối tháng 5, các SV Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã hỗ trợ công tác lấy mẫu xét nghiệm tại quận 12, Gò Vấp. Tiếp đó, nhiều nhóm SV của trường không quản ngại đêm hôm, tiếp tục tham gia hỗ trợ tại tâm điểm dịch ở quận Gò Vấp. Thạc sĩ Hà Thanh Đạt nhớ lại, khi những ca mắc Covid-19 xuất hiện nhiều tại quận Gò Vấp và cần thêm người hỗ trợ, 23 giờ đêm, khi anh đăng thông tin cần SV tình nguyện vào tâm điểm Gò Vấp, lập tức nhiều bạn điện thoại cho biết sẵn sàng lên đường ngay. “Tinh thần dấn thân ấy của các bạn là điều vô cùng đáng quý. Nó vượt lên hai chữ tình nguyện. Tính đến nay, đã có hơn 1.000 SV trường đang ngày đêm hỗ trợ tại các “điểm nóng” của dịch”, Thạc sĩ Hà Thanh Đạt chia sẻ. 

Theo Thạc sĩ Trương Văn Đạt, Bí thư Đoàn Trường ĐH Y Dược TPHCM, hiện hơn 2.200 TNV là giảng viên, học viên sau đại học và SV Trường ĐH Y Dược TPHCM trực tiếp đi vào các “điểm nóng” của dịch bệnh để làm nhiệm vụ. Trong đó, có các đội hình lấy mẫu xét nghiệm tại huyện Cần Giờ, Nhà Bè, quận 1, 3, 8, Tân Bình, Bình Tân, Tân Phú và các đội hình truy vết dịch tễ tại huyện Hóc Môn, quận Bình Tân, Tân Phú. “Ngay khi TPHCM xuất hiện các chuỗi bệnh trong cộng đồng khiến ca mắc Covid-19 tăng nhanh, Đoàn Trường ĐH Y Dược TPHCM đã kêu gọi TNV tham gia phòng chống dịch. Số lượng TNV đăng ký tăng lên theo giờ, từ 300 lên 500, rồi 2.200 bạn chỉ sau 2 ngày phát động. Ai cũng trong tâm thế sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ”, Thạc sĩ Trương Văn Đạt cho biết. Cả 3 đợt dịch trước, Đoàn Trường ĐH Y Dược TPHCM cũng luôn duy trì đội hình 500 TNV tham gia các hoạt động phòng chống dịch tại TPHCM.

Trong số những TNV này, có những SV tham gia hỗ trợ phòng chống dịch ngay từ những ngày đầu dịch Covid-19 bùng phát (đầu năm 2020). Có SV mỗi ngày đi về hơn 60km để đến điểm làm nhiệm vụ. Nguyễn Thanh Sơn, SV năm cuối ngành Y tế cộng đồng, ĐH Y Dược TPHCM, đã tham gia 4 đợt dịch bệnh. Thanh Sơn chia sẻ, đợt đầu, dịch Covid-19 mới bùng phát ở Việt Nam và trên thế giới, khi đó giới khoa học cũng chưa hiểu hết mức độ nguy hiểm của dịch bệnh nên khi biết bạn tham gia đội tình nguyện, gia đình can ngăn. Song, bản thân là SV trường y, Sơn xác định sự nghiệp của mình sẽ gắn bó với rất nhiều nguy hiểm liên quan đến bệnh tật. Hơn nữa, đây cũng là cơ hội để bạn cọ xát thực tế, trau dồi thêm kinh nghiệm phục vụ công việc sau này. 

Đợt dịch thứ 4 kéo dài, đã hơn 2 tháng Nguyễn Thanh Sơn không về thăm gia đình ở Long An, mọi liên lạc đều qua điện thoại. Thanh Sơn ấp ủ dự định khi TPHCM bình thường trở lại, bạn sẽ về quê vài ngày để nghỉ ngơi, sau những ngày gồng mình cùng thành phố chống dịch.

Anh Ngô Minh Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn TPHCM, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TPHCM, cho biết, hiện nay trung bình mỗi ngày Thành đoàn TPHCM điều động khoảng 6.000 TNV đến các điểm lấy mẫu, các chốt cách ly, phong tỏa để cùng thành phố chống dịch. Trong đó, đông đảo là sinh viên ngành y đang học tập tại các trường ĐH trên địa bàn TPHCM.

Tin cùng chuyên mục